Thực trạng ngập úng đô thị Hà Nội giai Đoạn 2012-2022

Thực trạng ngập úng đô thị Hà Nội giai Đoạn 2012-2022

Nghiên cứu thực trạng diễn biến của các điểm ngập úng giai đoạn 2012-2022 là chìa khóa để triển khai hiệu quả các biện pháp kiểm soát ngập úng đô thị ở Hà Nội trong tương lai.

Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đến các vấn đề về môi trường ở khu vực đô thị, trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn biến khó lường [1]. Trong những năm gần đây, Hà Nội đang xảy ra hiện tượng ngập úng đô thị phức tạp [2, 4]. Nghiên cứu thực trạng diễn biến của các điểm ngập úng giai đoạn 2012-2022 là chìa khóa để triển khai hiệu quả các biện pháp kiểm soát ngập úng đô thị ở Hà Nội trong tương lai.

1. Điều kiện tự nhiên của Hà Nội

Hà Nội nằm về phía Tây Bắc của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, với dân số là 8,33 triệu người, diện tích 3.359,82km2, bao gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã (Hình 1). Hà Nội huộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm là 23oC, lượng mưa trung bình là 1.760mm, nhận được khoảng 1.562 giờ nắng mỗi năm. Độ cao trung bình của Hà Nội từ 5 -10m so với mực nước biển, địa hình dốc dần theo hướng Bắc – Nam và Tây – Đông. Nhiều khu vực ở Hà Nội có cao độ +5m, thấp hơn đáng kể so với lòng sông Hồng (có cao độ trung bình từ +7 đến +8m). Do đó, Hà Nội rất dễ bị ngập lụt trong mùa mưa.

Thực trạng ngập úng đô thị Hà Nội giai Đoạn 2012-2022 - Tạp chí Kiến Trúc
Hình 1: Vị trí và ranh giới khu vực Hà Nội (Nguồn: Tran và cộng sự (2019)[3]
Thực trạng ngập úng đô thị Hà Nội giai Đoạn 2012-2022 - Tạp chí Kiến Trúc
Hình 2: Báo cáo ngập úng giai đoạn 2012-2022 (Nguồn: Tác giả)

2. Thông tin các điểm ngập úng giai đoạn 2012-2022

Thông tin các điểm ngập úng đô thị giai đoạn 2012-2022 được thu thập bằng công cụ tìm kiếm Google (http://google.com.vn) trên trình duyệt Google Chrome với 02 từ khóa: 1) “Ngập úng đô thị Hà Nội năm 20xx” để tìm kiếm các ngày mưa bão trong năm gây ra tình trạng ngập úng đô thị, 2) “Ngập úng đô thị Hà Nội ngày xx tháng xx năm 20xx” để tìm kiếm các bản tin ghi nhận các điểm ngập úng trên địa bàn Hà Nội. Thông tin các điểm ngập úng trong các bản tin trên được ghi chép, tích hợp trên Excel với các trường dữ liệu cơ bản bao gồm: thời gian (ngày/tháng/năm xảy ra ngập úng), địa điểm (quận/huyện ghi nhận tình trạng ngập úng), vị trí các điểm ngập, tần suất xuất hiện ngập úng (số lần xuất hiện ngập úng theo các sự kiện mưa bão). Thông tin các điểm ngập úng sau khi thu thập sẽ được tích hợp trên bản đồ hành chính thành phố Hà Nội bằng phần mềm ArcMap để xây dựng bản đồ thực trạng ngập úng giai đoạn 2012 – 2022.

Trong giai đoạn 2012 – 2022, đã có 50 trận mưa bão gây ra hiện tượng ngập úng đô thị trên địa bàn Hà Nội được 60 trang báo điện tử đưa tin trong 206 bài viết ghi nhận 200 điểm ngập úng tại 16 quận/huyện trong thành phố Hà Nội. Hình 2 cho thấy, số lượng các điểm ngập úng ghi nhận trong năm biến động mặc dù phụ thuộc vào diễn biến của các trận mưa nhưng theo xu hướng tăng dần. Trong đó, năm 2022 ghi nhận điểm ngập úng cao nhất với 144 điểm ở 6 trận mưa bão. Điều này cho thấy, rủi ro ngập úng ở Hà Nội diễn biến ngày càng phức tạp.

2.1. Phân bố các điểm ngập úng

Bảng 1 và hình 3 cho thấy, trong tổng số 200 điểm ngập úng ghi nhận được trong giai đoạn 2012 – 2022 thì số lượng điểm ngập úng cao tập trung ở các quận trung tâm thành phố, cao nhất là ở quận Hoàn Kiếm (32 điểm), tiếp sau là Cầu Giấy (25 điểm) và Đống Đa (23 điểm), thấp nhất là huyện ngoại thành Đan Phượng ghi nhận 1 điểm ngập úng.

Thực trạng ngập úng đô thị Hà Nội giai Đoạn 2012-2022 - Tạp chí Kiến Trúc
Bảng 1. Bảng thống kê điểm ngập úng theo quận/huyện giai đoạn 2012-2022
Thực trạng ngập úng đô thị Hà Nội giai Đoạn 2012-2022 - Tạp chí Kiến Trúc
Hình 3: Biểu đồ thực trạng ngập úng theo quận/huyện giai đoạn 2012-2022(Nguồn: Tác giả)

Sự phân bố không gian của các điểm ngập úng được thể hiện trong hình 2 và hình 4. Có 21 điểm ngập úng được ghi nhận trong năm 2012, chủ yếu ở 8 quận trung tâm thành phố. Các điểm ngập úng tăng liên tục đến năm 2018 với 111 điểm và cao nhất vào năm 2022 với 144 điểm tại 13 quận và 3 huyện ngoại thành. Đặc điểm phân bố các điểm ngập úng là mở rộng về phía bắc theo đường vành đai 3 hướng cầu Thăng Long, phía tây bắc theo quốc lộ 32 hướng Nhổn, phía tây theo hướng đại lộ Thăng Long, phía Tây Nam theo quốc lộ 6 hướng bến xe Yên Nghĩa, phía Đông Bắc theo hướng cầu Đuống.

Thực trạng ngập úng đô thị Hà Nội giai Đoạn 2012-2022 - Tạp chí Kiến Trúc
Hình 4: Bản đồ thực trạng các điểm ngập úng Hà Nội giai đoạn 2012-2022(Nguồn: Tác giả)
Thực trạng ngập úng đô thị Hà Nội giai Đoạn 2012-2022 - Tạp chí Kiến Trúc
Bảng 2. Phân loại tần suất các điểm ngập úng giai đoạn 2012-2022

2.2. Tần suất các điểm ngập úng

Bảng 2, hình 5 cho thấy, phạm vi tần suất xuất hiện ngập úng tại 200 điểm khảo sát gian đoạn 2012-2022 là 1 – 24 lần. Trong đó, tần suất ngập úng rất cao (9 – 24 lần) tại 36 điểm (chiếm tỷ lệ 18%), tần suất cao (6 – 8 lần) tại 31 điểm (chiếm tỷ lệ 15,5 %), tần suất trung bình (3-5 lần) tại 69 điểm (chiếm tỷ lệ 34,5%) và tần suất thấp (1 – 2 lần) tại 64 điểm (chiếm tỷ lệ 32%). Phần lớn các điểm ngập úng với tần suất rất cao phân bố ở quận Thanh Xuân (7 điểm), Hoàn Kiếm (6 điểm), Hoàng Mai (4 điểm), Ba Đình – Cầu Giấy – Long Biên (3 điểm), Đống Đa – Hà Đông (2 điểm), Hai Bà Trưng – Bắc Từ Liêm – Nam Từ Liên – Tây Hồ (1 điểm), huyện Hoài Đức và Thanh Trì 1 điểm. So với trung tâm thành phố Hà Nội, tần suất xảy ra ngập úng ở các huyện ngoại thành rất thấp (hình 6).

2.3. Bản đồ thực trạng ngập úng Hà Nội giai đoạn 2012-2022

Sử dụng công cụ phân tích không gian trong ArcMap (công cụ Kernel Density – tính toán mật độ/tương quan của 200 điểm ngập úng) để xây dựng bản đồ thực trạng ngập úng Hà Nội giai đoạn 2012-2022. Hình 7 cho thấy, màu đỏ thể hiện khu vực diễn ra tình trạng ngập úng rất cao, màu xanh lá cây thể hiện khu vực diễn ra tình trạng ngập úng thấp. Kết quả phân tích cho thấy, ranh giới 03 quận Hoàn Kiếm – Ba Đình – Đống Đa thường xuyên xảy ra ngập úng khi có mưa bão, tiếp đến là khu vực trung tâm của 05 quận Ba Đình – Cầu Giấy – Đống Đa – Thanh Xuân – Hoàng Mai, 04 quận Hai Bà Trưng – Hà Đông – Bắc Từ Liêm – Long Biên đang hình thành nhiều điểm nóng ngập úng phức tạp. Đặc điểm phân bố không gian các điểm ngập úng tập trung ở khu vực trung tâm thành phố (khu vực đô thị hóa rất cao) và phát triển theo các hướng bắc, tây bắc, tây, tây nam, đông bắc (tương tự như kết quả nhận định trong mục 3.1) với xu hướng phát triển mở rộng theo các trục đường vành đai, đường chính – trục hướng tâm và các điểm nút giao thông.

Thực trạng ngập úng đô thị Hà Nội giai Đoạn 2012-2022 - Tạp chí Kiến Trúc
Hình 5: Bản đồ phân loại tần suất các điểm ngập úng Hà Nội giai đoạn 2012 – 2022 (Nguồn: Tác giả)
Thực trạng ngập úng đô thị Hà Nội giai Đoạn 2012-2022 - Tạp chí Kiến Trúc
Hình 6: Biểu đồ phân loại tần suất các điểm ngập úng giai đoạn 2012-2022

2.4. Thảo luận

Kết quả nghiên cứu phản ánh bức tranh tổng thể về thực trạng vấn đề ngập úng Hà Nội giai đoạn 2012 – 2022, nguy cơ xảy ra ngập úng sẽ phức tạp hơn cho Hà Nội trước những diễn biến thời tiết cực đoan ngày một khó lường. Nhiều giải pháp phòng chống ngập lụt đô thị ở Hà Nội đã được nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện trong thời gian qua nhưng hiệu quả kiểm soát ngập úng thì chưa thấy rõ.

Thực trạng ngập úng đô thị Hà Nội giai Đoạn 2012-2022 - Tạp chí Kiến Trúc
Hình 7: Bản đồ thực trạng ngập úng Hà Nội giai đoạn 2012-2022

Trong một thập kỷ vừa qua, diện mạo đô thị Hà Nội đã thay đổi mạnh mẽ phản ánh sự phát triển không ngừng về mọi mặt xứng tầm là thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thành ngữ mà các trang báo hay sử dụng “Hà Nội cứ mưa là ngập” sẽ tiếp tục được sử dụng trong tương lai hay không phụ thuộc vào lời giải cho bài toán khó về ngập úng của các nhà hoạch định chiến lược phát triển đô thị Hà Nội.

Đô thị hóa là một quá trình, phản ánh sự phát triển tất yếu của một khu vực đô thị. Tiến trình đô thị hóa ở Hà Nội trong thời gian vừa qua đang gặp nhiều thách thức về môi trường, trong đó nhức nhối nhất là vấn đề ngập úng đô thị. Kết quả nghiên cứu cho thấy: (1) Các điểm ngập úng ngày một gia tăng về cả số lượng và tần suất; (2) Phân bố các điểm ngập úng tập trung ở khu vực trung tâm thành phố (khu vực đô thị hóa rất cao) và có xu hướng mở rộng theo các trục phát triển đô thị. Qua đó cho thấy, các biện pháp kiểm soát ngập úng đô thị Hà Nội sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong tương lai trước bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu.

Để thực hiện thành công chiến lược phát triển Thủ đô Hà Nội “Xanh -Văn hiến – Văn minh – Hiện đại – Bền vững” trong tương lai. Vấn đề ngập úng đô thị cần phải được nghiên cứu bài bản để có các biện pháp kiểm soát hiệu quả và bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta phải thúc đẩy đổi mới, vượt qua các rào cản trong quản lý nước mưa đô thị, hướng tới các biện pháp quản lý nước mưa bền vững nhằm mục đích điều chỉnh chu trình nước trong khu vực đô thị thuận theo tự nhiên. Biện pháp này không những giảm thiểu được rủi ro ngập úng đô thị mà còn khôi phục được thủy văn tự nhiên trong khu vực, kiểm soát ô nhiễm nước mặt, tái tạo sinh thái và cảnh quan đô thị.

TS. Trần Đức Thiện – Đỗ Thùy Linh
Vũ Thị Gấm – Nguyễn Thanh Thư – Hà Công Chiến

Tài liệu tham khảo

1. Huy Nguyen và Phong Tran (2016). 9 – Urban Disaster Risk Reduction in Vietnam: Gaps, Challenges, and Approaches, in Urban Disasters and Resilience in Asia. Butterworth-Heinemann. tr. 123-140.

2. Trần Đức Thiện và cộng sự (2021). Những thách thức đối với quản lý nước đô thị Hà Nội (trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia: Nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững). Nhà xuất bản Khoa học tự nghiên và Công nghệ, tr. 59-69.

3. Ducthien Tran và cộng sự (2019). Research of Urban Suitable Ecological Land Based on the Minimum Cumulative Resistance Model: A Case Study from Hanoi, Vietnam. IOPscience: Earth and Environmental Science, số 300, tr. 032084.

4. Ducthien Tran và cộng sự (2020). Predicting Urban Waterlogging Risks by Regression Models and Internet Open-Data Sources. Water, số 12(3), tr. 879.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích