Thực hư việc súc miệng họng thường xuyên để ngừa COVID-19

Thực hư việc súc miệng họng thường xuyên để ngừa COVID-19

Giống như tất cả các bề mặt da và niêm mạc của con người, đường hô hấp có các vi sinh vật thường trú sống hòa bình với cơ thể người trong mối tương quan cân bằng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật, tăng tỷ lệ đổi mới tế bào biểu mô và thúc đẩy sản xuất các globulin miễn dịch niêm mạc.

Đừng lạm dụng

Hệ vi sinh vật đường hô hấp bình thường có thể đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người, nhưng cũng có thể đóng một vai trò trong bệnh hô hấp nghiêm trọng trong một số trường hợp khi mất đi cân bằng như đã nói ở trên. Lúc ấy vi sinh vật tăng trưởng và phá huỷ hàng rào bảo vệ cơ học của lớp biểu mô lông chuyển và xâm nhập sâu hơn vào mô và máu, từ đó gây ra nhiều bệnh lý cho cơ thể.

1

Đường hô hấp trên chứa một hệ vi sinh vật phong phú và đa dạng. Mũi xoang hầu họng chủ yếu là nơi cư trú của các thành viên vi khuẩn Firmicutes, Actinobacteria và Proteobacteria Staphylococcus epidermidis, liên cầu khuẩn nhóm viridans (VGS), Corynebacterium spp. (bạch hầu), Propionibacterium spp., và Haemophilus spp. Prevotella, Fusobacterium, Moraxella và Eikenella, cũng như một số phân lập nấm Candida.

Ngược lại, đường hô hấp dưới có rất ít vi khuẩn. Khi dịch tiết đường hô hấp trên được hít vào đường hô hấp dưới (hít sặc dịch viêm do rửa mũi không đúng cách, súc họng không đúng cách) sẽ gây viêm phổi hít.

Khi lạm dụng xông họng bằng cách xông hơi nóng hay súc họng bằng nước muối ưu trương, nước súc họng có chứa cồn, dung dịch súc miệng – họng có tính sát trùng… như nhiều lời khuyên của các “bác sĩ mạng” từ đầu mùa dịch tới giờ, ngoài việc làm khô họng thì còn thay đổi hệ vi sinh( vi nấm, vi khuẩn, virus có lợi ở họng) gây viêm họng.

Khi nào cần súc họng? Súc bằng dung dịch gì?

2

Hình ảnh giọt bắn từ mũi họng sẽ được phát tán ra bên ngoài khi ho, hắt hơi và hít giọt bắn từ mỗi trường bên ngoài qua mũi họng.

+ Khi bạn đang viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amydan, hoặc viêm mũi xoang và dịch mũi chảy xuống thành sau họng, bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn súc họng bằng nước muối sinh lý hoặc nước lọc để lấy dịch viêm bám trên bề mặt niêm mạc họng, mục đích là làm sạch (phương pháp vật lý).

+ Khi bạn bị nấm miệng, nấm họng, viêm họng giả mạc, viêm họng đỏ, viêm họng do liên cầu… một vài bệnh lý khác ở miệng họng thanh quản, sẽ được chỉ định dùng dung dịch khử khuẩn cho họng để súc họng.

Nghĩa là không phải trường hợp nào cũng dùng dịch khử khuẩn để súc họng và phòng ngừa bệnh lý ở họng thanh quản. Nước súc miệng – họng sát trùng tại chỗ được sử dụng với mục đích chính là diệt một số vi sinh vật gây nhiễm trùng răng miệng, hoặc sau các thủ thuật ở vùng răng- miệng- họng, hoặc cho bệnh nhân sử dụng trước khi làm các thủ thuật vùng răng – miệng – họng có thể tạo ra khí dung hoặc giọt bắn.

Nước súc họng có clorexidine có nên dùng thường xuyên?

Hiện nay nhiều người mua nước súc họng có thành phần clorexidine 0,2 %, Povidon iot 1% – dung dịch súc miệng- họng sát trùng tại chỗ… để sử dụng thường xuyên mỗi ngày như một biện pháp phòng ngừa, vì thấy các sản phẩm được quảng cáo là hiệu quả đối với SARS-CoV-2.

Chlorhexidine thuộc nhóm Phenol và Phenolics trong y khoa. Cơ chế hoạt động: kết tủa protein, bất hoạt enzyme, phá vỡ màng tế bào của vi khuẩn, nhưng không diệt được bào tử. Là một chất khử khuẩn được dùng để khử trùng da trước khi phẫu thuật, khử trùng dụng cụ phẫu thật. Được sử dụng làm sạch vết thương, ngăn ngừa mảng bám răng, điều trị nhiễm trùng nấm men.

Povidon iod (PVP-I) là phức hợp của iod với polyvinylpyrrolidon (povidon), có chứa iod, dễ tan trong nước và trong cồn. Dung dịch chứa 0,85% – 1,2% iod có pH 3,0 – 5,5. Povidon được dùng làm chất mang iod. Dung dịch povidon – iod giải phóng iod dần dần, do đó kéo dài tác dụng sát khuẩn diệt khuẩn, nấm, virus, động vật đơn bào, kén và bào tử. (Hiệu quả khử khuẩn, sát trùng của hai nhóm chất trên có công trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng).

Một vài nghiên cứu trong năm 2020 và 2021 cũng chứng minh hiệu quả của Chlorexidine và Povidon iod trong việc bất hoạt SARS-CoV-2, tuy nhiên một số hạn chế trong nghiên cứu như sau:

+ Nghiên cứu của nhóm bác sĩ tại Manipal College of Dental Sciences, Manipal, Manipal Academy of Higher Education: Trong phòng thí nghiệm đã nghiên cứu tác động của ethanol đối với virus có vỏ bọc.

Các nghiên cứu đã có bằng chứng về khái niệm rằng nước súc miệng có chứa clorexidine 0,12% kết hợp với tinh dầu ethanol có thể vô hiệu hóa vi rút được bao bọc trong cả thí nghiệm trong phòng thí nghiệm (in vitro) và thử nghiệm trên cơ thể sống (in vivo), với cơ chế có thể là thông qua tổn thương lớp vỏ lipid. Tuy nhiên, các nghiên cứu cụ thể chưa được thực hiện với vi rút SARS-CoV-2.

Một đánh giá gần đây về tài liệu coronavirus chỉ ra việc súc miệng bằng chlorhexidine 0,02% trong mười phút gây bất hoạt yếu chủng coronavirus có trong miệng.

Dựa trên nghiên cứu lâm sàng và in vitro hạn chế, nước súc miệng 0,23% povidone-iodine (PVPI) đã được chứng minh là vô hiệu hóa virus cúm SARS-CoV, MERs-CoV và H1N1. Các chế phẩm của nước súc miệng có chứa PVPI được bán rộng rãi ở các nước Châu Á nhưng hiện chưa được cung cấp tại Anh.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật khuyến cáo sử dụng nước súc miệng- họng để ngăn ngừa lây nhiễm chéo giữa bác sĩ lâm sàng và bệnh nhân, khi thực hiện các thủ thuật tạo ra khí dung, giọt bắn.

+ Hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị viêm phổi do Coronavirus mới, xuất bản lần thứ 5, do Ủy ban Y tế Quốc gia Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phát hành, đã kết luận chlorhexidine có thể không hiệu quả trong việc loại trừ SARS-CoV-2.

+ Ngoài ra, một nghiên cứu trong ống nghiệm cũng cho thấy tính không hiệu quả của chlorhexidine digluconate trong việc tiêu diệt coronavirus ở người, chẳng hạn như những loại gây ra SARS và Hội chứng Hô hấp Trung Đông và coronavirus đặc hữu ở người.

+ Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố gần đây đánh giá động lực học SARS-CoV-2 trong các mẫu dịch cơ thể khác nhau, chẳng hạn như nước bọt, gạc hầu họng và gạc mũi họng, kết luận rằng tải lượng virus trong nước bọt có thể giảm tạm thời trong 2 giờ sau khi sử dụng nước súc miệng chlorhexidine trong bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về hiệu quả của chlorhexidine trong việc giảm tải lượng virus, cần thiết phải có các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với số lượng bệnh nhân lớn hơn.

+ Có tài liệu khuyến cáo nên áp dụng PVP-I mỗi 2-3 giờ, tối đa bốn lần mỗi ngày, ở những người đã nghi ngờ hoặc xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 mà cần làm thủ thuật qua các thủ thuật có nguy cơ cao tạo ra giọt bắn, khí dung.

+ Trong nghiên cứu “Sử dụng chlorhexidine để diệt trừ bệnh SARS-CoV-2 hầu họng ở bệnh nhân COVID ‐ 19” vào tháng 3/2021:

Mục tiêu chính của nghiên cứu là đánh giá có hay không sự hiện diện của SARS‐CoV‐2 trong khoang miệng và hầu họng giữa nhóm nghiên cứu (159 bệnh nhân) sử dụng chlorhexidine 2 lần/ngày trong 4 ngày, kết hợp với điều trị tiêu chuẩn và nhóm đối chứng (135 bệnh nhân) chỉ điều trị tiêu chuẩn đơn thuần.

SARS‐CoV‐2 đã bị loại bỏ khỏi vùng hầu họng ở 62,1% bệnh nhân sử dụng chlorhexidine súc miệng, so với 5,5% bệnh nhân nhóm đối chứng. Trong số những bệnh nhân đã sử dụng kết hợp súc miệng và xịt hầu họng, 86,0% được loại trừ SARS‐- CoV‐2 ở hầu họng, so với 6,3% ở nhóm chứng.

Một nhóm gồm 15 nhân viên y tế (14 y tá và 1 bác sĩ) đã sử dụng chlorhexidine dưới dạng thuốc súc miệng và xịt họng hai lần một ngày như mô tả ở trên trong thời gian nghiên cứu. Không ai ghi nhận bị nhiễm SARS‐CoV‐2 trong suốt quá trình nghiên cứu này. Ngược lại, tỷ lệ nhiễm COVID-19 trong số tất cả các nhân viên y tế ở các bệnh viện trong cùng khoảng thời gian là gần 50%.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này có một số hạn chế. Đầu tiên, phương pháp ứng dụng Chlorhexidine được thực hiện trong nghiên cứu này không thực hiện ở tỵ hầu (là vị trí ưu tiên lấy dịch làm xét nghiệm PRC chẩn đoán xác định nhiễm covid).Thứ hai, nghiên cứu này không thực hiện theo phương pháp làm mù (người được thí nghiệm không biết mình đang tham gia thí nghiệm gì, dùng thuốc gì). Điều này có khả năng dẫn đến sự sai lệch trong việc chăm sóc bệnh nhân và báo cáo dữ liệu.

Nhìn chung, các nghiên cứu có khuyến cáo chung là chỉ dùng trên bệnh nhân nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2 trước khi làm thủ thuật có tạo ra khí dung, giọt bắn ở các cơ sở y tế hay cho những người làm việc trong môi trường mà mật độ virus trong không gian làm việc cao, hoặc thường xuyên có nguy cơ tiếp xúc với giọt bắn khí dung trong buồng bệnh điều trị bệnh nhân covid.

Vậy có nên súc họng thường xuyên không?

Hiện tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa khuyến cáo việc súc miệng – họng bằng nước muối sinh lý hay các thuốc sát trùng tại chỗ như là một biện pháp phòng ngừa COVID-19 cho cộng đồng.

Dung dịch súc miệng – họng sát trùng tại chỗ dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Niêm mạc miệng khác niêm mạc họng, nên nước súc miệng không dùng để súc họng một cách thường quy, đặc biệt những dung dịch súc miệng có chứa cồn.

3

Nếu bạn muốn vệ sinh họng thì dùng nước muối sinh lý hoặc nước đun sôi để nguội là đủ.

Và để ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp bao gồm tác nhân SARS-CoV-2 thì hãy tuân thủ nghiêm ngặt 5K : KHẨU TRANG – KHỬ KHUẨN – KHOẢNG CÁCH – KHÔNG TẬP TRUNG – KHAI BÁO Y TẾ.

CÁCH VỆ SINH MIỆNG – HỌNG – THANH QUẢN

– Vệ sinh răng miệng, hạn chế thực phẩm nhiều đường.

– Uống nước đúng cách: uống từng ngụm nước nhỏ, uống nhiều lần trong ngày. Để theo dõi lượng nước tốt nhất đong nước vào bình 2 -2,5 lít, và rót ra ly nhỏ để uống. Việc uống từng ngụm nước nhỏ nhiều lần trong ngày giúp niêm mạc họng miệng luôn được ẩm, không bị thiếu nước.

– Dùng khẩu trang chống bụi khi ở ngoài (có quá nhiều bụi và hơi hóa chất từ phương tiện lưu thông trên đường) và khi dịch bệnh đang lan rộng, khuyến cáo sử dụng miếng chắn giọt bắn.

– Nói với âm lượng vừa phải, không hét lớn, không la lớn (hành động cố gắng la hét, quát tháo sẽ làm dây thanh mệt và dễ bắn nước bọt ra ngoài khi nói chuyện).

– Nếu bạn bị viêm thanh quản mạn do nghề nghiệp (tính chất công việc phải nói quá nhiều) nên đăng ký học các lớp luyện nói để biết cách sử dụng dây thanh cho đúng (liên hệ bệnh viện Tai-Mũi-Họng TP).

– Cách súc họng đúng: Ngậm một ngụm nước trong miệng, ngửa đầu ra sau, và ” khò khò khò ” họng liên tục cho đến khi phải nhỏ nước ra để thở.

Bạn cũng có thể thích