Thực hiện tốt “4 không” trong phòng, chống tham nhũng

Thực hiện tốt “4 không” trong phòng, chống tham nhũng
Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội

Để cụ thể hóa mục tiêu như chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, thời gian qua khối các cơ quan tư pháp của Thành phố nói chung, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội nói riêng đã kịp thời tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy chủ trương, cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội chính, cải cách tư pháp, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo thống kê, trong năm, Ban Nội chính Thành ủy đã tham mưu xây dựng 255 văn bản thẩm định; báo cáo, đôn đốc kết quả giải quyết 140 vụ án, vụ việc do Thường trực Thành ủy giao, tham mưu đưa 36 vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo Thành ủy theo dõi, chỉ đạo; thường xuyên tham mưu, theo dõi, đôn đốc tiến độ, kết quả giải quyết đối với 64 vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Thành ủy theo dõi chỉ đạo, Ban Nội chính Thành ủy phối hợp với các cơ quan tư pháp Thành phố theo dõi đôn đốc, chỉ đạo (các cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp Thành phố đã giải quyết xong 13 vụ án, hiện còn 51 vụ án, vụ việc đang tiếp tục theo dõi chỉ đạo).

Đặc biệt, Ban Nội chính Thành ủy với vai trò là cơ quan Thường trực của hai Ban Chỉ đạo (Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy), cơ quan tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU, Nghị quyết 15-NQ/TU, đã chủ động tham mưu, xây dựng chương trình kế hoạch công tác của các Ban Chỉ đạo, đạt chất lượng và hiệu quả…

Tuy nhiên, để “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”, bên cạnh việc tham mưu cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị của Thành phố khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với những cơ chế đặc thù tới đây, điều quan trọng khối tư pháp của Thủ đô, trong đó nòng cốt là Ủy Ban kiểm tra, Ban Nội chính Thành ủy tiếp tục tăng cường công tác giám sát; theo dõi, đôn đốc việc xử lý các vụ án một cách nghiêm minh đủ để răn đe, cảnh tỉnh nhiều người.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tham mưu có tính chất xâu chuỗi, phát hiện các yếu tố có thể dẫn đến nguy cơ, hoặc tiềm tàng yếu tố tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhằm có biện pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa…

Tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ, Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực – ngành Nội chính và các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu để công tác phòng, chống tham nhũng của Thành phố đạt hiệu quả nhất góp phần vào sự phát triển của Thủ đô.

Lê Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích