Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vượt rào cản, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá thuận lợi

Với vai trò là cơ quan giúp Sở KH&CN Hà Nội thực hiện chức năng quản lý nhà nước về TCĐLCL trên địa bàn thành phố, thời gian qua, Chi cục TCĐLCL Hà Nội đã tiến hành xây dựng các nhiệm vụ, chương trình, quy hoạch và kế hoạch phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa, quản lý đo lường, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại địa phương.

Đồng thời, hướng dẫn và tổ chức thi hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, quy hoạch, kế hoạch hoạt động về TCĐLCL sản phẩm, hàng hóa. Hướng dẫn, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ về TCĐLCL trên địa bàn thành phố;

Hướng dẫn nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở tại địa phương… Đặc biệt, Chi cục đã hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thông tin về hàng rào kỹ thuật thương mại (TBT).

Thời gian qua, Chi cục TCĐLCL Hà Nội đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thông tin về hàng rào kỹ thuật thương mại (TBT).

Hàng rào kỹ thuật trong thương mại là các biện pháp áp dụng đối với hàng hóa khi lưu thông trong nước và qua biên giới (nhập khẩu hoặc xuất khẩu), như: quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn; yêu cầu về an toàn, chất lượng; yêu cầu về ghi nhãn, thông tin tiêu dùng; các thủ tục đăng ký nhập khẩu; các thủ tục kiểm tra, chứng nhận phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn…

Đa số các biện pháp kỹ thuật ở thị trường nhập khẩu được áp dụng một cách ổn định, thường xuyên và liên tục (không phải biện pháp bất thường và cũng không mang tính trừng phạt). Hàng hoá nhập khẩu từ tất cả các nguồn đều phải đáp ứng yêu cầu này. Vì vậy, về nguyên tắc, đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu, không có biện pháp phòng tránh hay đối phó mà chỉ có biện pháp duy nhất là tuân thủ.

Việc tuân thủ biện pháp này đôi khi đòi hỏi những thay đổi quan trọng không chỉ đối với hàng hoá thành phẩm xuất khẩu mà cả quá trình nuôi trồng, khai thác nguồn nguyên liệu đến quy trình chế biến, đóng gói, vận chuyển sản phẩm. Đây là việc khó nhưng phải làm bởi nếu không đáp ứng điều kiện kỹ thuật, hàng hoá “lỗi” có thể bị từ chối nhập khẩu. Nghiêm trọng hơn, trong một số trường hợp, nếu việc vi phạm xuất hiện quá nhiều và khó kiểm soát, nước nhập khẩu có thể tăng cường biện pháp kiểm soát, thậm chí cấm nhập khẩu hàng hóa tương tự từ tất cả doanh nghiệp của nước xuất khẩu liên quan (dù một số doanh nghiệp không vi phạm). Do đó, đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu, việc cập nhật các thông tin về TBT là vô cùng cần thiết nhằm giúp cho việc xuất khẩu hàng hoá diễn ra thuận lợi, không bị gián đoạn.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề trên, thời gian qua, Chi cục TCĐLCL Hà Nội đã có nhiều hoạt động nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam cố gắng vượt qua hàng rào kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa cạnh tranh thâm nhập sâu vào các thị trường thương mại quốc tế, sánh vai cùng cường quốc năm châu.  

Hỗ trợ các doanh nghiệp nên hiểu biết về tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước tránh bỡ ngỡ khi gặp phải những tiêu chuẩn, quy chuẩn mà nước nhập khẩu yêu cầu.

Việc chủ động các thông tin về TBT giúp hàng hoá xuất khẩu sang các nước được thuận lợi hơn. 

Chỉ tính riêng trong tháng 9/2021, Chi cục đã tiếp nhận 406 thông báo của Văn phòng TBT Việt Nam và WTO (nếu tính từ đầu năm đến hết tháng 9 là 2967), chuyển tiếp thông báo đến các tổ chức và doanh nghiệp có liên quan. Trước đó, trong năm 2020, Chi cục cũng tiếp nhận 3352 thông báo của TBT Việt Nam và WTO và thực hiện chuyển tiếp cho các doanh nghiệp, sở ban ngành trên địa bàn.

Về phương hướng hoạt động trong thời gian tới, Chi cục cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực TCĐLCL; thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước và quản lý các dịch vụ công về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn Thành phố theo quy định của pháp luật.

Trong đó, đặc biệt chú ý việc duy trì hoạt động thường xuyên nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp về TCĐLCL và hàng rào kỹ thuật trong thương mại cũng như triển khai, thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ kỹ thuật phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích