Thực trạng môi trường làng nghề Mẫn Xá (Bắc Ninh) và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm

Thực trạng môi trường làng nghề Mẫn Xá (Bắc Ninh) và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm

MTĐT –  Thứ bảy, 24/09/2022 08:47 (GMT+7)

Dưới đây là nghiên cứu về “Thực trạng môi trường không khí, nước và chất thải rắn tại làng nghề thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm” .

Bắc Ninh có 62 làng nghề truyền thống, trong đó xã Văn Môn, huyện Yên Phong nổi tiếng với làng nghề thôn Mẫn Xá chuyên tái chế kim loại từ phế thải. Trong quá trình sản xuất do phải nấu chảy kim loại ở nhiệt độ cao bằng nhiên liệu than đá nên lượng khí thải ở làng nghề thải ra rất lớn, trong thành phần khí thải có nhiều loại khí độc hại (SO2, CO, NO, Pb…), gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Bài viết phân tích, đánh giá hiện trạng môi trường không khí, nước và chất thải rắn tại làng nghề xã Văn Môn và đề xuất những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm.

Thực trạng môi trườngkhông khí, nước và chất thải rắntại làng nghề

Xã Văn Môn có 5 thôn, với diện tích tự nhiên là 424,84ha, với tổng số hộ là 3.355 hộ trong đó khoảng 1.100 hộ làm nghề tái chế nhôm, buôn bán phế liệu, làm đồ gỗ, nấu rượu, làm đậu phụ gắn với chăn nuôi. Riêng thôn Mẫn Xá, có 296 cơ sở cô đúc nhôm, trong đó có 291 cơ sở dùng nhiên liệu đốt bằng than đá, 5 cơ sở dụng nhiên liệu đốt dầu và có 100 cơ sở kinh doanh phế liệu. Theo kết quả quan trắc môi trường của Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh trong những năm qua cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Văn Môn chủ yếu phát sinh từ làng nghề cô đúc nhôm thôn Mẫn Xá, cụ thể:

Hiện trạng môi trường không khí xung quanh: Tro than, khói bụi, hơi kim loại là tác nhân ô nhiễm lớn nhất trong bầu không khí tại làng nghề thôn Mẫn Xá. Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại xã Văn Môn đã diễn ra trong nhiều năm. Có thể thấy rõ theo các tài liệu minh chứng như sau:

Theo Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong giai đoạn 2022-2026 của Uỷ ban nhân dân huyện Yên Phong năm 2022, các chỉ tiêu (tiếng ồn, bụi, SO2, NO2) đều vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 – 2,8 lần [7]. Nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu sử dụng trong quá trình sản xuất là phế liệu, phế thải qua quá trình sản xuất (cô đúc) thô sơ, đơn giản, không có các biện pháp giảm thiểu, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong làng và xung quanh.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2016-2020, chỉ tiêu tổng bụi lơ lửng (TSP) môi trường không khí xã Văn Môn vượt tiêu chuẩn cho phép 1,1 – 3,6 lần theo QCVN 05:2013 BTNMT trung bình 24h, và vượt tiêu chuẩn cho phép xét theo QCVN 05:2013 BTNMT trung bình năm là 2,5 – 7,2 lần. Đặc biệt tại thôn Mẫn Xá, thông số này vượt tiêu chuẩn cho phép xét theo QCVN 05:2013 BTNMT trung bình năm là 1,3 – 1,7 lần cho thấy mức độ bụi hàng ngày và mức độ bụi hàng năm tại khu vực làng nghề xã Văn Môn là rất lớn [1]

Năm 2016, Luận án tiến sĩ tác giả Trần Văn Thiện đã chỉ rõ Môi trường làm việc của người lao động tại khu thu gom, phân loại tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong bị ô nhiễm bụi với 75% mẫu bụi toàn phần và 37,5% mẫu bụi hô hấp vượt quá TCCP [4]

Bảng 1. Nồng độ bụi tại các vị trí lao động trong cơ sở tái chế kim loại

tm-img-alt
Nguồn: [4]

Nồng độ trung bình của các kim loại nặng trong không khí như nhôm, cadimi, crom, mangan, đồng, niken đều vượt gấp khoảng 5 lần TCCP. Một số kim loại khác như asen, kẽm có nồng độ trung bình trong không khí vượt TCCP từ 2-3 lần. Đặc biệt, nồng độ trung bình của chì trong không khí vượt TCCP đến hơn 8 lần

Bảng 2. Nồng độ kim loại nặng trong không khí tại cơ sở tái chế kim loại

tm-img-alt
Nguồn: [4]

Nồng độ trung bình của các kim loại nặng trong không khí như nhôm, cadimi, crom, mangan, đồng, niken đều vượt gấp khoảng 5 lần TCCP. Một số kim loại khác như asen, kẽm có nồng độ trung bình trong không khí vượt TCCP từ 2-3 lần. Đặc biệt, nồng độ trung bình của chì trong không khí vượt TCCP đến hơn 8 lần.

Báo cáo Quan trắc môi trường làng nghề năm 2014 của tỉnh Bắc Ninh cũng chỉ ra các chỉ tiêu phân tích gồm bụi, SO2, NO2 đều vượt tiêu chuẩn tại các vị trí lấy mẫu của thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn. Nồng độ CO tuy trong giới hạn cho phép những nếu tiếp xúc với thời gian dài vẫn gây hậu quả nghiêm trọng. Nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 đến 1,8 lần [5]

Bảng 3. Vị trí lấy mẫu môi trường xung quanh tại làng nghề Mẫn Xá

Thực trạng môi trường không khí, nước và chất thải rắn tại làng nghề thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm
Nguồn:[5]

Bảng 4. Kết quả phân tích chất lượng môi trường không khí xung quanhtại làng nghề Mẫn Xá

Thực trạng môi trường không khí, nước và chất thải rắn tại làng nghề thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm
Nguồn:[5]

Ghi chú:

Kết quả được quy về điều kiện (25o C, 760 mmHg); Ký hiệu(-): Không quy định;

– QCVN 05:2013/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí xung quanh.

Như vậy, sự phát triển làng nghề kéo theo mức độ ô nhiễm môi trường rất lớn tại thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn và những hệ luỵ đi kèm của nó là không tránh khỏi. Do thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn không khí ô nhiễm nên người dân ở làng nghề thường mắc phải các bệnh mãn về đường hô hấp và gây kích ứng, tổn thương niêm mạc da. Nguy hiểm hơn bệnh bụi phổi có thể gây biến chứng suy tim và bội nhiễm lao và ung thư. Ngoài ra, khi tiếp xúc với hơi dầu mỡ, axit cũng tác động tới người hít phải, đặc biệt ở cơ quan tiêu thụ lượng oxy cao như tim mạch, não bộ. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2008, làng nghề tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đúc nhôm, chì, kẽm với tỷ lệ các bệnh về hô hấp chiếm 44%, bệnh ngoài da chiếm 13,1%.

Thực trạng môi trường không khí, nước và chất thải rắn tại làng nghề thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm
Ống khói của một hộ nấu kim loại trong làng ghề thôn Mẫn Xá gây ô nhiễm môi trường

Nghiên cứu từ nhóm tác giả Nguyễn Đình Tiến – Đại học Quốc gia Hà Nội (2020) đã lượng giá thiệt hại chi phí sức khoẻ do ô nhiễm môi trường tại làng nghề tái chế xã kim loại xã Văn Môn. Nghiên cứu đã chỉ ra 3 nhóm bệnh mà người lao động và người dân sống tại khu vực tái chế thường gặp phải, đó là nhóm bệnh về hô hấp, tiêu hóa và mắt. Đặc biệt, 3 nhóm bệnh này xảy ra ở độ tuổi lao động từ 18-50 tuổi với tỷ lệ cao nhất. Trên cơ sở sử dụng phương pháp COI, nghiên cứu cho thấy chi phí bình quân trực tiếp mỗi hộ tại xã Văn Môn phải trả là 5,63 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với chi phí trực tiếp tại xã Tam Giang (1,79 triệu đồng) (Xã Tam Giang cách Văn Môn khoảng 6-8km được lựa chọn làm xã đối chứng bởi Tam Giang không có hoạt động tái chế kim loại). Bên cạnh đó, xã Văn Môn có chi phí bình quân gián tiếp là 1,01 triệu đồng, cao hơn gấp 8 lần so với chi phí gián tiếp tại xã Tam Giang (0,12 triệu đồng). Tổng chi phí bình quân hộ của xã Văn Môn là 6,63 triệu đồng, gấp 5 lần so với tổng chi phí bình quân hộ của xã Tam Giang (1,91 triệu đồng) [3]

Đồng thời sự mâu thuẫn, xung đột xuất phát từ vấn đề môi trường cũng nảy sinh ở đây như tỏ thái độ bất bình với người gây ô nhiễm, khiếu kiện lên cấp chính quyền và hơn hết là trựng phạt nhau bằng vũ lực. Thái độ này xảy ra đối với những người không tham gia vào sản xuất. Tuy nhiên số người trong làng nghề không tỏ thái độ gì hoặc thông cảm với người gây ô nhiễm vẫn chiếm tỷ lệ lớn do hầu hết những người này đều trực tiếp hay gián tiếp tham gia sản xuất.

Môi trường nước: Hiện nay, làng nghề thôn Mẫn Xá chưa có nguồn nước máy để dùng, người dân khoan giếng lấy nước ngầm để sinh hoạt. Do bã thải sau cô đúc nhôm bị đổ thải bừa bãi ra ao hồ trong làng, lâu ngày nước mưa thấm xuống khiến mạch nước ngầm bị ô nhiễm nặng. Nước thải phát sinh từ quá trình sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất… không được thu gom, xử lý và xả trực tiếp ra các ao hồ, kênh mương thông qua các hệ thống cống rãnh thoát nước xung quanh làng nghề, cùng với lượng bã thải (xỉ nhôm, xỉ than) phát sinh từ quá trình cô đúc kim loại và chất thải sinh hoạt không được thu gom triệt để, đổ tràn lan ra hệ thống ven đường giao thông và các kênh mương nội đồng, các khu đất trũng (ao, hồ), trong khi hệ thống thoát nước của địa phương bị xuống cấp nghiêm trọng, không còn khả năng thoát nước dẫn đến nước thải bị ứ đọng lâu ngày, phát sinh mùi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong giai đoạn 2022-2026 của Uỷ ban nhân huyện Yên Phong năm 2022, kết quả quan trắc chất lượng nước mặt tại ao tiếp nhận nước thải của làng nghề Mẫn Xá qua các năm cho thấy, các chỉ tiêu phân tích hữu cơ và các kim loại nặng cao hơn quy chuẩn cho phép từ 1,5 đến 16 lần [7]

Kết quả phân tích môi trường nước thải tại làng nghề thôn Mẫn Xá năm 2014 cũng cho thấy Nước thải tại khu vực làng nghề tái chế kim loại Văn Môn vượt tiêu chuẩn về các chỉ tiêu BOD5; COD; SS; Kim loại nặng (Fe, Cu, Zn; Pb; Coliform); cụ thể như sau: Nồng độ BOD5 tại vị trí 1 cao hơn tiêu chuẩn cho phép 1,2 lần; Nồng độ COD cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 1 đến 3,5 lần; Nồng độ SS cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 đến 2 lần; – Nồng độ Fe cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 đến 1,5 lần; Nồng độ Cu cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 1,1 đến 1,5 lần; Nồng độ Zn cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 1 đến 2 lần; Nồng độ Pb vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1 đến 1,5 lần. Việc nước có nồng độ kim loại nặng cao rất nguy hiểm; Nồng độ Coliform ở cả 3 vị trí đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép, do nước thải sinh hoạt của các hộ dân trong làng đều thải ra các cống thải này [5]

Bảng 5. Kết quả phân tích môi trường nước thải tại làng nghề thôn Mẫn Xá

Thực trạng môi trường không khí, nước và chất thải rắn tại làng nghề thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm
Nguồn:[5]

Chất thải rắn: Những nguồn phát sinh chất thải rắn (CTR) chủ yếu tại làng nghề thôn Mẫn Xá, bao gồm:

+ Rhát sinh từ các hộ gia đình trong xã, chợ, trạm xá, trường học, đường phố, cơ quan hành chính xã. Thành phần rác thải này bao gồm rau quả hỏng, giấy bìa cacton, nhựa, gỗ, thuỷ tinh, kim loại, tro, vỏ xe, cành cây, lá cây, xác động vật.

+ Rác thải từ qua trình sản xuất tái chế của làng (xỉ kim loại, than xỉ, tạp chất lẫn trong nguyên vật liệu, phế liệu,các khuôn bằng đất sau khi gia thành phẩm bị đập bỏ…), hiện chỉ có một số ít được dùng để rải đường, xây tường còn lại được tập trung thành đống và không được xử lý.

+ Rác thải từ hoạt động nông nghiệp (phế phẩm nông nghiệp, rơm rạ, xác động thực vật, rác thải từ quá trình chăn nuôi).

+ Rác thải xây dựng (bê tông, gạch vỡ, xà gồ, xà bần, bao bì…);

+ Rác thải khác là các loại thải nguy hại lẫn trong rác thải sinh hoạt (pin, ắc quy, đồ điện – điện tử hỏng), rác thải nguy hại từ trạm y tế xã (bông băng, kim tiêm, chai lọ đựng thuốc), rác thải nguy hại từ các hoạt động nông nghiệp (bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật).

Ước tính, trung bình mỗi ngày, lượng CTR phát sinh từ hoạt động sản xuất của làng nghề thôn Mẫn Xá từ 35 – 40 tấn [6] chủ yếu gồm xỉ than và xỉ nhôm. Lượng CTR này hiện không được các cơ sở sản xuất thu gom thuê các đơn vị có chức năng để xử lý mà đổ ra môi trường xung quanh, các khu vực đất trũng (ao, hồ, rãnh thoát nước), đất nông nghiệp ven làng và dọc hai bên đường giao thông của xã và các thôn lân cận. Hiện làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá đang tồn đọng khoảng 300.000 tấn xỉ nhôm được đổ thải bừa bãi xung quanh làng nghề. Theo số liệu khảo sát cho thấy có 7 bãi đổ thải lớn nằm rải rác trong khu vực thôn Mẫn Xá với tổng diện tích các bãi đổ thải khoảng 76.000 m2. Ngoài những bãi đổ thải, chôn lấp tập trung lớn trên, còn nhiều các bãi nhỏ nằm rải rác xung quanh làng nghề. Hiện tại 7 bãi thải lớn đã được quây tôn không để người dân đổ chất thải ra đây. Tuy nhiên, người dân đem chất thải ra đổ tại các trục đường giao thông liên thôn, liên xã gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

Như vậy có thể thấy lợi ích kinh tế đã vượt trên những nguy cơ về môi trường và sức khoẻ của con người tại khu vực xã Văn Môn. Trong thời gian qua cũng có rất nhiều những sự vụ bị xử phạt ở cả hình thức phạt tiền và đình chỉ hoạt động. Theo Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong giai đoạn 2022-2026 của Uỷ ban nhân dân huyện Yên Phong năm 2022, từ năm 2019-2021, UBND huyện giao Công an huyện phối hợp cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Văn Môn và các tổ chức, cá nhân liên quan kiểm tra việc chấp hành luật bảo vệ môi trường trên địa bàn xã Văn Môn và xử lý tổng số 21 vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường với tổng tiền phạt là 154.500.000 đồng. Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu hành vi đổ chất thải thông thường không đúng nơi quy định; đổ rác thải sinh hoạt xuống vỉa hè; hành vi đốt rác thải nơi công cộn; hành vi đốt dây điện phế thải các loại để lấy lõi. Riêng năm 2021, UBND huyện đã tham mưu và trình UBND tỉnh ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hình thức xử phạt chính là phạt tiền (đợt 1 đối với 5 cơ sở tại thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn với tổng mức phạt tiền là 875.000.000 đồng và hình thức xử phạt bổ sung là đỉnh chỉ hoạt động 09 tháng [7].

Thực trạng môi trường không khí, nước và chất thải rắn tại làng nghề thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm
Chất thải vứt bừa bãi xung quanh làng nghề

Ngoài ra, nhằm giải quyết tình trạng rác thải tồn đọng Cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Mẫn Xá- Văn Môn với diện tích khoảng 26,54 ha, chủ đầu tư là Công ty cổ phần tập đoàn Hanaka. Tổng mức đầu tư(490 tỷ đồng), quy mô lao động (3.200 người). Chủ đầu tư dự án đã cơ bản hoàn thành hạ tầng của CCN Mẫn Xá, Văn Môn; Dự án đầu tư xây dựng Khu xử lý CTR sinh hoạt và chất thải làng nghề xã Văn Môn diện tích khoảng 3,8ha (xử lý các CTR mới phát sinh); Dự án đầu tư thu gom vận chuyển và xử lý CTR tồn động tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong (để thu gom, vận chuyển xử lý lượng chất thải rắn làng nghề tồn đọng với khối lượng rất lớn khoảng 300.000 tấn tro, xỉ thải). UBND huyện Yên Phong đã giao phòng Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… để triển khai thực hiện Dự án.

Đề xuất một số giải pháp BVMT làng ghề trong thời gian tới

Thứ nhất, về cơ chế chính sách: Xây dựng hướng dẫn cụ thể về chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt tại các xã và cụm xã; có cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sản xuất trong khu dân cư của làng nghề di chuyển ra cụm công nghiệp làng nghề tập trung (sau khi dự án CCN làng nghề đi vào hoạt động)…

Thứ hai, thành lập đội tự quản về BVMT làng nghề; xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và kế hoạch chuyển đổi ngành nghề, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, kế hoạch di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề trình UBND huyện phê duyệt; yêu cầu các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề thực hiện công tác phân loại, loại bỏ tạp chất lẫn trong phế liệu trước khi đem tái chế và ký cam kết về việc không đổ chất thải sản xuất bừa bãi, bố trí khu vực lưu giữ tạm thời và ký hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực thu gom, xử lý chất thải phát sinh hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ.

Thứ ba, yêu cầu lực lượng Công an xã thực hiện giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định, quy chế của làng nghề và pháp luật về BVMT. Lập dự án, tiến hành lắp đặt hệ thống camera giám sát các tuyến đường chính ra vào các khu vực làng nghề và khu vực bãi thải hiện tại trong làng nghề, giao cán bộ có trách nhiệm trực online 24/24h, kết nối đường truyền về Phòng Cảnh sát môi trường – Công an tỉnh Bắc Ninh, Công an huyện Yên Phong và Công an xã Văn Môn.

Thứ tư, về quản lý nguồn nguyên liệu, phế liệu đầu vào, cần có biện pháp ngăn chặn việc đưa phế liệu nhôm là chất thải công nghiệp chưa qua xử lý, dầu thải về cô đúc tại khu vực làng nghề, đặc biệt ngăn chặn việc đưa tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy sản xuất nhôm từ nhiều nơi trên địa bàn trong và ngoài tỉnh về khu vực làng nghề để tận thu và đổ thải, có phương án bố trí khu vực lưu giữ tang vật vi phạm an toàn đối với môi trường.

Thứ năm, giải pháp về xử lý khí thải, nước thải: Các cơ sở tái chế kim loại trong làng nghề Mẫn Xá phải đầu tư hệ thống xử lý khí thải đảm bảo quy định mới được phép hoạt động. Kinh phí lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống xử lý khí thải do chủ các cơ sở chịu trách nhiệm chi trả; chỉ đạo các Sở, ngành, UBND huyện Yên Phong đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành Luật BVMT năm 2020 đối với các hộ gia đình, cơ sở sản xuất theo kế hoạch hoặc đột xuất; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hộ gia đình, cơ sở vi phạm pháp luật.

Đối với nước thải sản xuất, do nước thải sản xuất và sinh hoạt của người dân được xả ra cống chung của mỗi hộ rồi đổ thẳng ra môi trường. Điều này làm hàm lượng nước thải có hàm lượng kim loại, COD, BOD, TSS…rất cao, gây khó khăn trong việc xử lý triệt để từng thông số của nước thải. Cần áp dụng giải pháp xử lý nước thải phân tán cho từng cụm gây ô nhiễm với các công nghệ có chi phí đầu tư thấp, vận hành đơn giản và thân thiện với môi trường. Nước thải sau khi được thu gom bằng hệ thống thoát nước thải sẽ được vận chuyển toàn bộ về Trạm xử lý nước thải tập trung của làng nghề và xử lý.

Về nước thải sinh hoạt: Xây dựng các hệ thống xử lý sơ bộ nước thải tại các hộ dân. Ở mỗi hộ gia đình đều có hệ thống bể phốt ngoài ra yêu cầu các hộ phải tự xây dựng bể lắng đọng theo quy mô của mình đảm bảo được thời gian lắng đọng trước khi thải ra. Các hệ thống này sẽ được ban quản lý dự án kiểm tra trước khi đấu nối với hệ thống xử lý nước thải sản xuất.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cơ sở sản xuất trong làng nghề thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về BVMT; khuyến khích cơ sở sản xuất tích cực tham gia trong việc thực hiện đầu tư hệ thống xử lý khí thải đảm bảo khí thải thoát ra ngoài môi trường đạt quy chuẩn môi trường theo quy định; đối với chất thải phân loại chất thải làng nghề và chuyển giao chất thải theo đúng quy định cho đơn vị có năng lực xử lý.

Nguyễn Thị Thu Hà
Viện Địa lý nhân văn – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tài liệu tham khảo

1. Bộ TN&MT (2020), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020.

2. Bộ TN&MT (2008), Báo cáo môi trường Quốc gia 2008 – Môi trường làng nghề Việt Nam.

3. Nguyễn Đình Tiến, Nguyễn Đức Hậu, Trần Yến Ly, Nguyễn Thị Thu Quỳnh (2020) “Lượng giá thiệt hại chi phí sức khỏe do ô nhiễm môi trường tại làng nghề tái chế kim loại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh”, VNU Journal of Science: Economics and Business, Vol. 36, No. 3 (2020) 64 – 74.

4. Trần Văn Thiện (2016) Thực trạng ô nhiễm môi trường, sức khoẻ người lao động, và hiệu quả biện pháp can thiệp tại làng nghề tái chế kim loại Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh, Luận án tiến sĩ y tế công cộng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.

5. Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường tỉnh Bắc Ninh, Báo cáo quan trắc môi trường làng nghề tỉnh Bắc Ninh, 2014.

6. UBND xã Văn Môn (2021), Báo cáo Thực trạng, các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề thôn Mẫn Xá, xã Văn môn.

7. UBND huyện Yên Phong (2022), Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong giai đoạn 2022 – 2026.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích