Thương mại hóa sản phẩm truyền thống theo hướng chuyển đổi xanh

Nâng chất lượng sản phẩm truyền thống

Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý – Giáo dục Ngọc Ân trực thuộc Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam được ra đời năm 2020. Trải qua hơn 3 năm hoạt động và nỗ lực phát triển, Trung tâm này đã nghiên cứu và ứng dụng tâm lý – giáo dục vào hoạt động giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp cho người khuyết tật, tự kỷ với nghề làm oản nghệ thuật thành công, mô hình được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả năm 2023.

Theo phong tục thờ cúng của người Việt, “Hương – đăng – trà – quả – thực” là những vật phẩm được dâng cúng trong các ngày lễ, Tết. Oản tượng trưng cho Thực là một trong năm vật phẩm được dâng cúng. Do nhu cầu ngày một tăng, nên sản phẩm oản cần được thay đổi nâng cao chất lượng và đa dạng phù hợp với thị trường và thị hiếu của khách.

Sản phẩm oản cần được nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm và tính thẩm mỹ hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của thị trường phục vụ người dân bày tỏ lòng hiếu kính, tri ân của mình thể hiện trong các vật phẩm dâng lễ.

Thương mại hóa sản phẩm truyền thống theo hướng chuyển đổi xanh
Chị Nguyễn Thị Phương Oanh – Cử nhân chuyên ngành Tâm lý học, Phó Giám đốc Trung tâm Ngọc Ân thuyết trình dự án khởi nghiệp tại vòng thi chung khảo sáng 6/8.

Nắm bắt được nhu cầu về sản phẩm oản ngày càng tăng trong các dịp lễ, Tết cổ truyền của Việt Nam, Trung tâm Ngọc Ân đã tổ chức hướng nghiệp cho người khuyết tật, tự kỷ sản xuất oản nghệ thuật cung cấp cho thị trường. Đến nay, đã có hơn 7.000 mẫu oản nghệ thuật các loại, từ oản gạo được Trung tâm tổ chức thiết kế, sản xuất và cung cấp cho thị trường.

Đặc biệt, Ngọc Ân đã tạo việc làm sản xuất oản cho nguồn nhân lực là người khuyết tật, tự kỷ và phụ nữ yếu thế xã hội trong những năm qua. Hoạt động nghề nghiệp này đã giúp họ vượt qua những rào cản bản thân, dần dần từng bước hoà nhập với xã hội trong môi trường học tập suốt đời và lao động hạnh phúc với nghề sản xuất oản an toàn, tạo thu nhập bằng chính những tư duy còn lại và khả năng phù hợp của mình, giúp người khuyết tật, tự kỷ được bình đẳng trong xã hội.

Đây là một thị trường mới thể hiện văn hoá của người Việt, góp phần lan toả phẩm hạnh dân tộc, giá trị quốc gia, thực hiện đối ngoại nhân dân, tăng cường hữu nghị và phát triển bền vững kinh tế đất nước.

Chia sẻ với Lao động Thủ đô, bà Đào Thanh Hoàn – Nhà sáng lập Ngọc Ân cho biết, nhằm hưởng ứng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, cùng với nhu cầu sử dụng sản phẩm oản tăng nhanh của thị trường hiện tại, Ngọc Ân cần phải có sự đổi mới sáng tạo trong việc tự cải thiện quy trình sản xuất các sản phẩm, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, sản xuất hữu cơ, sạch, tuần hoàn, thân thiện với môi trường theo hướng chuyển đổi xanh.

“Chính vì vậy, chúng tôi cần xanh hóa nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như quá trình sản xuất để góp phần bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho người khuyết tật, tự kỷ và phụ nữ yếu thế ở địa phương, đáp ứng việc nâng cao năng lực sản xuất, thương mại hóa sản phẩm Oản Ngọc Ân nhằm nâng cao năng lực kinh doanh cũng như mở rộng thị trường”, bà Đào Thanh Hoàn cho biết.

Thương mại hóa sản phẩm truyền thống theo hướng chuyển đổi xanh
Sản phẩm Oản Ngọc Ân nhận được nhiều giải thưởng sáng tạo.

Từ yêu cầu thực tiễn, Trung tâm Ngọc Ân thực hiện Dự án: “Nâng cao năng lực sản xuất và thương mại hóa sản phẩm Oản Ngọc Ân theo hướng chuyển đổi xanh” làm dự án khởi nghiệp năm 2024.

Dự án này sẽ góp phần giúp người nông dân phát huy được tiềm năng của nguồn tài nguyên bản địa và phát triển sản xuất theo hướng xanh thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Ngoài ra, việc nâng cao năng lực sản xuất và thương mại hóa sản phẩm giúp sản phẩm Oản Ngọc Ân được quảng bá, phân phối rộng rãi tới người tiêu dùng, giúp họ tiếp cận được với những sản phẩm xanh – sạch – an toàn cho sức khỏe và bảo tồn, phát huy được nét đẹp tín ngưỡng của dân tộc.

Đây cũng là một dự án mang lại nhiều cơ hội việc làm, tạo sự phát triển bền vững cho người khuyết tật, tự kỷ trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước, giảm áp lực chăm sóc người khuyết tật, tự kỷ cho gia đình và giảm gánh nặng kinh tế cho xã hội. Nâng cao năng lực sản xuất và thương mại hoá sản phẩm Oản Ngọc Ân theo hướng chuyển đổi xanh đem lại nhiều cơ hội phát triển tích cực đặc biệt là cho các lao động nữ yếu thế trong xã hội.

Phát triển sản phẩm xanh của người yếu thế

Lọt vào vòng chung khảo Cuộc thi “Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo – chuyển đổi xanh năm 2024” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tổ chức, Dự án đã gây chú ý với các mục tiêu và phương án mang lại giá trị nhân văn cho cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Phương Oanh – Cử nhân chuyên ngành Tâm lý học, Phó Giám đốc Trung tâm Ngọc Ân cho biết, bước đầu Dự án sẽ xây dựng và phát triển vùng liên kết nguyên liệu sản xuất cây lúa nếp cái hoa vàng, tinh dầu bưởi từ cây bưởi Diễn, đường kính theo tiêu chuẩn VietGap làm nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất sản phẩm oản gạo. Xây dựng được mô hình liên kết sản xuất gạo lúa nếp cái hoa vàng, tinh dầu bưởi, đường kính theo tiêu chuẩn VietGap với quy mô 30ha.

Cùng với đó, nghiên cứu, tìm hiểu các nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường và dễ phân hủy để thiết kế nhãn mác, bao bì đóng gói sản phẩm. Hoàn thiện quy trình sản xuất oản gạo theo tiêu chuẩn xanh. Thực hiện, lên kế hoạch và các phương án thu gom, xử lý các phụ, phế phẩm trong quá trình sản xuất để tạo ra nguồn phân bón hữu cơ cho các hộ nông dân, hợp tác xã. Tham khảo, lựa chọn các giải pháp công nghệ tiên tiến, giúp tiết kiệm điện, nước, năng lượng trong quá trình thực hiện sản xuất. Xây dựng thương hiệu, quảng bá, phát triển phân phối sản phẩm oản gạo Ngọc Ân nhằm tăng cường giá trị sản phẩm và đảm bảo có thị trường tiêu thụ ổn định.

Chị Phương Oanh cũng cho biết, điểm mạnh của Dự án là sản phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn VietGap và hoàn toàn từ thiên nhiên, không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Áp dụng công nghệ sấy tuần hoàn khí nóng rút hơi ẩm từ trong sản phẩm thay thế cho việc phơi ngoài trời truyền thống không đảm bảo an toàn vệ sinh. Sản phẩm có kèm nhãn mác giúp người dùng dễ dàng dùng phần mềm truy xuất nguồn gốc.

Áp dụng quy trình sản xuất xanh với các quy trình thu gom và xử lý rác thải triệt để. Bao bì, nhãn mác và các túi đựng sản phẩm được làm từ polymer sinh học PHB, hoặc các sản phẩm túi giấy tự nhiên sản xuất từ tre, tinh bột ngô, khoai, sắn.

Thương mại hóa sản phẩm truyền thống theo hướng chuyển đổi xanh
Dự án chuyển đổi xanh của Ngọc Ân gắn với các giá trị nhân văn của cộng đồng, đặc biệt là cơ hội lao động dành cho người tự kỷ, khuyết tật và phụ nữ yếu thế.

Theo chị Oanh, Dự án sau khi hoàn thiện sẽ giúp cho chính doanh nghiệp thay đổi từ mô hình sản xuất truyền thống thủ công sang sản xuất công nghiệp theo hướng xanh. Bao gồm mạng lưới vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGap, hệ thống nhà xưởng với máy móc hiện đại, cùng không gian rộng rãi đảm bảo môi trường làm việc cho người khuyết tật, tự kỷ và phụ nữ yếu thế.

Mô hình liên kết vùng nguyên liệu (lúa nếp cái hoa vàng, tinh dầu bưởi, mía) theo tiêu chuẩn VietGap sẽ giúp cho các hộ nông dân tiếp cận được với các kỹ thuật canh tác xanh, chuẩn và đảm bảo chất lượng thay thế việc canh tác tự do, đặc biệt là các lao động nữ vì tại các hợp tác xã số lượng lao động nữ canh tác nhiều hơn lao động nam.

Tính bền vững của dự án sản xuất oản gạo theo hướng chuyển đổi xanh được đảm bảo nhờ vào các yếu tố kinh tế, môi trường, xã hội, công nghệ, quan hệ đối tác và trách nhiệm xã hội. Việc đầu tư vào sản xuất xanh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Dự án Nâng cao năng lực sản xuất và thương mại hóa sản phẩm “Oản Ngọc Ân” theo hướng chuyển đổi xanh được Ban Giám khảo đánh giá là một trong những dự án chuyển đổi xanh gắn với các giá trị nhân văn của cộng đồng, đặc biệt là cơ hội lao động dành cho người tự kỷ, khuyết tật và phụ nữ yếu thế.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích