Thuỵ Sĩ: Phát triển robot cá giúp giám sát đại dương

Thuỵ Sĩ: Phát triển robot cá giúp giám sát đại dương

Các nhà khoa học Thụy Sĩ mới đây đã phát triển một robot hình cá có thể di chuyển dưới nước để giám sát hoạt động của các loài động vật dưới đại dương, từ đó giúp các nhà khoa học đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường biển.

Các nhà khoa học Thụy Sĩ mới đây đã sáng chế ra 1 loài cá robot có thể “bơi” một cách tự nhiên, bên cạnh những loại cá sống trong vùng nước mở, giúp quan sát và thu thập các mẫu gen mà không gây nguy hiểm hay ảnh hưởng tới môi trường và hệ sinh thái biển.

Cá robot có tên Belle được thiết kế đuôi silicon mềm và nhấp nhô để không gây nhiễu động vùng nước, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tự điều hướng. Robot có thể đi vào những rạn san hô, thu thập các mẫu ADN của sinh vật biển và quay video độ phân giải cao.

tm-img-alt
Robot cá đang thực hiện nhiệm vụ dưới đại dương. Ảnh: Reuters

Được thiết kế bởi các sinh viên nghiên cứu kỹ thuật cơ khí tại Học viện Công nghệ liên bang Zurich, Thụy Sĩ, robot này được tích hợp trí tuệ nhân tạo để tự điều hướng vị trí của nó, từ đó có thể quay phim dưới nước, thu thập các mẫu ADN điện tử và lấy hình ảnh về từng loài sinh vật ở một môi trường nhất định với độ phân giải cao.

Chuyên gia Leon Guggenheim, tại Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ cho biết, với 1 thiết bị không gây ảnh hưởng tới cuộc sống ở đại dương, không tạo ra sự sợ hãi hay xa lạ với đời sống đại dương, chúng ta sẽ có nhận thức sâu sắc hơn về cuộc sống trong lòng biển cả.

Chuyên gia Leon Guggenheim cho biết: “Hiện có 2 cách chính để thu thập dữ liệu về đại dương, 1 trong số đó là xác nhận trực quan. Lựa chọn thứ 2 tinh vi hơn là thu thập các mẫu ADN và gửi đến phòng thí nghiệm để chiết xuất. Ý tưởng của chúng tôi là tạo ra 1 nền tảng thực sự phù hợp với hệ sinh thái và được chấp nhận như một phần của nó. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã phát triển loài cá có hành vi giống cá và cũng được các sinh vật biển khác chấp nhận như những con cá thật”.

Cá robot Belle có thể hoạt động tự động trong 2 giờ trước khi bộ lọc ADN bị cạn kiệt và cần phải thay pin. Nhóm nghiên cứu hi vọng, phát minh sẽ giúp các nhà sinh học biển nghiên cứu sức khỏe và đa dạng sinh học của nhiều hệ sinh thái rạn san hô khác nhau, vốn bị ảnh hưởng do vấn nạn đánh bắt quá mức, ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

Vĩnh Hải (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích