Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ra công điện ứng phó với cơn bão số 3

(Xây dựng) – Sáng 5/9, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 14/CĐ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 3 năm 2024” gửi Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các huyện, thị, trực thuộc; các Sở, ngành, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể cấp tỉnh.

Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ra công điện ứng phó với cơn bão số 3
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lạch Trường (Hoằng Hóa) giúp ngư dân chằng chống, neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú trước con bão số 3. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Nội dung công điện nêu về diễn biến của cơn bão số 3 (YAGI), có cường độ mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây. Theo dự báo, sẽ có khả năng cao ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Trong đó có tỉnh Thanh Hóa, nhiều khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Để chủ động phòng chống, Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, khẩn trương triển khai ngay các nhiệm vụ chính.

Tập trung chỉ đạo, triển khai đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9 của thủ tướng Chính phủ, Công điện số 17/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh, các chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo UBND tỉnh tại hội nghị trực tuyến chiều 4/9 về triển khai ứng phó cơn bão số 3 năm 2024. Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải xác định công tác ứng phó bão số 3 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay; chủ động bám sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình của bão, mưa, lũ để xây dựng phương án đối phó phù hợp thực tế, theo đúng phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ. Đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân. Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về công tác ứng phó với cơn bão số 3 ở địa phương.

Cùng với nội dung trên, công điện nêu cụ thể công tác ứng phó với bão số 3 như sau: Khẩn trương kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển không đi vào hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, có biện pháp an toàn cho tàu thuyền tại nơi tránh trú bão. Rà soát các khu vực dân cư có nguy cơ bị nước biển dâng, bị ngập sâu, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn; triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, công trình công cộng. Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn…

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, các ngành chức năng, đơn vị liên quan tăng cường theo dõi, đôn đốc kiểm tra, hướng dẫn triển khai công tác ứng phó bão số 3 tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Kịp thời khắc phục hậu quả của bão có thể gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị trong tỉnh phải phân công lãnh đạo và các lực lượng chức năng trực ban nghiêm túc, kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy những vấn đề phát sinh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích