Thương binh Tạ Quang Uẩn: Hành trình vượt khó
(Xây dựng) – Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương ngày nào vẫn luôn hằn sâu trên thân thể thương binh Tạ Quang Uẩn. Vượt qua mọi nỗi đau đó, thương binh Tạ Quang Uẩn đã nỗ lực xây dựng một doanh nghiệp mang thương hiệu Phong Cảnh để tạo việc làm, thu nhập cho đồng đội và con em gia đình chính sách.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chụp ảnh lưu nhiệm cùng thương binh Tạ Quang Uẩn và các thương binh của Hiệp hội doanh nghiệp Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam. |
Chuyện người lính
Thương binh Tạ Quang Uẩn sinh ra và lớn tại thôn Thượng Giáp, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, Hà Nội, thời điểm cả nước chìm trong biển lửa chiến tranh. Tuổi thơ ông đã phải chứng kiến biết bao chiến sĩ đã nằm xuống để bảo vệ cho quê hương, đất nước. Khi vừa tròn 20 tuổi, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng yêu nước nồng nàn, ông Uẩn xung phong đi bộ đội cùng những người đồng đội tại quê nhà Thường Tín.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của thương binh Tạ Quang Uẩn là tại chiến trường Quảng Trị. Theo lời kể của ông, chiến trường lúc ấy vô cùng thảm khốc, bom đạn triền miên suốt ngày đêm. Trong nhiều lần xông pha vào chiến trường, ông cùng đồng rơi vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc khi xung quanh địch đã bao vây, tiếng súng ngay bên tai. Nhiều đồng đội thân thiết của ông trên chiến trường Quảng Trị đã anh dũng hy sinh, và mỗi lần từ chiến trường trở về, biết tin đồng đội đã ngã xuống là người thương binh quê Thường Tín ấy không thể kìm được nước mắt.
Xuyên suốt quá trình tham gia kháng chiến, sự kiện khiến ông Uẩn nhớ mãi là vào ngày 31/12/1974. Khi đó toàn đội bị mai phục, trong quá trình ngăn cản địch tràn lên, ông và 7 người đồng đội khác đã không may trúng đạn. Khi được đưa trở về để chuẩn bị đem chôn, tiếng thì thào kêu đau của ông đã gây chú ý cho đồng đội. Vì bị thương nặng, tiếng nói của ông đã không còn rõ, may mắn thay những người đồng đội đã phát hiện và kịp thời đưa ông về tiền phương phẫu thuật. Theo lời kể của những người đồng đội, khi phát hiện ra thương binh Tạ Quang Uẩn vẫn còn sống, chiến sĩ Lê Văn Mỳ đã xé áo, giữ vào vết thương đang rỉ máu trên cơ thể ông và ngay lập tức đưa ông về dân y huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre để kịp thời sơ cứu. Ông Uẩn bày tỏ lòng biết ơn với những người đồng đội đã chăm sóc để ông có thể tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc, quê hương.
Khi tỉnh lại, bác sĩ cho biết ruột ông đã bị đứt nhiều. Năm 1975, vài tháng kể từ khi vết thương in trên cơ thể người chiến sĩ Tạ Quang Uẩn cũng là đất nước được giải phóng. Lúc này, ông Uẩn cũng rơi nước mắt, nhưng là giọt nước mắt mang ý nghĩa hạnh phúc không thể diễn tả.
Công ty TNHH Phong Cảnh được thành lập
Trở về quê nhà huyện Thường Tín, thương binh Tạ Quang Uẩn chỉ có đôi bàn tay trắng cùng với những vết thương “in đậm” trên da thịt. Thấy cảnh gia đình khó khăn, đói nghèo trong giai đoạn bao cấp, nhà lại đông anh em nên ông Uẩn quyết tâm làm kinh tế tại địa phương. Thuở đầu, ông chỉ đi làm các công việc quốc đất, cấy lúa để kiếm thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Đến khi lập gia đình, ông tham gia công tác tại xã Thống Nhất và phụ trách hậu cần, lo công việc cho nhiều anh em bạn bè làm công trình thuỷ lợi. Trong quá trình làm việc tại đây, ông Uẩn nhận thấy nếu vẫn tiếp tục làm công việc này thì gia đình sẽ còn khó khăn, địa phương không thể phát triển kinh tế. Chính từ suy nghĩ ấy, ông chuyển sang công việc thu mua gạch tại các lò thủ công để bán cho các làng xã có nhu cầu xây đường xá, nhà cửa.
Sau nhiều năm kinh doanh gạch thủ công, ông Uẩn đã xây dựng được thương hiệu và uy tín của mình với các địa phương lân cận. Ông luôn nhớ đến ngày mà đồng đội đã cứu sống mình, để ông có cơ hội trở về quê hương cùng với gia đình phát triển. Xuất phát từ những lý do đó, năm 2009, Công ty xây dựng Phong Cảnh được thương binh Tạ Quang Uẩn thành lập để tạo công ăn việc làm và thu nhập cho con em những người đồng chí, đồng đội của ông trên chiến trường xưa. Với tất cả những tài sản tích góp qua nhiều năm bán gạch cùng với vay ngân hàng, ông Uẩn mua sáu chiếc xe tải IFA để phục vụ vận chuyển các mặt hàng như gạch, cát, đá tới nhiều địa phương. Trong quá trình kinh doanh, ông Uẩn cũng rất quan tâm tới hoạt động xây dựng tại địa phương, hỗ trợ cung cấp rất nhiều vật liệu xây dựng cho các công trình lớn nhỏ trên địa bàn xã.
Người thương binh với tỷ lệ thương tật 38%, nhiễm chất độc da cam tỷ lệ 41%, vết thương ở bụng cùng viên đạn ở cổ tay đã cống hiến, cố gắng hết mình để gây dựng nên Công ty xây dựng Phong Cảnh. Hiện nay, Công ty vẫn đang tiếp tục hoạt động dưới sự điều hành của các con trai của ông Uẩn. Những sản phẩm vật liệu xây dựng của Công ty cũng đã đa dạng, chuyên sản xuất bê tông, các sản phẩm từ xi măng và thạch cao. Ngoài ra, các sản phẩm bán lẻ như đồ ngũ kim, sơn, kính gạch xây, ngói… của Công ty Phong Cảnh cũng được nhiều khách hàng tin dùng.
Nhớ ơn những người đồng đội
Công ty Phong Cảnh tổ chức các hoạt động thăm và tặng quà cho con em gia đình người có công, thương bệnh binh. |
Từ khi thành lập Công ty xây dựng Phong Cảnh, ông Uẩn cùng các con trai đã giải quyết việc làm cho nhiều người lao động tại địa phương. Trong đó, nhiều lái xe cho Công ty là con em của những người đồng đội đã sát cánh chiến đấu cùng ông trên chiến trường xưa. Ông Uẩn chia sẻ: “Công ty luôn có khoảng 1/3 số người lao động là con em gia đình chính sách, người có công. Mức lương đối với mỗi lái xe tối thiểu ở mức khoảng 12 triệu đồng/tháng, với người lao động trong văn phòng tối thiểu là 6 triệu đồng/tháng”.
Kể từ khi công việc kinh doanh của thương binh Tạ Quang Uẩn dần trở nên ổn định, ông cũng tham gia đóng góp nhiều vào các quỹ từ thiện, quỹ “đền ơn đáp nghĩa”. Nén cơn đau của thân thể, ông Uẩn đã trực tiếp tài trợ và tham gia chuyến đi cùng các đồng đội vào chiến trường Quảng Bình, nghĩa trang Trường Sơn để thắp nén hương tưởng nhớ những người đồng đội đã hy sinh.
Nhân dịp Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2024), ông Tạ Quang Uẩn đã tài trợ, tham gia chương trình tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (tỉnh Quảng Trị). Dù tuổi đã cao, những nỗi đau trên cơ thể vẫn còn đó nhưng người thương binh Tạ Quang Uẩn vẫn trở về chiến trường xưa, thắp nén hương tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về chiến trường năm xưa vẫn còn in mãi trong tim của người lính Cụ Hồ – Tạ Quang Uẩn. Một tấm gương sáng để thế hệ ngày nay noi theo, sức mạnh và ý chí của người thương binh không ngững nỗ lực vượt khó để xây dựng mạnh đất quê hương, làm nhiều việc thiện để không phụ niềm tin yêu của những người đồng đội.
Nguồn: Báo xây dựng