Thương mại điện tử “mắt xích” tiêu thụ nông sản mùa dịch
Nông sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Sản lượng nông sản, các loại rau quả tại Đồng bằng sông Cửu Long cần tiêu thụ từ nay đến cuối năm là khá lớn, trong khi đó việc lưu thông, tiêu thụ vẫn đối mặt với không ít khó khăn do dịch Covid – 19, vì vậy cần có giải pháp hiệu quả để không đứt gãy chuỗi cung ứng – tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, thành viên Tổ Công tác 970 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch, các địa phương đã thu hoạch 1 triệu ha lúa hè thu, tiêu thụ 6 triệu tấn lúa; 3,8 triệu tấn rau màu và 4 triệu tấn trái cây.
Dù đại dịch Covid – 19 và các biện pháp giãn cách xã hội gây ra nhiều khó khăn nhưng nhờ sự nỗ lực của các địa phương, các bộ, ngành nên hàng hóa cơ bản vẫn được luân chuyển, sản lượng tiêu thụ vẫn tương đương hằng năm.
Theo ông Lê Thanh Tùng, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp cần tiêu thụ thêm 8 triệu tấn lúa, 1 triệu tấn rau và 1,7 triệu tấn trái cây các loại. Riêng trong tháng 9, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải tiêu thụ 2 triệu tấn lúa; hàng tháng có khoảng 400.000 tấn trái cây các loại và 250.000 tấn rau cần tiêu thụ. Trong đó, các loại trái cây cần tiêu thụ theo mùa vụ hoặc xuất khẩu với sản lượng lớn như: thanh long, xoài, cam mỗi loại 35.000 tấn, bưởi 40.000 tấn, chuối 50.000 tấn… cũng cần phải giải quyết đầu ra một cách hiệu quả.
Giải pháp cho nông sản mùa dịch?
Qua đại dịch Covid – 19, ngành nông nghiệp và cả doanh nghiệp, nông dân đều thấy rõ vai trò của việc liên kết chuỗi sản xuất – cung ứng và sản xuất theo tiêu chuẩn cụ thể. Trong thời gian giãn cách xã hội, các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất có thể tìm được đầu ra dễ hơn các nông hộ sản xuất riêng lẻ, các nông sản có chứng nhận OCOP hay VietGAP đều tiêu thụ rất nhanh.
Chính vì thế, ngay từ bây giờ, các địa phương cần đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp, định hướng nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và thực hiện hiệu quả công tác dự báo thị trường, sản lượng, thời điểm thu hoạch để điều tiết sản xuất – tiêu thụ hiệu quả nhất.
Đại dịch chính là một phép thử; là bài toán cần giải về phương án tiêu thụ nông sản; qua đó, người nông dân cần nhìn lại việc canh cách gieo trồng như thế nào để hiệu quả; các bộ ngành từ đó nhìn thấu những khó khăn để đưa ra những giải pháp hiệu quả, kịp thời hỗ trợ cho người nông dân.
Để các giải pháp kết nối tiêu thụ không chỉ là tình thế, thích ứng nhanh với các tình huống bất ngờ như dịch Covid – 19 hay các rủi ro khác, các bộ ngành cần phải có một chiến lược rõ ràng; từ khâu lập kế hoạch triển khai thực hiện gieo cấy nuôi trồng cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, cần sớm có cơ chế đầu tư, xây dựng hệ thống kho lạnh quốc gia, đặt tại các vùng nguyên liệu lớn. Và chỉ có hệ thống này mới đủ sức chứa và lưu trữ sản lượng lớn các nông sản, thủy sản khi vào vụ thu hoạch; giúp điều tiết nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu theo nhu cầu thị trường; giải quyết căn cơ được tình trạng thừa – thiếu cục bộ trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản hiện nay.
Sàn thương mại – mắt xích cho tiêu thụ nông sản
Thời gian qua, các chuỗi siêu thị và các sàn thương mại điện tử đã thông qua những kênh phân phối bán lẻ thực phẩm; tận dụng ưu thế kinh doanh online đang được ưa chuộng để phối hợp với các cơ quan quản lý tạo nên chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam đến tay người tiêu dùng. Sự phối hợp giữa các chuỗi bán hàng hiện đại với các đầu mối logistics (dịch vụ hậu cần) cũng đang được chú trọng. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các chuỗi phân phối hiện đại và các dịch vụ logistics kèm theo như kho bãi, vận chuyển cũng có những yêu cầu ngày càng khắt khe, buộc chúng ta cần phải có những phương án phối hợp nhanh chóng, kịp thời, hạn chế tối đa sự đứt gãy trong quá trình lưu thông hàng hóa nông sản.
Tuy nhiên, các “mắt xích” trong chuỗi tiêu thụ nông sản đã và đang thực hiện như thế nào trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp? Việc đưa nông sản vào các kênh bán lẻ hiện đại đã có tác động như thế nào đối với ngành nông nghiệp?
Trong một hội nghị về xúc tiến thương mại qua sàn điện tử, bà Trần Diễm Sa – Trưởng phòng Thu mua ngành thực phẩm tươi sống, Công ty TNHH AEON Việt Nam cho biết: “trong 2 năm trở lại đây, dịch bệnh Covid – 19 đã ảnh hưởng tới nhiều mặt của nền kinh tế và nông nghiệp cũng không ngoại lệ; hoạt động tiêu thụ nông sản theo truyền thống (mang ra chợ đầu mối, chờ thương lái đến thu mua) trở nên bất khả thi. Do đó, việc triển khai tiêu thụ nông sản trên kênh mới điển hình là sàn thương mại điện tử sẽ mở ra hướng đi mới với nhiều ưu điểm, giúp nông dân yên tâm lao động sản xuất, người tiêu dùng mua được thực phẩm, nông sản với chất lượng tốt, bất kể trong tình hình dịch bệnh căng thẳng”.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử cũng cần khắc phục một số rào cản: thay đổi tư duy buôn bán cho người nông dân; hướng dẫn họ cách sử dụng công nghệ số một cách hiệu quả; thấu hiểu các ưu điểm, thế mạnh của kênh thương mại điện tử; biết cách sử dụng, vận dụng vào thực tế. Có như vậy, quá trình đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử sẽ trơn tru hơn; người nông dân tiếp cận được với các sàn thương mại sẽ giúp nông sản tiêu thụ nhanh, cung gặp cầu, sẽ không còn hiện tượng ứ đọng nông sản và không cần phải “giải cứu” hay “hỗ trợ” tiêu thụ như thời gian vừa qua.
Trên thực tế, thông qua các gian hàng thương mại điện tử, người nông dân có thể chủ động tiếp cận, tương tác với khách hàng và đưa sản phẩm của mình tới hàng triệu người tiêu dùng tiềm năng trên cả nước thông qua chụp hình, livestream; chủ động quản lý kho hàng; chủ động trong đóng gói hàng hóa để vận chuyển đến sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Những năm gần đây, ngay từ trước khi dịch Covid – 19 diễn ra, người tiêu dùng đã có thói quen chuyển hướng từ chợ truyền thống sang các chuỗi siêu thị và các cửa hàng thực phẩm sạch. Khi đại dịch Covid – 19 bùng phát, thị trường thương mại điện tử trở nên sôi động hơn; việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn. Qua đó, tích cực làm thay đổi thói quen mua sắm, từ “truyền thống” – chợ dân sinh sang “hiện đại” – thương mại điện tử. Trong thời gian tới, thương mại điện tử sẽ phát triển vượt bậc hơn khi người tiêu dùng đã có một khoảng thời gian dài sử dụng và dần quen với việc mua sắm trực tuyến. Theo số liệu thống kê, số lượng đơn đặt hàng đã tăng một cách đột biến kể từ khi đại dịch bùng phát, Chính phủ áp dụng các biện phát phòng, chống dịch, người dân buộc phải mua sắm mọi vật dụng và thực phẩm trên sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh tín hiệu tích cực về sự gia tăng nhu cầu mua sắm của người dân trên các sàn thương mại điện tử thì khâu hệ thống xử lý và phân phối của các sàn thương mại cũng cần phát triển để đồng đều về chất lượng. Đây cũng là thách thức để các sàn thương mại điện tử không ngừng cải tiến và hoàn thiện, mang đến cho người tiêu dùng dịch vụ tốt hơn nữa; cân bằng giữa phát triển nóng với sự ổn định bền vững của các sàn thương mại điện tử.
Chất lượng sản phẩm là tiên quyết
Để đảm bảo chất lượng nông sản trên sàn thương mại điện tử, ngay từ khâu tiếp xúc với các nhà vườn và hộ sản xuất nông nghiệp đã có một quy trình kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt; ưu tiên các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm đã có chứng nhận VietGAP và GlobalGAP cùng các loại giấy tờ, chứng nhận tương đương khác. Để làm được điều đó, việc phối hợp với các cơ quan chính quyền địa phương và với các hợp tác xã là không thể thiếu.
Bên cạnh đó, nông sản có đặc điểm là loại sản phẩm thời gian tiêu thụ ngắn, nên để đảm bảo chất lượng khi tới tay người mua, các sàn điện tử cũng cần phải triển khai đào tạo, hướng dẫn nông dân cách thức đóng gói, bảo quản sản phẩm sao cho phù hợp với công tác vận chuyển nhất.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, luồng vận tải liên tỉnh, liên vùng còn nhiều hạn chế thì việc tập trung tiêu thụ nông sản ngay tại tỉnh thành được cho là một giải pháp hợp lý. Khi đó, quãng đường vận chuyển ngắn lại, vừa giảm thời gian giao hàng, vừa tối ưu được chi phí vận chuyển, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm khi được giao tới tận tay người mua.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê
GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid – 19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.
Ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu