Thường Xuân (Thanh Hóa): Dự án giao thông hơn 40 tỷ đồng liệu có được thi công trở lại?

(Xây dựng) – Như đã phản ánh trong bài viết “Thanh Hóa: Ai chịu trách nhiệm về dự án giao thông trên 40 tỷ phải dừng thi công vô thời hạn?”, dự án giao thông nối thôn Buồng, xã Luận Khê đi thôn Pà cầu, xã Xuân Lộc sau một thời gian thi công đã bị lực lượng kiểm lâm địa bàn lập biên bản vì vi phạm đất rừng phòng hộ và yêu cầu tạm dừng thi công từ tháng 3/2021 đến nay.

thuong xuan thanh hoa du an giao thong hon 40 ty dong lieu co duoc thi cong tro lai
Đoàn liên ngành của UBND huyện đi khảo sát thực địa trên tuyến đường.

Nguyên nhân do quá trình khảo sát, thiết kế lập dự án, chủ đầu tư là UBND huyện đã chủ quan, sơ sài, “bỏ qua” việc xin ý kiến, tư vấn của chủ rừng và đơn vị kiểm lâm sở tại, dẫn đến không nắm được có gần 5km chiều dài tuyến đường đi qua đất rừng phòng hộ chưa được chuyển đổi.

Tiếp tục tìm hiểu, PV Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với ông Cầm Bá Đứng – Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân. Theo trình bày của Phó Chủ tịch UBND huyện và tìm hiểu, xác minh của PV cùng những tài liệu có được thì hiện nay việc đi lại, kết nối khu vực phía Nam huyện gồm 4 xã: Xuân Cao, Luận Thành, Tân Thành, Luận Khê và 5 xã phía Tây gồm: Xuân Lộc, Vạn Xuân, Xuân Thắng, Xuân Lẹ, Xuân Chinh phải qua đường Hồ Chí minh và Tỉnh lộ 519B dài tới 36,5km, lại khá cheo leo, hiểm trở, giao thông đi lại rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Về tuyến đường dài hơn 7km đang phải tạm dừng, nếu được thi công hoàn thiện và đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa hai khu vực chỉ còn 15 phút, thuận lợi và an toàn hơn. Qua đó, tạo điều kiện giao thương hàng hóa, thúc đẩy giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội của huyện nói chung và người dân hai khu vực nói riêng với đối tượng hưởng lợi lên tới khoảng 4 vạn khẩu thuộc 9 xã nói trên.

Để tháo gỡ ách tắc, sau khi phải tạm dừng thi công, UBND huyện Thường Xuân đã tổ chức đoàn liên ngành gồm lãnh đạo huyện, các phòng, ban chuyên môn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân, Hạt Kiểm lâm Thường Xuân, UBND hai xã Xuân Lộc và Luận Khê đi kiểm tra hiện trường. Theo đó, xác định trong tổng diện tích 118.625m2 cần thu hồi cho dự án, có 99.717m2 thuộc đất rừng phòng hộ thuộc phụ trách của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân. Diện tích này chủ yếu là rừng tự nhiên (75.552m2 rừng gỗ nứa, 4.781m2 rừng nứa gỗ, gần 20.000m2 rừng trồng). Qua kiểm tra, đoàn xác định diện tích rừng phòng hộ tuyến đường đi qua là rừng tự nhiên nghèo kiệt.

Từ kết quả xác minh trên, UBND huyện Thường Xuân đã có một số báo cáo, gửi UBND tỉnh về tình hình thực hiện dự án và đề nghị tỉnh cho hướng chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong việc trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang thực hiện dự án giao thông thuộc nhóm 30A. Trong đó, có Văn bản số 2185/UBND-BQLDA ngày 16/8/2021 do Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thành Lương ký “về việc: Cam kết dự án giao thông thôn Buồng, xã Luận Khê đi thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc, bắt buộc phải đi qua rừng tự nhiên”. Tại văn bản này, UBND huyện Thường Xuân trình bày và cam kết như sau: “Hướng tuyến theo thiết kế dự án được duyệt có chiều dài 7,58km. Trong đó có 2,8km đường dân sinh cũ nằm ở hai đầu tuyến, còn lại 4,78km đi qua rừng trồng, rừng tự nhiên (riêng rừng tự nhiên là 80.334m2). Hướng tuyến đi qua đây chủ yếu bám theo sườn đồi, ven khe suối… là hướng tuyến ngắn nhất, với phương án thi công tối ưu nhất và đảm bảo tiết kiệm chi phí, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công của Nhà nước… Chủ tịch UBND huyện xin cam kết về hướng tuyến của dự án bắt buộc phải đi qua rừng tự nhiên với Chủ tịch UNBD tỉnh Thanh Hóa”.

Tiếp đó, thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, UBND huyện Thường Xuân đã lập hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên thực hiện Dự án giao thông 30A, kèm công văn đề nghị UBND tỉnh giao các sở, ngành chuyên môn thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Ngày 28/9/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Tờ trình số 164/TTr-UBND gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “về việc đề nghị thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích thực hiện Dự án đường giao thông từ thôn Buồng xã Luận Khê đi thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân (Chương trình 30A). Theo đó, UBND tỉnh căn cứ các quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch sửa đổi, căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn… trên cơ sở báo cáo kết quả thẩm định nội dung trình phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang Dự án giao thông 30a của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… UBND tỉnh Thanh Hóa kính trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên sang thực hiện Dự án đường giao thông từ thôn Buồng, xã Luận Khê đi thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân (Chương trình 30a).

Để chứng minh về sự cần thiết và hợp pháp của dự án, Tờ trình số 146 của UBND tỉnh đã nêu rõ sự tuân thủ pháp luật có liên quan của dự án này, bao gồm: Tính đáp ứng đối với quy định của pháp luật về đầu tư; tính đáp ứng về Luật Đất đai; tính đáp ứng đối với quy định của pháp luật về lâm nghiệp, sự phù hợp quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, tính hiệu quả của dự án. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo, kính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan, việc tháo gỡ khó khăn, ách tắc đối với dự án giao thông 30a tại Thường Xuân đã được thực hiện những khâu đầu tiên. Tuy nhiên, để dự án có thể tiếp tục cần phải qua một thời gian dài với trình tự, thủ tục nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật. Trong đó đóng vai trò quyết định là nhận xét, đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan, dựa trên kết quả thẩm định thực tế về tính khả thi, cần thiết và phù hợp của dự án này đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và những quy định của pháp luật.

Như vậy, câu hỏi dự án có được tái khởi động hay không vẫn còn ở phía trước mặc dù khả năng này là khá cao. Tuy nhiên, dù có được thi công trở lại và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả như báo cáo của UBND huyện Thường Xuân, việc phải dừng thi công vô thời hạn, tổ chức đoàn đi kiểm tra, xác minh hiện trạng rừng, tổ chức hội nghị, làm báo cáo, lập hồ sơ trình thẩm định… là không thể tránh khỏi. Cùng với đó là công tác phí, xăng xe đi lại của các đoàn công tác của tỉnh, của Bộ, ngành Trung ương trong quá trình kiểm tra, thẩm định dự án để có căn cứ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… Ngoài ra còn phải tính đến là sự xuống cấp của hơn 2km đường hai đầu của dự án đã được mở sẽ dẫn đến việc phát sinh kinh phí, gây “đội vốn” công trình.

thuong xuan thanh hoa du an giao thong hon 40 ty dong lieu co duoc thi cong tro lai
thuong xuan thanh hoa du an giao thong hon 40 ty dong lieu co duoc thi cong tro lai
Điểm đầu của tuyến đường của dự án nối với đường bê tông tại thôn Buồng, xã Luận Khê.

Lại thêm một bài học về sự lãng phí, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tại Thanh Hóa. Về trách nhiệm trong vụ việc này, trước hết phải nói đến vai trò của người đứng đầu – Chủ tịch UBND huyện (năm 2019), cùng với đó là các phòng, ban chuyên môn, đóng vai trò tham mưu cho Chủ tịch như: Phòng Tài nguyên Môi trường, Phòng Kinh tế hạ tầng, Ban Quản lý đầu tư xây dựng… Điều mà dư luận quan tâm, đặt câu hỏi là: Tại sao trong quá trình khảo sát, thiết kế, lập dự án, những người có trách nhiệm lại có thể “bỏ qua” việc tham vấn, xin ý kiến của kiểm lâm và chủ rừng (Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện) trong khi Thường Xuân là một huyện miền núi, có diện tích rừng và đất rừng rất lớn. Sự thiếu sót này là do năng lực chuyên môn yếu kém hay sự quan liêu, tắc trách?

Liệu có tổ chức và cá nhân nào phải chịu trách nhiệm, nhận kỷ luật về vụ việc này, hay lại chỉ “rút kinh nghiệm sâu sắc”? Câu hỏi này xin chuyển đến UBND tỉnh Thanh Hóa.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích