Thuốc điều trị Covid-19: Pfizer thử nghiệm thuốc viên, Brazil nghiên cứu từ nọc rắn ức chế nCoV

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã xuất hiện gần 2 năm và hiện vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với những biến thể mới phát sinh, các chuyên gia quốc tế đều đồng thuận trong nhận định rằng, để chung sống bình thường với Covid-19 cần đảm bảo 3 yếu tố: xét nghiệm nhanh, chính xác; đảm bảo tỷ lệ cần thiết người dân được tiêm vaccine, nhưng cũng cần phát triển nhanh thuốc trị bệnh.

Do đó, bên cạnh vaccine, hiện các nước trên thế giới cũng đang nỗ lực, chạy đua để phát triển các loại thuốc đặc trị Covid-19. Thuốc điều trị Covid-19 được đánh giá là sự bổ sung quan trọng để hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 tự cách ly tại nhà hoặc điều trị tại bệnh viện.

 Nhiều nước đang thúc đẩy nhanh việc phát triển và nghiên cứu thuốc viên điều trị Covid-19. Ảnh minh họa

Hãng Pfizer thử nghiệm lâm sàng thuốc viên điều trị Covid-19

Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla viết trên Twitter rằng, họ đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 cho loại thuốc viên điều trị Covid-19. Theo đó đơn vị này sẽ bắt đầu nghiên cứu giai đoạn 2 trong 3 giai đoạn cho ứng cử viên kháng virus SARS-CoV-2 dạng uống ở người lớn có triệu chứng không cần nhập viện và bệnh nhân có nguy cơ thấp. 

“Để có thể thành công chống lại Covid-19, có thể sẽ cần đến cả vaccine và thuốc điều trị”, Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla cho biết thêm.

Pfizer cho biết họ đang bắt đầu thử nghiệm với 1.140 người tham gia. Nếu thành công, thuốc có khả năng giải quyết nhu cầu y tế đáng kể chưa được đáp ứng, cung cấp cho bệnh nhân một liệu pháp uống mới, có thể được kê đơn khi có những dấu hiệu nhiễm virus đầu tiên mà không phải nhập viện.

Một thử nghiệm riêng biệt đã được bắt đầu vào tháng 7 dành cho những người có nguy cơ mắc bệnh nặng. Những nhà sản xuất thuốc khác, bao gồm Roche và Merck, cũng đang nghiên cứu các phương pháp điều trị trong lĩnh vực này.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ tuần trước đã phê duyệt đầy đủ cho vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech, đưa sản phẩm này thành vaccine Covid-19 đầu tiên ở Mỹ vượt qua giai đoạn cấp phép khẩn cấp.

Brazil nghiên cứu thuốc chống Covid-19 từ nọc độc rắn

Các nhà nghiên cứu phát hiện phân tử trong nọc độc của một loại rắn có thể ức chế nCoV nhân lên trong tế bào khỉ, mở ra tiềm năng phát triển thuốc điều trị Covid-19.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Molecules phát hiện phân tử sản sinh bởi rắn jararacussu ngăn chặn nCoV nhân lên ở tế bào khỉ tới 75%. “Chúng tôi có thể chứng minh thành phần này trong nọc rắn có khả năng ức chế protein rất quan trọng từ virus”, Rafael Guido, giáo sư ở Đại học Sao Paulo, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.

Phân tử đó là một peptide hay chuỗi amino axit, có thể kết nối với enzyme của nCoV mang tên PLPro, đóng vai trò giúp virus sinh sôi, mà không tổn thương tế bào khác. Được biết tới bởi khả năng kháng khuẩn, các nhà nghiên cứu có thể tổng hợp peptide trong phòng thí nghiệm nên không cần bắt hoặc nuôi rắn.

“Chúng tôi lo ngại mọi người sẽ săn bắt rắn jararacussu ở khắp Brazil với suy nghĩ họ làm vậy để cứu thế giới”, Giuseppe Puorto, nhà bò sát học ở Viện Butantan tại Sao Paulo, chia sẻ. “Nọc độc rắn không phải thứ giúp điều trị nCoV”.

Tiếp theo, các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá hiệu quả của những liều lượng phân tử khác nhau và xem xét liệu chúng có thể ngăn virus xâm nhập tế bào ngay từ đầu hay không. Họ hy vọng có thể kiểm tra hợp chất ở tế bào người nhưng không tiết lộ mốc thời gian.

Rắn jararacussu là một trong những loài rắn lớn nhất Brazil, có thể dài đến 2 mét. Loài rắn này sống ở các khu vực ven biển Đại Tây Dương hay ở Bolivia, Paraguay và Argentina.

Cùng đồng hành với công cuộc nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị Covid-19, mới đây Hàn Quốc cũng đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên toàn cầu với loại thuốc điều trị Covid-19 bằng kháng thể có tên Rekirona do hãng dược Celltrion của Hàn Quốc bào chế.

Rekirona là một kháng thể đơn dòng có hoạt tính chống Covid-19, tức là một loại protein được sản sinh để xâm nhập một tế bào cụ thể. Kết quả thử nghiệm cho thấy thuốc Rekirona giúp giảm 54% nguy cơ bệnh trở nặng so với những bệnh nhân không được sử dụng thuốc. Hồi tháng 2/2021, Cơ quan An toàn dược phẩm Hàn Quốc đã cấp phép cho Rekirona trở thành thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên được sản xuất tại Hàn Quốc.

Cuối tháng 6 vừa qua, các nhà khoa học tại Viện Hóa học Việt Nam cũng đã công bố tổng hợp thành công một thuốc kháng virus mới Favipiravir với cơ chế hoạt động tương tự như thuốc Remdesivir. Mặc dù đây mới là các kết quả ban đầu trong phòng thí nghiệm, nhưng được xem là tín hiệu đáng mừng mà các nhà khoa học Việt Nam mang lại.

 An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích