Thương binh quê “Năm tấn” làm giàu trên đất Gia Lai
Sau 13 năm trong quân ngũ, đến năm 1979, thương binh Phạm Hữu Đương phục viên về quê nhà (Quỳnh Phụ – Thái Bình). Thời gian đầu, ông Dương mở một cơ sở chụp ảnh tại nhà để mưu sinh, nhưng không hiệu quả nên quay trở lại nghề trồng lúa.
Trong một lần vào tỉnh Đắc Lắc thăm người cháu, thấy cây cà phê phát triển tốt, cho thu nhập cao, ông quyết định một mình vào đây lập nghiệp. Do còn lạ lẫm với vùng đất mới nên ông nhờ người cháu đứng ra nhận khoán 5 ha cà phê của Nông trường 2 (Xí nghiệp Cà phê Krông Ana) để chăm sóc. Khi vườn cây phát triển tốt, cho năng suất ổn định, ông về quê đón vợ con vào và tiếp tục nhận khoán thêm diện tích để tăng thêm thu nhập.
Thương binh Phạm Hữu Đương bên vườn cà phê của gia đình .
Để thỏa mãn ước nguyện: “Muốn có mảnh đất riêng để được thỏa sức làm những điều mình muốn”, nên năm 1999, ông quyết định giao hết diện tích cà phê nhận khoán cho các cháu chăm sóc rồi đưa gia đình sang xã Ia Phìn (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) mua đất để phát triển nông nghiệp.
Với số vốn dành dụm được (200 triệu đồng), ông đầu tư mua 2 ha cà phê và 6 ha đất trống. Vừa chăm sóc diện tích cà phê sẵn có, ông vừa thử nghiệm trồng dâu nuôi tằm. Nhưng do thiếu kinh nghiệm lại không nghiên cứu kỹ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên việc trồng dâu nuôi tằm thất bại. Tiếp theo, ông chuyển sang trồng chuối. Hàng trăm gốc chuối nhanh chóng phát triển xanh tốt, trổ buồng trĩu quả. Khổ nỗi khi chuối đồng loạt chín rộ thì đầu ra vẫn chưa tìm được thế là ông bị lỗ nặng. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã thiệt hại gần 100 triệu đồng. Vì thế, cuối năm 2008, ông quyết định phủ kín diện tích đất trống bằng cây cà phê.
Sau nhiều lần thất bại vì làm nông nghiệp không đúng kỹ thuật, không chú ý đến thị trường, năm 2010, thương binh Phạm Hữu Đương đã mạnh dạn qua Đắc Lắc mua 1.000 cây giống mắc ca về trồng. Thấy cây phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, năm 2015, ông Đương nhân rộng diện tích thêm 1.000 cây nữa. Hiện gia đình ông đang sở hữu khoảng gần 8 ha với 2.000 cây mắc ca xen canh cà phê, chuối, điều, đinh lăng, tiêu.
Lãnh đạo địa phương tham quan mô hình sản xuất mắc ca của gia đình ông Đương.
Hiện nay, 1.000 cây mắc ca trồng trước của ông Đương cho thu hoạch khoảng 10 tấn khô/năm. Ông đầu tư cả máy bóc vỏ, máy sấy, nên sản phẩm được sản xuất theo quy trình khép kín có giá bán khoảng 250 triệu đồng/tấn. Do đã ký trước hợp đồng xuất bán cho các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh nên đầu ra của sản phẩm mắc ca khô khá ổn định. Bình quân, mỗi năm gia đình ông thu hoạch gần 2,5 tỷ đồng từ cây mắc ca. Vườn mắc ca xen canh của ông Đương đã tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, trong đó có các cựu chiến binh, người lớn tuổi trong khu vực. Khoảng 7 lao động thường xuyên phục vụ việc bón phân, tỉa cành, hái quả, bóc tách, phân loại, sấy mắc ca. Đến mùa thu hoạch mắc ca và các loại cây xen canh, ông Đương phải thuê thêm khoảng 10 lao động nữa mới kịp tiến độ. Mức lương hằng tháng cho mỗi công nhân từ 4,5-5 triệu đồng.
Với kinh nghiệm trồng mắc ca và hiệu quả thực tế mà gia đình ông đạt được, ông Đương đã được mời chia sẻ kinh nghiệm trồng mắc ca tại Hội thảo Tiềm năng phát triển cây mắc ca tỉnh Gia Lai do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Hiệp hội mắc ca Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 6/2020.
Theo bà Hoàng Thị Ngát, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông, ông Đương là người đầu tiên trồng mắc ca tại địa phương, hiện vườn mắc ca của gia đình ông Đương là một trong những mô hình điểm của tỉnh Gia Lai với năng suất, hiệu quả cao. Sau nhiều lần kiểm tra, đánh giá sản phẩm, sắp tới huyện Chư Prông sẽ phát triển sản phẩm mắc ca của ông Phạm Hữu Đương thành sản phẩm COOP cấp huyện.
Thương binh Phạm Hữu Đương sơ chế sảm phẩm mắc ca.
Ngoài thu nhập từ cây mắc ca, các loại cây xen canh trong vườn của ông Đương như cà phê, tiêu, chuối, điều… cũng cho thu hoạch từ 200-300 triệu đồng/năm. Trừ chi phí, tổng thu nhập của gia đình ông Đương đạt hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Nhận xét về mô hình phát triển kinh tế của thương binh Phạm Hữu Đương, ông Bùi Văn Nhậm – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Phìn phát biểu: “Thương binh, cựu chiến binh Phạm Hữu Đương là người tiên phong trồng mắc ca xen cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong 2 năm (2017-2018), ông Đương đều đạt danh hiệu cựu chiến binh sản xuất – kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Hiện tại, ông là thành viên Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất – kinh doanh giỏi. Ông còn là người rất tích cực, gương mẫu trong các phong trào, công tác Hội tại địa phương”.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Đương thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế cho các hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Chư Prông. Với nguồn quỹ hơn 100 triệu đồng mỗi năm, ông cho các hội viên vay không tính lãi; đồng thời động viên, hướng dẫn hội viên Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi cách chăm sóc, nuôi trồng cây, con cho hiệu quả cao./.
Nguồn: hoanhap.vn