Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Ấn tượng mùa xuân chiến dịch lòng phơi phới cờ bay
PV: Thưa Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu, Tết Mậu Thân 1968 là một thời khắc lịch sử quan trọng khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một đòn giáng mạnh buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược chiến tranh. Xin ông chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ nhất khi ông và đồng đội đón Tết trên chiến trường?
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi được tham gia Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968; Chiến dịch Đường – Nam Lào 1971; Chiến dịch Quảng Trị 1972; Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, lúc đó tôi là trung đội trưởng, tôi và đồng đội đã đón một cái Tết đặc biệt. Chúng tôi chuẩn bị đón từ trước Tết, vì trong Tết trung đội phải hành quân và sau Tết có thể tham gia các chiến dịch.
Để chuẩn bị đón Tết Mậu Thân 1968, trung đội của chúng tôi rất phấn khởi bởi làm báo tường. Ngày xưa trong chiến trường, quân giải phóng thường làm báo tường, viết bằng bút chì bi thu được từ chiến lợi phẩm của Mỹ và giấy trắng. Khi chúng tôi làm báo tường, ai mà giỏi về vẽ hội họa thì vẽ, ai giỏi viết văn thì viết một đoạn văn về Tết cổ truyền của dân tộc, người giỏi thơ thì làm thơ. Báo tường được làm dưới hầm để tránh bom pháo của địch. Lan rừng, hoa chuối rừng được lấy về trang hoàng đón Tết.
Trong Tết chúng tôi hành quân với nỗi nhớ nhà, tôi và đồng đội căng báo tường lên để đọc chung vui đón xuân và vơi đi nỗi nhớ. Anh em ngâm thơ, đọc thơ rồi hát dân ca 3 miền Bắc – Trung – Nam, ai thuộc được đoạn nào thì hát đoạn đó. Thấy anh em nhớ nhà, tôi làm bài thơ “Tết xa quê mẹ”. Bài thơ viết về kỷ niệm của người lính xa quê nhớ mẹ, nhớ người thương, nhớ bạn bè, nhớ dòng sông quê hương. Đây là bài báo tường tôi đã dán vào phòng trưng bày, bài thơ đã được in nhiều báo sau này.
Tết này con bận việc quân
Đường xuân quê mẹ vắng chân con về
Bước đường trăm núi ngàn khe
Vẫn nghe quấn quýt sơn quê bên mình
Ngụy trang gió cuốn rung rinh
Ngỡ đâu cánh bướm nặng tình quê hương”
Anh em thích bài thơ này quá, cứ nghêu ngao đọc trên đường hành quân, đọc đến thuộc làu. Báo Quân giải phóng đăng và có người ngâm thành thơ, người phổ nhạc thành bài hát. Cho đến bây giờ, những người chiến đấu cùng tôi ở Bình Trị Thiên và Quảng Trị thời đó vẫn nhớ như in bài thơ đó.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu hồi tưởng về những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc
PV: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mà đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Xin ông cho biết, sự đoàn kết và tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ trong những ngày Tết năm 1975 đã ảnh hưởng thế nào đến chiến thắng này?
Cho dù vật chất thiếu thốn, nhưng tinh thần đón xuân của chúng tôi luôn đủ đầy. Không có bánh chưng thật thì tạo hình bánh chưng. Đồng đội tôi vẽ hình bánh chưng, vẽ hoa đào, cành đào rồi dán lên tường. Đón Tết bằng măng rừng, lương khô, cá suối vẫn rất vui.
Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mà đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, bộ đội Cụ Hồ đến từ nhiều vùng miền khác nhau nhưng rất đoàn kết. Mỗi một miền quê đều có nền văn hóa, phong tục tập quán khác nhau nhưng anh em gắn kết bằng tình đồng chí đồng đội, trên tinh thần chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc là trên hết. Đây là ước mơ và khát vọng, là ý chí quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đồng đội tôi ra trận với niềm tin sắt son. Điều đó tạo nên chiến thắng vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
PV: Tết năm 1975, khi đất nước tiến gần đến ngày toàn thắng, không khí trong quân ngũ có gì đặc biệt so với những năm trước đó? Ông có thể kể lại một câu chuyện ấn tượng hoặc xúc động nào mà ông đã trải qua trong dịp Tết đặc biệt này?
Tết năm 1975 tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 thuộc Sư đoàn 320b, nay là 390 (hay còn gọi là Đại đoàn Đồng Bằng), Binh đoàn Quyết Thắng. Anh em chuẩn bị một cái Tết có lẽ là đầy đủ nhất từ trước tới nay vì lúc này chúng tôi đang ở miền Bắc. Trung đoàn chúng tôi với tinh thần chuẩn bị tham gia một chiến dịch lớn, khi đó chưa biết là chiến dịch gì.
Ngày 18/3/1975, tôi là trung đoàn trưởng được lệnh chỉ huy một trung đoàn hành quân bằng cơ giới, đi từ Tam Điệp (Ninh Bình) vào tập kết tại Đồng Xoài (Bình Phước) để làm dự bị cho nhiệm vụ giải phóng Huế và Đà Nẵng. Chúng tôi theo trục đường Trường Sơn hành quân vào tập kết ở Đồng Xoài, chuẩn bị cho Chiến dịch Mùa xuân năm 1975.
Lúc đó trung đoàn khoảng 2.000 người, tăng cường phối thuộc lên 1.000, tổng là 3.000 người, đi bằng xe ô tô theo đường 559 (hệ thống đường Trường Sơn được gọi là đường 559). Đoàn quân đi bụi mù đất, bụi bám lên người như tuyết phủ kín, chỉ hở mũi và hai con mắt. Anh em đang rất mệt nhọc thì nhận được bức điện ký tên Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Bức điện với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
Nhận được bức điện này, chúng tôi phổ biến luôn cho tất cả cán bộ chiến sĩ, anh em. Nhận lệnh, anh em chúng tôi thấy mọi mệt nhọc tan biến hết. Chúng tôi tiếp tục hành quân cả ngày cả đêm liên tục, ăn lương khô, ăn gạo rang…, hành quân vào Đồng Xoài để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ấn tượng rất sâu sắc là anh em đã có đích trước đó nên dù cuộc hành quân dài, tinh thần anh em như cờ ra mặt trận, phấn khởi theo mệnh lệnh Đại tướng. Đêm 29, rạng sáng ngày 30/4, khi đoàn quân vào cách Lái Thêu (Bình Dương) khoảng 10km thì phát hiện trong làng Búng có một nhà lá đơn sơ nhưng có ánh đèn lấp lóe. Dự đoán đây là cơ sở cách mạng, tôi và đồng chí Chính ủy Trịnh Minh Thư cùng với đội trinh sát men theo rừng, qua nghĩa địa, cho trinh sát vào gần ngôi nhà đó, phát 3 lần tín hiệu “Hồ Chí Minh”. Một lát sau có bà mẹ khẽ mở cánh cửa và đáp lại 3 lần “muôn năm”. Đây đúng là cơ sở cách mạng rồi, chúng tôi vui mừng. Bà mẹ là má Sáu Ngẫu – một bà má miền Nam vốn là cơ sở cách mạng ở địa phương trao cho tấm bản đồ chỉ đường để giúp quân giải phóng tiến vào Sài Gòn thuận lợi, tránh được thương vong tổn thất lớn trên trục đường.
Cho anh em bố trí ở bên ngoài, tôi và đồng chí chính ủy Trịnh Minh Thư vào bên trong. Trong nhà có một chiếc bàn đơn sơ, một chiếc đèn dầu, má Sáu Ngẫu đeo kính trắng và 2 đứa con nhỏ. Tôi đặt bản đồ chỉ huy trước má: “Thưa má, con là chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Nếu má có thông tin má cung cấp cho chúng con”. Má nhìn và nói má không rành bản đồ này. Má vào trong buồng và lấy bản đồ của má.
Trên bản đồ, má ghi rất kỹ, chữ má rất đẹp. Sau này mới biết má từng là giáo viên tiếng Pháp. Đưa bản đồ cho chúng tôi, má dặn má đã cất công chuẩn bị rất kỹ, ghi lại tất cả những điểm quan trọng trong thành cũng như trên trục đường từ Lái Thiêu về Sài Gòn để chờ trao cho quân giải phóng. Mục đích chính là giúp quân giải phóng tránh được những chỗ địch cài mìn hoặc bố trí tuyến phòng thủ, chốt chặn… Đêm 29/4/1975, má đã tham mưu cho Trung đoàn 27 rất nhiều điều quan trọng trong trận đánh.
Má dặn dò rất tỉ mỉ, ân tình: “Qua Trại Huỳnh Văn Lương, có 2.000 lính và một đại tá sĩ quan chỉ huy, các con không cần đánh, mà kêu hàng. Sau đó, đánh nhanh, chiếm cầu Vĩnh Bình. Phải đánh chiếm thẳng mục tiêu ở Sài Gòn chứ không ham đánh địch dọc đường. Tôi có hỏi má là còn cây cầu nào nữa không? Má bảo: “Còn cầu sắt Lái Thiêu, nhưng xe cơ giới không đi được. Nếu địch phá cầu Vĩnh Bình thì đại quân sẽ không vào được Sài Gòn”. Vì vậy, theo lời dặn của má, chúng tôi kêu hàng 2.000 lính và một đại tá sĩ quan chỉ huy mà không cần một viên đạn. Đồng thời, quyết định đánh chiếm cầu Vĩnh Bình vào khoảng hơn 9h ngày 30/4. Trong trận tấn công ấy chỉ có hướng đi qua cầu Vĩnh Bình, địch tử thủ rất ngoan cố.
Đánh chiếm cầu Vĩnh Bình, ngoài Trung đoàn 27, có Đại đội xe tăng của tiểu đoàn 66 tăng cường. Dưới sự chỉ huy dũng cảm, mưu trí của Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc, đại đội đã phát huy tối đa sức đột phá của xe tăng. Khi xe tăng của đồng chí Hoàng Thọ Mạc bị hỏng, đồng chí đã nhảy xuống xe, tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu, tiêu diệt địch, giành giật với chúng từng mét đường để quân ta tiến qua cầu. Trong quá trình chiến đấu, đồng chí Hoàng Thọ Mạc đã hy sinh ngay trước lúc quân ta làm chủ cầu Vĩnh Bình.
Đến khoảng gần 10h, mũi thọc sâu của Trung đoàn 27 đã chiếm toàn bộ khu Gò Vấp, xưởng Bộ tư lệnh thiết giáp quân ngụy, Căn cứ 25, 26 truyền tin và Tổng y viện Cộng hòa, làm chủ những khu vực này. Sau đó, Trung đoàn 27 cùng đơn vị khác đánh tiếp các mục tiêu trong nội thành.
Chính tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu đã dẫn đường cho trung đoàn của chúng tôi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng các đơn vị khác góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước”. Ngày ấy và sau này, những người lính quân giải phóng đã gọi “má Sáu Ngẫu” bằng cái tên thân thương là “Bà má tham mưu của Trung đoàn 27”. Tôi kể lại câu chuyện về má cho nhạc sĩ Văn Thành Nho sáng tác bài hát “Tấm bản đồ má trao”. Anh em đồng đội chúng tôi cứ tới ngày 30/4 là hát bài này.
Má Sáu Ngẫu, người đã trao tấm bản đồ giúp quân ta tiến thẳng vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam. – Ảnh: VOV
Tôi vẫn nhớ như in niềm xúc động tự hào cùng đồng đội đi giữa hàng quân giải phóng trở về, đồng bào đứng bên đường vẫy chào cờ hoa. Đây là mùa xuân toàn thắng, chúng tôi đã thực hiện được lời Bác dạy “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.
Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!
Nguồn: hoanhap.vn