Thưởng thức “vị ngọt đồng quê” từ mật ong Đan Phượng
Đan Phượng nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng đất đai phì nhiêu, màu mỡ, khí hậu ôn hòa rất thích hợp để trồng các loại cây ăn quả, chủng loại đa dạng, phong phú cho hoa quả quanh năm. Nhận thấy tiềm năng sẵn có của địa phương, năm 1983, một số hộ dân huyện Đan Phượng đã mua giống ong nội về nuôi lấy mật, tận dụng khai thác tài nguyên, giúp cây trồng được thụ phấn tự nhiên tăng năng suất cây trồng, mô hình nuôi ong ngày càng hiệu quả cho giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao.
Qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm nghề nuôi ong tại Đan Phượng được truyền từ đời này qua đời khác, thế hệ sau tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm của thế hệ trước tiếp tục học hỏi và phát triển kiến thức của ngành ong.
Anh Trần Tuấn Minh đang kiểm tra tổ ong. |
Theo ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, năm 2023, nhận thấy nhu cầu của thị trường cũng như xu hướng phát triển của xã hội cần liên kết tạo ra chuỗi giá trị cho sản phẩm, giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, tận dụng sự hỗ trợ của nhà nước… Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm mật ong, các hộ nuôi ong nhỏ lẻ tại Đan Phượng đã tập hợp thành lập Hợp tác xã (HTX) nuôi ong lấy tên là HTX Ong Tuấn Minh, với 7 thành viên, quy mô 1.200 đàn ong nội, sản lượng đạt trung bình 15.000 lít/năm, các thành viên của HTX đều có thâm niên, kiến thức về ngành ong.
Anh Trần Tuấn Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đan Phượng, Giám đốc HTX Ong Tuấn Minh cho biết, với phương châm hàng đầu là đưa chất lượng sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng, HTX Ong Tuấn Minh di chuyển đàn ong theo mùa để con ong hút mật hoa tự nhiên. Những đàn ong được đưa đến các nơi có nguồn mật tốt nhất, dồi dào nhất, những con ong bắt đầu quá trình đi kiếm mật chúng hút dịch mật từ hoa mang về tổ và luyện mật.
Ong thợ nhả mật đã hút được từ những bông hoa vào lỗ tổ, lực lượng ong thợ được phân công quạt gió cho bay hơi nước để mật được đặc sánh, khi lượng nước còn khoảng 20% chúng dùng sáp bịt kín các lỗ tổ ngành ong gọi là bít nắp, lúc này mật đã đạt độ chín.
Mật ong của HTX Ong Tuấn Minh đạt OCOP 3 sao. |
Người nuôi ong quay mật ong tại vườn và mang sản phẩm về HTX lọc, loại bỏ tạp chất, sơ chế, chiết rót vào hũ, lọ thủy tinh, đóng gói bảo quản và đưa sản phẩm ra thị trường. Với quy trình khép kín từ khâu chăm sóc, chuẩn bị nguồn khai thác, sản xuất, đến khi đưa sản phẩm ra thị trường đều được thực hiện bài bản, nghiêm túc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,…
Trong năm, HTX chủ yếu thu hoạch 3 vụ mật chính là vụ xuân khi có hoa vải, hoa nhãn; vụ hè có hoa sim, mua, bạch đàn, các loại hoa rừng… và vụ thu có hoa táo. Mùa đông cũng có nhiều loại cây cho mật nhưng HTX không khai thác vào vụ đông, do yếu tố thời tiết mùa đông ở miền Bắc lạnh giá, mỗi đàn ong cần được giữ nhiệt để ấu trùng phát triển tốt, lúc này cần bảo toàn lực lượng để chuẩn bị cho vụ xuân năm sau.
Theo ông Thiều Văn Son, sản phẩm mật ong hoa nhãn Tuấn Minh là sản phẩm mũi nhọn của HTX, đem lại sản lượng lớn, giá trị kinh tế cao cho xã viên trong HTX. Mật ong hoa nhãn có màu nâu đặc sánh đặc trưng, có độ kết tinh cao, giọt mật mang tính đặc trưng của những bông hoa nhãn, vị ngọt thanh, tự nhiên nguyên chất 100% đem lại sự an toàn cho người sử dụng.
Ngoài việc khai thác mật ong HTX còn khai thác phấn hoa, chia tách đàn, nhân giống cung cấp ong giống cho thị trường cả nước. Không chỉ sử dụng lao động là các hội viên, HTX thuê thêm một số lao động là người địa phương tạo công ăn việc làm cho người dân, sự nỗ lực của xây dựng và phát triển HTX tạo ra một mô hình kinh tế mới hiệu quả góp phần làm giàu cho quê hương.
Mật ong hoa nhãn Tuấn Minh có màu nâu đặc sánh đặc trưng. |
“Sản phẩm mật ong Tuấn Minh cung cấp cho thị trường đã có đủ nhãn mác, xuất xứ rõ ràng… là một dấu mốc quan trọng khẳng định giá trị, uy tín của một sản phẩm chất lượng vì sức khỏe người tiêu dùng”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng khẳng định.
Vừa qua, Mật ong Tuấn Minh đã được Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng trao chứng nhận đạt OCOP 3 sao. Đây không chỉ là “tấm vé” đảm bảo chất lượng của sản phẩm của những người nông dân tâm huyết làm ra, mà còn là sự khẳng định một thương hiệu sản phẩm mới của Đan Phượng trong hàng chục sản phẩm nổi tiếng của vùng đất này như: Bưởi Tôm vàng, rượu Long trường tửu, nho Hạ Đen, hoa đồng tiền, rau Cuối Quý, hoa lan Hồ điệp, đậu phụ Hạ Mỗ, khoai lang kén, rau rá, thịt lợn an toàn Trung Châu,…
Phát triển sản xuất trong điều kiện đất nông nghiệp ngày một thu hẹp, người lao động cũng chịu sức hút của nhiều ngành nghề khác là bài toán hóc búa cho nhiều huyện ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên, huyện Đan Phượng đã có những cách làm tạo hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh sự năng động của người dân, huyện Đan Phượng đã hỗ trợ xây dựng nhiều nhãn hiệu tập thể cho nông sản các xã và hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất VietGap, đưa nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những huyện có sản phẩm nông nghiệp đi đầu của thành phố Hà Nội.
Bảo Thoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô