Thực hiện mở cửa trở lại một số loại hình, dịch vụ: Tuyệt đối không được chủ quan!
Cuộc sống “nhộn nhịp” hơn
Từ 6h ngày 14/10, thành phố Hà Nội triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố theo Công điện 21/CĐ-UBND. Theo đó, các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường; xe buýt, xe taxi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn.
Các bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách với số lượng không quá 10 người/đoàn; các khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú cũng được hoạt động trở lại không quá 50% công suất. Đồng thời, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi…
Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống bán hàng phục vụ tại chỗ. Ảnh: Lê Thắm |
Mấy ngày nay đã mở cửa bán hàng tại chỗ, nhưng quán bún ngan trên đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, của chị Dung chỉ đông hơn vào buổi sáng so với khi bán mang về. Chị Dung cho hay, lượng khách chỉ được khoảng 1/4 so với trước khi đại dịch xảy ra và hầu hết khách ăn vào buổi sáng, buổi trưa tối gần như không có khách.
Trước đây, khách đến trưa và tối chủ yếu là lao động nhập cư, làm việc ở các công trình xây dựng gần đó, nhưng do dịch bệnh, không có việc làm, nhiều người về quê chưa trở lại. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn còn tâm lý lo ngại về dịch nên hạn chế ăn uống bên ngoài, dẫn đến các quán ăn chưa đông khách.
Sáng 17/10, một số cửa hàng bán đồ ăn sáng trong chợ Tứ Liên, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ thưa thớt khách. Người mua ăn tại chỗ chủ yếu là các tiểu thương kinh doanh trong chợ, còn người dân đi chợ chủ yếu mua mang về. Cũng trong tình trạng vắng khách, trong hơn chục cửa hàng ăn uống trong chợ dân sinh Quảng An, phường Quảng An có cửa hàng còn chưa kinh doanh trở lại…
Nhưng người dân vẫn luôn thận trọng
Bà Nguyễn Thị Hợp, trú tại tổ 14, phường Giảng Võ cho hay, gia đình bà vẫn nấu ăn cả 3 bữa tại gia đình và mua hàng mang về, chứ chưa đi ăn ở ngoài hàng. “Tôi thấy bác sĩ khuyến cáo Covid-19 lây nhiễm qua ăn uống rất lớn nên gia đình tôi vẫn ăn uống tại nhà, vợ chồng con trai, con dâu tôi cũng mang cơm đi làm.
Gia đình tôi cũng hạn chế đến các nơi cộng cộng, chỉ đi làm và mua sắm khi cần thiết. Muốn ăn đồ ăn do nhà hàng nấu, tôi thường mua mang về”, bà Hợp chia sẻ. Cùng tâm lý nên “cảnh giác” với dịch Covid-19, chị Trần Thu Hạnh, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, cho biết, dù hai đứa con rất muốn đi tham quan bảo tàng để tìm hiểu thêm về lịch sử, và các bảo tàng cũng đã được mở cửa đón khách trở lại, nhưng vợ chồng chị vẫn lo ngại, chưa dám cho con đi, mà hẹn bọn trẻ chờ thêm vài tuần nữa để yên tâm hơn.
“Dù đã tiêm vắc xin rồi nhưng vẫn có thể bị nhiễm và lây cho người khác, trong khi gia đình có bố mẹ già mắc bệnh nền và con nhỏ chưa đến tuổi được tiêm vắc xin nên vợ chồng tôi cũng hạn chế giao du, chỉ đến cơ quan và tham gia các hoạt động cần thiết. Mấy hôm nay, bọn trẻ được xuống chơi dưới sân chung cư, nhưng cũng chỉ chơi khi thưa người, còn lại, vợ chồng tôi chỉ đưa con đến thăm ông bà rồi về nhà”, chị Hạnh nói.
Đưa con về thăm ông bà, rồi con “mắc kẹt” ở quê đã vài tháng nay, chưa trở lại Hà Nội được khiến vợ chồng anh Thành và chị Hà (trú tại phường Phúc La, Hà Đông) rất sốt ruột. “Ở quê, cháu vẫn học online bình thường như các bạn, tôi dự định cuối tuần này về quê đón con lên Hà Nội, nhưng lại thấy phát sinh các ca bệnh mới, nên chưa biết khi nào các con được đi học ở trường. Đón con lên thì con phải ở nhà học online một mình vì bố mẹ đi làm tối mới về. Với một đứa trẻ lớp 3, tự học online tôi thấy không yên tâm”, anh Thành vẫn băn khoăn chưa biết khi nào nhịp sống gia đình anh mới thật sự “bình thường” trở lại…
Giám sát thường xuyên di biến động dân cư
Thực hiện Công điện 21/CĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố, cũng như các xã, phường, thị trấn khác, các cơ quan, công sở, doanh nghiệp… trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm đã hoạt động trở lại bình thường. Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa đông khách, thậm chí, nhiều cửa hàng còn chưa mở cửa, do lượng khách của họ trước đây phần lớn là lao động tự do và sinh viên, đều chưa trở lại.
Cửa hàng phở thực hiện nghiêm việc dán mã QR và lắp tấm ngăn giữ khoảng cách. (Ảnh Lê Thắm) |
Bà Nguyễn Thị Thúy Hường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Trâu Quỳ, cho hay, nhìn chung, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cơ bản chấp hành tốt các yêu cầu về phòng, chống dịch như lắp tấm chắn, cài đặt mã QR… Công an thị trấn thành lập các tổ cơ động, thường xuyên tuần tra, vừa nhắc nhở chấp hành quy định về trật tự đô thị, vừa kiểm tra việc phòng, chống dịch Covid-19. Hiện, thị trấn Trâu Quỳ vẫn duy trì hoạt động của các Tổ Covid cộng đồng.
Tính đến ngày 16/10/2021, thành phố Hà Nội có tổng số tờ khai báo y tế trên hệ thống phần mềm: 11.617.357; số tờ khai trong ngày: 254.971 tờ khai, tăng 7.243 so với ngày hôm trước (247.728); trung bình 7 ngày 207.459. Tổng số địa điểm quét mã QR đến hết ngày 16/10/2021: 610.919, tăng 2.839 điểm so với ngày 15/10/2021 và tăng 314.672 địa điểm so với ngày 21/9/2021 (296.247 địa điểm). Số địa điểm quét QR tạo mới trong ngày 15/10/2021: 2.839, trung bình 7 ngày 4.291. Tổng số lượt quét mã QR trên phạm vi toàn Thành phố trong ngày 16/10: 276.458 lượt, tăng 2.614 lượt so với ngày 15/10/2021 và tăng 77.862 lượt so với ngày 21/9/2021 (198,596 lượt), trung bình 7 ngày vừa qua: 244.553 lượt.Tổng số người đi/đến checkin tại các địa điểm quét QR trong ngày 16/10/2021: 214.817 người, tăng 2.183 người so với ngày 15/10/2021 và tăng 79.170 so với ngày 21/9/2021 (135.647 người), trung bình 7 ngày vừa qua 186.019. Có 5 đơn vị không phát sinh lượt quét mã QR trong ngày: Chương Mỹ (xã Thụy Hương), Sóc Sơn (xã Đức Hòa, Tân Hưng), Thường Tín (xã Thống Nhất), Mỹ Đức (xã Đốc Tín). |
Không phải trực chốt kiểm soát phòng, chống dịch như trước, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thị trấn, hiện nay các thành viên Tổ Covid cộng đồng vẫn tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới. Đồng thời, cũng thường xuyên theo dõi, giám sát di biến động dân cư với những người từ địa phương khác đến tạm trú, hoặc người dân gốc ở địa phương nhưng từ nơi khác trở về để yêu cầu khai báo y tế kịp thời…
Còn theo ông Nguyễn Đức Tiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phúc La, quận Hà Đông, thực hiện Công điện 21/CĐ-UBND của Thành phố, Ủy ban nhân dân phường Phúc La đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm việc cài đặt mã QR và các yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định.
Để tạo thuận lợi cho người dân, Đoàn Thanh niên phường Phúc La đã tiến hành hỗ trợ cài đặt mã QR địa điểm cho các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn phường, đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn việc quét mã QR. Lực lượng Công an phường cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở. Vì vậy, nhìn chung, bà con kinh doanh đều tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch như cài đặt mã QR địa điểm, lắp vách ngăn, yêu cầu quét mã QR…
Tại quận Bắc Từ Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Lê Thị Thu Hương thông tin, thực hiện Công điện số 21/CĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố để bảo đảm mục tiêu kép trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Ủy ban nhân dân quận đã có văn bản yêu cầu 13 phường thuộc quận thực hiện nghiệm các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó, đặc biệt chú trọng tới các cửa hàng kinh doanh, buôn bán, phục vụ khách tại chỗ và các khu chợ dân sinh.
Hiện nay, hầu hết các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn đều trang bị đầy đủ các loại nước sát khuẩn, đo thân nhiệt, quét mã QR và dựng vách ngăn để đảm bảo phòng, chống dịch. Để giám sát việc chấp hành quy định phòng, chống dịch trong tình hình mới, quận Bắc Từ Liêm cũng chỉ đạo các phường thường xuyên kiểm tra và yêu cầu chủ cửa hàng phải nhắc nhở người dân đến ăn uống thực hiện quét mã QR, ngồi giãn cách 2m đúng quy định.
Ngoài phòng, chống dịch, quận Bắc Từ Liêm cũng đặc biệt chú trọng tới công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, những ngày qua, quận đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các phường tuyên truyền, hướng dẫn 444 cơ sở cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Công tác kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa hàng được cơ quan chức năng đẩy mạnh, vào cuộc quyết liệt. Qua kiểm tra, giám sát, quận đã xử phạt hành chính 5 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 15,5 triệu đồng, trong đó có một cơ sở phục vụ khách tại cửa hàng trước khi có quy định mới…
Trong “trạng thái bình thường mới”, một số hoạt động dần trở lại bình thường, nhưng đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục đòi hỏi các giải pháp kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời với việc mở cửa hoạt động trở lại vận tải liên tỉnh, cả hàng không, đường sắt, đường bộ, thì nguy cơ dịch bệnh đối với Hà Nội sẽ tăng lên khi người dân trở về từ vùng dịch ngày càng đông. Vì vậy, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Tổ Covid cộng đồng, duy trì kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư là các biện pháp cần thiết để có thể nhanh chóng khoanh vùng khi có ca bệnh phát sinh.
Bên cạnh nỗ lực kiểm soát của chính quyền, còn đòi hỏi mỗi người dân phải nâng cao ý thức tự giác chấp hành các yêu cầu phòng, chống dịch, giữ thói quen đeo khẩu trang, thực hiện thông điệp 5K, tạo thói quen quét mã QR và khai báo y tế thường xuyên để các di biến động trong quá trình di chuyển sẽ được lưu trữ, phục vụ hiệu quả cho công tác khoanh vùng khi có các ca nhiễm và nghi nhiễm trên địa bàn.
Nguồn: Báo lao động thủ đô