Thủng đáy, phá vỡ loạt hỗ trợ, VN-Index còn rơi đến đâu?

Giá của nhiều nhóm cổ phiếu thời điểm hiện tại còn thấp hơn cả đáy tháng 5 cũng như tháng 7 vừa qua, thậm chí một số cổ phiếu đã về mức đáy hồi tháng 3/2020.

Kiên nhẫn chờ đợi thị trường cho tín hiệu cân bằng

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

VN-Index giảm điểm mạnh với thanh khoản thấp xuống dưới vùng hỗ trợ 1.100 điểm. Về góc nhìn kỹ thuật, toàn bộ các chỉ báo tiếp tục cho tín hiệu tiêu cực và chưa cho dấu hiệu chững lại. Với việc ADX vượt lên trên 40 cho thấy thị trường đang bước vào nhịp giảm điểm lớn và ngưỡng tiếp theo sẽ ở vùng 1.050 điểm tương đương với thang đo Fibonacci mở rộng 0.618.

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động nâng cao tỷ trọng tiền mặt, quan sát thị trường tại các hỗ trợ, kiên nhẫn chờ đợi thị trường cho tín hiệu cân bằng thay vì bắt đáy sớm.

Giữ tài khoản với tỷ lệ tiền mặt tối thiểu 70%

Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco)

Sau phiên tăng điểm tốt cuối tuần trước, VN-Index quay lại trạng thái giảm điểm và hiện lui về mốc 1.086 điểm. Mặc dù chỉ số giảm mạnh trên 4% song thanh khoản vẫn ở mức thấp đạt khoảng 11.500 tỷ đồng cho thấy lực cầu tham gia hạn chế. Sắc đỏ bao phủ phần lớn thị trường trong đó lực bán tập trung chủ yếu vào nhóm VN30 với 11 mã giảm sàn.

thung day pha vo loat ho tro vn index con roi den dau
Đồ thị kỹ thuật VN-Index (Ảnh chụp màn hình).

Quan sát đồ thị kỹ thuật, mốc hỗ trợ 1.050 điểm đang là hỗ trợ gần nhất của chỉ số. Trước những thông tin quốc tế không thuận lợi, Agriseco Research cho rằng rủi ro thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn vẫn hiện hữu. Tuy nhiên, các chỉ báo động lượng RSI hay Stochastic đang ở vùng quá bán, do đó kỳ vọng VN-Index có thể xuất hiện nhịp hồi phục trong các phiên sắp tới.

Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ tài khoản với tỷ lệ tiền mặt tối thiểu 70% và không sử dụng margin. Trong trường hợp chỉ số về quanh vùng 1.050 điểm, nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu thuộc nhóm VN30 có triển vọng trung – dài hạn khả quan và đã về mức định giá hấp dẫn.

VN-Index chịu áp lực điều chỉnh về vùng hỗ trợ tiếp theo 1.010-1.030 điểm

Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS)

VN-Index phiên giao dịch đầu tiên của quý IV tiếp tục giảm điểm mạnh với tâm lý bi quan, sợ hãi. Kết phiên VN-Index ở mức 1.086,44 điểm giảm mạnh 4,03% với khối lượng giao dịch giảm 18,05% so với phiên trước. Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất của VN-Index trong 3 tháng qua. VN-Index tiếp tục xu hướng giảm khi mất vùng hỗ trợ giá thấp nhất tháng 9 tương ứng 1.100 điểm. Áp lực bán tiếp tục gia tăng nhiều mã với độ rộng tiêu cực.

Hiện tại tâm lý ngắn hạn của thị trường vẫn ở trạng thái bi quan mạnh, áp lực cắt lỗ ngắn hạn cao. Có rủi ro dẫn đến áp lực bán giải chấp của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Xu hướng ngắn hạn của VN-Index suy giảm, chịu áp lực điều chỉnh về vùng hỗ trợ tiếp theo 1.010-1.030 điểm. Tương ứng vùng giá cao nhất năm 2019 – tháng 11/2029 trước thời điểm giảm mạnh do đại dịch Covid. Như vậy sau gần đúng 3 năm, thị trường, VN-Index lại quay trở về vùng giá trước khi có đại dịch toàn cầu.

Xu hướng ngắn hạn và trung hạn vẫn suy giảm. Nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại nên duy trì tỷ trọng hợp lý, chờ thêm các thông tin mới về kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp… cũng như xu hướng của thị trường chung cải thiện, thoát khỏi xu hướng giảm giá mạnh kéo dài, mới xem xét gia tăng thêm tỷ trọng đầu tư đối với các mã có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Thị trường vẫn trong xu thế giảm và chưa thể hiện điểm dừng cụ thể

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Mặc dù trong phiên trước thị trường có tín hiệu hỗ trợ từ vùng 1.100 điểm của VN-Index (MA200 của khung đồ thị tuần) nhưng đà giảm đã không được kiềm hãm và thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh. Thể hiện dòng tiền hỗ trợ thị trường còn rụt rè và tín hiệu hỗ trợ trước đó đã không được xác nhận. Thân nến giảm khá dài và VN-Index đóng cửa dưới mức hỗ trợ 1.100 điểm, cho thấy thị trường vẫn trong xu thế giảm và chưa thể hiện điểm dừng cụ thể.

Với diễn biến dao động mạnh theo chiều hướng xấu, dẫn đến khả năng phán đoán thị trường trở nên khó khăn. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng, giữ danh mục ở mức an toàn và chờ động thái hỗ trợ tiếp theo của dòng tiền.

Thị trường có thể có mức hỗ trợ ở khu vực 1.050-1.060 điểm trong kịch bản thận trọng

Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Thị trường trong nước có phiên giảm mạnh đầu quý IV, gợi nhớ những phiên giảm hồi tháng 5 vừa qua bất chấp chỉ số VN-Index đang góp mặt ở top các thị trường có mức giảm mạnh nhất trên thế giới kể từ đầu năm. Điều đáng nói là giá của nhiều nhóm cổ phiếu thời điểm hiện tại còn thấp hơn cả đáy tháng 5 cũng như tháng 7 vừa qua, thậm chí một số cổ phiếu đã về mức đáy hồi tháng 3/2020.

Kể từ mức đỉnh tháng 8, chỉ số VN-Index đã giảm 212 điểm, tức sụt 16,5% và giảm sang tuần thứ 6 liên tiếp khiến các chỉ báo kỹ thuật đi vào vùng quá bán. Chỉ số RSI hiện đang ở vùng 17- 18 (vùng quá bán dưới ngưỡng 30), mức thấp nhất kể từ đáy Covid-19.

Năm 2021, thị trường có 2 đợt giảm mạnh vào tháng 1 và tháng 7 trong khoảng 14-16% và tạo đáy đi lên. Kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật đang ở vùng quá bán, thị trường có thể có mức hỗ trợ ở khu vực 1.050-1.060 điểm trong kịch bản thận trọng.

Lưu ý: Khuyến cáo từ các công ty chứng khoán trên đây chỉ mang tính chất tham khảo đối với nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán cũng đã tuyên bố miễn trách nhiệm với các nhận định trên.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích