Thuốc molnupiravir: Hi vọng là ‘vũ khí’ hữu hiệu cho cuộc chiến chống Covid-19
Thuốc molnupiravir- Kết quả đầy hy vọng cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19
Kết quả đầy hy vọng cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 được gã khổng lồ dược phẩm Merck công bố mới đây sau khi phân tích thử nghiệm lâm sàng thuốc molnupiravir Giai đoạn Ba với 775 bệnh nhân Covid-19.
Những người tham gia mắc Covid-19 từ nhẹ tới trung bình, được coi là có nguy cơ nhưng chưa phải nhập viện vào thời điểm bắt đầu thử nghiệm hồi đầu tháng 8.
Đến ngày 29 của thử nghiệm, 7,3% số bệnh nhân trong nhóm dùng thuốc molnupiravir phải nhập viện, không có người nào tử vong. Trong khi đó, tỷ lệ nhập viện ở nhóm dùng giả dược là 14,1%, trong đó 8 người tử vong.
Hãng dược phẩm Merck thêm rằng thuốc kháng virus dạng uống molnupiravir cũng hiệu quả với các biến chủng của nCoV như Gamma, Delta và Mu. Merck đặt tên loại thuốc này theo từ “Mjölnir”, chiếc búa của Thor trong thần thoại Bắc Âu.
“Với những kết quả thuyết phục này, chúng tôi lạc quan rằng molnupiravir có thể trở thành loại thuốc quan trọng, góp phần vào nỗ lực toàn cầu chống đại dịch”, Robert Davis, chủ tịch kiêm CEO của Merck, nói.
Merck và công ty Ridgeback Biotherapeutics cho biết sẽ nộp đơn xin cấp quyền sử dụng khẩn cấp cho molnupiravir lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Chính phủ Mỹ được cho là sẽ nhanh chóng phê duyệt sử dụng khẩn cấp loại thuốc này, sau khi đã đặt trước mua 1,7 triệu liệu trình điều trị molnupiravir với tổng trị giá lên tới 1,2 tỷ USD.
Dây chuyền sản xuất đã được khởi động. Ridgeback Biotherapeutics và Merck dự kiến sản xuất 10 triệu liệu trình cho tới cuối năm nay. Tuy nhiên, hầu hết mọi người có thể sẽ phải đợi thêm vài tuần cho tới vài tháng trước khi được tiếp cận loại thuốc uống điều trị Covid-19 này.
Thuốc molnupiravir phát huy tác dụng ra sao?
Molnupiravir có cơ chế tác dụng gần giống như thuốc kháng virus remdesivir, loại từng được dùng điều trị Covid-19 cho cựu tổng thống Donald Trump. Những loại thuốc này khai thác một đặc điểm của virus là chúng cần nhân bản bên trong tế bào của bệnh nhân để khiến họ trở nặng. Thuốc kháng virus sẽ ngăn chặn quá trình nhân bản này, giúp bệnh nhân không diễn tiến nặng.
Remdesivir xâm nhập vào RNA của virus, làm đình trệ chu kỳ nhân bản của chúng. Trong khi đó, thuốc của Merck hoạt động bằng cách đưa các “viên gạch kiểu RNA” vào bộ gene của virus trong quá trình nó nhân lên, tạo ra vô số đột biến lỗi, làm gián đoạn quá trình nhân bản và tiêu diệt virus.
Ngăn virus nhân bản rất quan trọng bởi khi virus nhân lên càng nhiều và phá hủy tế bào của con người, bệnh nhân sẽ dễ bị trở nặng, theo Waleed Javaid, nhà dịch tễ học kiêm giám đốc kiểm soát và phòng ngừa bệnh truyền nhiễm tại Mount Sinai ở New York. Ngoài ra, khi phát hiện virus trong cơ thể, hệ miễn dịch có thể hoạt động quá mức.
“Tại một thời điểm nhất định, khi cơ thể phát hiện ra loại virus chưa từng gặp, nó sẽ tung ra mọi thứ có thể để chống lại, giống như một chiếc xe tăng lao vào một mục tiêu nhỏ. Điều này giúp cơ thể loại bỏ virus, nhưng đôi khi có thể gây ra những tổn thương nguy hiểm trên khắp cơ thể”, ông nói.
Những loại thuốc như remdesivir và molnupiravir được cho chỉ nhắm mục tiêu đến virus và không tác động tới tế bào của cơ thể người. Người sử dụng cần sử dụng molnupiravir trong liệu trình 5 ngày. Tuy nhiên, hiện chưa rõ những đối tượng nào phù hợp để sử dụng loại thuốc này.
Một loại thuốc như molnupiravir có thể đặc biệt hữu ích bởi nó được dùng cho giai đoạn đầu của bệnh. Nó cũng có thể giúp bệnh nhân không cần tới cơ sở y tế để tiếp nhận các phương pháp điều trị như tiêm kháng thể đơn dòng, từ đó giúp giảm nguy cơ lây bệnh cho nhân viên y tế và ngăn nguy cơ bị biến chứng liên quan tới truyền thuốc.
Việc sử dụng thuốc molnupiravir cũng được đánh giá là phương pháp rẻ hơn khi có chi phí khoảng 700 USD/ liệu trình, trong khi một liệu trình điều trị kháng thể đơn dòng có thể lên tới 2.100 USD hay có thể mất tới 3.100 USD nếu dùng remdesivir.
Vận chuyển và bảo quản thuốc viên uống cũng được cho dễ dàng hơn so với thuốc truyền, nên có thể dễ phân phối với các khu vực xa xôi có nguồn lực hạn chế. Đây cũng là lý do khiến molnupiravir có thể trở thành giải pháp chống dịch mang lại tác động lớn đối với những nơi gặp vấn đề về nguồn cung vaccine.
Merck cho biết họ đang thiết lập mức giá theo bậc cho molnupiravi, đồng nghĩa loại thuốc này có thể có mức giá thấp hơn ở những nước nghèo. Đồng thời, hãng dược phẩm cho biết đang cấp phép cho năm nhà sản xuất ở Ấn Độ để tăng nguồn cung thuốc.
Umair Irfan nhận định với những lợi thế trên, “búa thần Thor” molnupiravi có thể là một vũ khí hữu hiệu giúp nhân loại thay đổi cuộc chiến với Covid-19. Tuy nhiên, biên tập viên này cảnh báo rằng tiêm chủng vẫn là chiến thuật hiệu quả và giá rẻ để kiểm soát đại dịch. Ngay cả những loại vaccine đắt nhất cũng rẻ hơn so với hầu hết liệu pháp điều trị Covid-19. Hai liều Pfizer hoặc Moderna chỉ có giá khoảng 50 USD.
Ngoài ra, các biện pháp y tế cộng đồng khác như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, xét nghiệm Covid-19 cũng được đánh giá quan trọng và hiệu quả trong cuộc chiến với đại dịch. Sự xuất hiện của một loại thuốc không nên là lý do khiến chúng ta mất cảnh giác. Các biện pháp chống dịch cốt lõi hiện có vẫn rất quan trọng để kiểm soát căn bệnh chết người này.
Bộ Y tế Việt Nam đưa thuốc Molnupiravir vào điều trị Covid nhờ tính an toàn và hiệu quả
Molnupiravir là loại thuốc kháng virus thứ 2 được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong đó, tại TPHCM, chương trình thí điểm điều trị Molnupiravir được triển khai từ ngày 28/8 cho trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ. Một túi thuốc là một liệu trình sử dụng cho một F0 trong 5 ngày gồm 20 viên thuốc uống hàm lượng 400mg.
Chương trình thí điểm này được triển khai, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP HCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam, chiến lược hỗ trợ người bệnh F0 điều trị tại nhà và cộng đồng được tiếp cận y tế một cách nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm tải trong điều trị, giảm tử vong là yêu cầu được đặt lên hàng đầu.
Trên cơ sở các kinh nghiệm quốc tế, mô hình bệnh tật (gần 80% bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng), Bộ Y tế đã liên tục cập nhật các phác đồ về quản lý, chăm sóc, điều trị, đảm bảo để các trường hợp F0 tại nhà và cộng đồng được tiếp cận, chăm sóc điều trị một cách tốt nhất.
Theo Bộ Y tế, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố tại một số quốc gia “cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong”.
Theo đó, các trường hợp mắc Covid-19 từ 18-65 tuổi (kết quả xét nghiệm bằng RT-PCR hoặc kit xét nghiệm nhanh tại nhà) có triệu chứng ở mức độ nhẹ sẽ được cán bộ y tế tư vấn, giải thích, đồng ý sẽ được phát thuốc điều trị và có kiểm soát đặc biệt, theo dõi chặt, đánh giá trong quá trình điều trị.
An Dương (T/h)