Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ – Trung: Tín hiệu cho cải thiện quan hệ

Cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến diễn ra vào tháng 11. Ảnh: AFP
Cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến diễn ra vào tháng 11. Ảnh: AFP

Một kết quả quan trọng

Các quan chức Mỹ tin rằng, đối thoại trực tiếp với ông Tập Cận Bình là cách thức tốt nhất để ngăn chặn quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục lún sâu vào bất đồng. Do các biện pháp hạn chế ngừa COVID-19 của Trung Quốc, Washington đang nhắm tới cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình trong tháng 11. Các kế hoạch về cuộc họp trực tuyến này vẫn đang trong quá trình thảo luận.

Chương trình nghị sự cho cuộc gặp có thể sẽ không được thiết lập cho tới khi Mỹ tham vấn xong với các đồng minh. Việc tham vấn có thể bao gồm cả hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Rome, Italia vào tuần tới và cả hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên Hợp Quốc COP26 tiếp sau đó ở Glasgow, Anh. Ông Joe Biden sẽ tham dự cả 2 hội nghị này. Ông Tập Cận Bình đã không có chuyến công du nước ngoài nào kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát nên dự kiến không tham dự.

Tới nay, phía ông Joe Biden vẫn không đặt quá nhiều kỳ vọng vào các kết quả cụ thể từ cuộc gặp trực tuyến với ông Tập Cận Bình cũng như từ chối hé lộ chương trình nghị sự có thể có những nội dung gì. “Chúng tôi vẫn đang lên kế hoạch chi tiết về cuộc gặp song phương trực tuyến và không có gì để xem trước vào thời điểm này” – một quan chức cấp cao của chính quyền cho biết.

Nhiều nguồn tin giấu tên nắm rõ kế hoạch tiết lộ, bản thân cuộc gặp thượng đỉnh đã là một kết quả quan trọng, với hy vọng có thể mang lại sự ổn định cho cạnh tranh chiến lược lâu dài.

Đặt nền móng cho quan hệ

Trong tháng 10, trong cuộc đàm phán của các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc ở Thụy Sĩ, hai bên nhất trí về việc tổ chức hội nghị trực tuyến vào cuối năm. Trao đổi trực tiếp cấp lãnh đạo nhằm thiết lập quan hệ “theo chiều hướng xây dựng hơn”, một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ vào thời điểm đó. “Chúng tôi nghĩ rằng điều đặc biệt quan trọng là các nhà lãnh đạo phải đóng vai trò nhiều hơn trong việc quản lý mối quan hệ này” – quan chức Mỹ nói thêm.

Cuộc gặp ở Zurich giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao Dương Khiết Trì diễn ra sau cuộc điện đàm vào đầu tháng 9 của Tổng thống Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại cuộc gặp này, một quan chức Mỹ lưu ý, “là một cuộc tương tác có ý nghĩa và thực chất hơn so với những gì chúng tôi đã có từ trước đến nay dưới cấp lãnh đạo”. Washington hy vọng đây sẽ là một “hình mẫu cho các cuộc gặp gỡ trong tương lai”. “Những gì chúng tôi đang nỗ lực đạt được là một trạng thái ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc mà ở đó chúng tôi có thể cạnh tranh mạnh mẽ nhưng phải quản lý sự cạnh tranh đó một cách có trách nhiệm” – quan chức này nói.

Cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ về Châu Á Susan Thornton hiện làm việc tại Viện Brookings nhận định, cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể giúp lấp khoảng trống liên lạc và đặt nền móng cho mối quan hệ vẫn đang trong “vòng xoáy đi xuống”. “Đó không hẳn là một kết quả, nhưng nó ngăn mọi thứ trở nên tồi tệ hơn” – bà lưu ý.

Cựu Đại sứ EU ở Washington David O’Sullivan chia sẻ với Reuters rằng, trước đó, các đồng minh Châu Âu “rất lo lắng” quan hệ Mỹ-Trung được xử lý không phù hợp. Một nhà ngoại giao Châu Á cũng cho biết “tất cả mọi người trên khắp thế giới đều có chút lo lắng” về việc mối quan hệ Mỹ-Trung đang đi đến đâu sau cuộc gặp của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và các quan chức Trung Quốc ở Alaska hồi tháng 3. Vài ngày sau cuộc họp ở Alaska, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phải nhấn mạnh tại Brussels rằng, Mỹ sẽ không buộc bất kỳ đồng minh NATO nào chọn giữ Washington và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nhấn mạnh, với nhiều vấn đề còn tồn tại, việc xem cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình là tín hiệu cho thấy mối quan hệ Mỹ – Trung “tan băng” là không đúng. Hiện tại, căng thẳng thương mại vẫn là một trong những vấn đề hàng đầu giữa Mỹ-Trung Quốc.

Theo Hải Anh/laodong.vn

https://laodong.vn/the-gioi/thuong-dinh-truc-tuyen-my-trung-tin-hieu-cho-cai-thien-quan-he-966544.ldo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích