Thực thi Luật Quy hoạch còn nhiều vướng mắc
(Xây dựng) – Thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật và công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy bên cạnh hiệu quả tích cực, quá trình thực thi Luật Quy hoạch vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Việc thực hiện Luật Quy hoạch còn chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Quy hoạch với các luật khác… (ảnh minh họa). |
Tiến độ lập quy hoạch còn chậm
Để triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị quyết và tổ chức 3 Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vấn đề này; ban hành Danh mục các quy hoạch; trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 7 Luật, 1 Pháp lệnh, 2 Nghị quyết; ban hành 42 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Chỉ thị, 2 Quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Chuyên đề “Thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” là chuyên đề sẽ được Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 3 (khai mạc ngày 23/5).
Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội cũng đã làm việc về một số nội dung liên quan đến Chuyên đề để đánh giá kỹ lưỡng các kết quả, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là thống nhất các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác quy hoạch trong thời gian tới.
Theo báo cáo kết quả giám sát tại Chương trình Phiên họp thứ 10 ngày 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, việc triển khai các công tác quy hoạch đã cơ bản bảo đảm tuân thủ đúng các quy định về quy trình, thủ tục, nội dung theo Luật Quy hoạch, tuy nhiên tiến độ lập quy hoạch hiện còn chậm.
Việc chậm quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã gây khó khăn cho việc dự báo về thị trường, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư do nguy cơ thiếu quỹ đất; ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tác động đến sự phát triển của đất nước, nhất là việc thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.
Do đó, việc ưu tiên tập trung nguồn lực và công tác chỉ đạo để sớm hoàn thành các quy hoạch quan trọng, bảo đảm chất lượng các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là thực sự cần thiết.
Phó trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua giám sát nhận thấy Luật Quy hoạch còn nhiều bất cập, trong đó, cách hiểu chưa thống nhất về phương pháp lập quy hoạch tích hợp, trình tự lập quy hoạch và phê duyệt quy hoạch, chưa dự báo hết được những khó khăn, phức tạp trong quá trình triển khai.
Nguyên nhân là do các bộ ngành, địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ đầy đủ thông tin để bảo đảm sự đồng bộ của quy hoạch được lập theo phương pháp tích hợp, đa ngành.
Đến nay mới có 06 quy hoạch (04 quy hoạch ngành quốc gia, 01 quy hoạch vùng và 01 quy hoạch tỉnh) được phê duyệt.
Ngoài ra, hiện còn 01 quy hoạch tỉnh đang trình phê duyệt; 04 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt; 14 quy hoạch ngành quốc gia, 16 quy hoạch tỉnh đã gửi lấy ý kiến và chuẩn bị thẩm định theo quy định.
Theo kế hoạch, trong năm 2022 các quy hoạch trên phải thực hiện xong nhưng thời gian còn lại chỉ 8 tháng, trong khi có những quy hoạch chưa xác định xong tư vấn. Do đó, khả năng không hoàn thành các quy hoạch theo tiến độ rất cao.
Thực hiện phân cấp, phân quyền trong công tác quy hoạch
Trên cơ sở kết quả giám sát đã được đề cập ở trên, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết gồm các giải pháp triển khai ngay và cả dài hạn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Theo đó, giải pháp cấp bách cần triển khai ngay là cho phép áp dụng chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa lựa chọn được tư vấn. Tuy nhiên, cần hạn chế việc 01 tư vấn cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ tư vấn, vì khó bảo đảm được chất lượng công việc.
Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét tập trung các nội dung: Điều chỉnh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch năm 2022; nội hàm của quy hoạch tổng thể quốc gia; mối quan hệ giữa các quy hoạch; vấn đề tích hợp quy hoạch; lựa chọn tư vấn lập quy hoạch; nguồn vốn cho công tác lập quy hoạch; việc bãi bỏ các quy hoạch về dịch vụ, hàng hóa, sản phẩm; cải cách hành chính trong công tác quy hoạch; kế thừa, chuyển tiếp các nhiệm vụ trong công tác quy hoạch; phân cấp, phân quyền trong lập, phê duyệt quy hoạch…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện Luật Quy hoạch có những khó khăn, vướng mắc như còn nhiều vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Quy hoạch với các luật khác; việc ban hành văn bản quy định chi tiết còn chậm; do tính mới, phức tạp, nhiệm vụ nhiều nên có khó khăn trong quá trình thực hiện…
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo, tờ trình kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Trong đó, các báo cáo, tờ trình phải thể hiện được các nội dung kiến nghị về điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch; sử dụng nguồn vốn một cách linh hoạt để lập các quy hoạch và cho phép huy động xã hội hóa cho công tác quy hoạch; cho phép lập đồng thời các quy hoạch; các quy hoạch đã phê duyệt trước ngày 1/1/2019 được tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung theo quy đinh của pháp luật; cho phép các đơn vị nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp công lập tham gia xây dựng quy hoạch theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, có kinh phí…
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền trong công tác quy hoạch, trên tinh thần tăng cường trách nhiệm tất cả các cấp và cá thể hóa trách nhiệm (phân định rõ cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền phê duyệt, thẩm định, lập quy hoạch); tiếp tục thúc đẩy công tác quy hoạch, chọn một số quy hoạch để ưu tiên thực hiện, như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và một số ngành quan trọng… trên nguyên tắc đảm bảo tiến độ, chất lượng và khả thi.
Nguồn: Báo xây dựng