Thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs): Còn nhiều thách thức

(TN&MT) – Sau 5 năm thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 hướng đến 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Việt Nam đã có những nỗ lực trong xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, ứng phó với biến đổi khí hậu, quan hệ đối tác toàn cầu. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện 17 Mục tiêu SGDs, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức.

Các mục tiêu phát triển bền vững được chia thành 4 nhóm: Vì con người; Đảm bảo khả năng thích ứng với khí hậu và môi trường bền vững; Thịnh vượng và hợp tác; Thúc đẩy công lý, hòa bình và quản trị toàn diện.

Chuyển biến mạnh về ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo Báo cáo tiến độ 5 năm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững được công bố trung tuần tháng 11 vừa qua, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ đạt được 5/17 Mục tiêu phát triển bền vững. Đó là mục tiêu 1 về xóa nghèo; mục tiêu 2 về xóa đói; mục tiêu 4 về giáo dục có chất lượng; mục tiêu 13 về các hành động bảo vệ khí hậu; mục tiêu 17 về quan hệ đối tác toàn cầu.

Mục tiêu số 13 về các hành động bảo vệ khí hậu được xem là mục tiêu có bước chuyển biến ngoạn mục nhất. Thực tế trong 5 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động từ hoàn thiện thể chế chính sách đến tăng cường năng dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát khí hậu và các hoạt động cụ thể để thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong trồng rừng ngập mặn. Ảnh: MH

Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào năm 2016 và năm 2020, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào năm 2020.

Đến nay, đã có 52/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; 7/18 Bộ và 37/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh.

Bên cạnh nguồn lực trong nước, Việt Nam đã huy động được nhiều nguồn lực quốc tế cho các dự án, chương trình liên quan đến biến đổi khí hậu. Trong đó, giai đoạn 2017 – 2019 đã huy động được 146,5 triệu đô la Mỹ từ Quỹ Khí hậu xanh (GCF).

Việt Nam đã tổ chức phổ biến Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản dưới Luật cho 44 lớp với 1.320 cán bộ cấp xã được tập huấn. Mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn được chú ý đầu tư gồm 187 trạm khí tượng bề mặt, 242 trạm thủy văn, 20 trạm hải văn, 10 trạm radar thời tiết, 6 trạm thám không vô tuyến, 8 trạm pilot, 782 trạm đo mưa độc lập.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc năm 2015 tại New York, Hoa Kỳ, Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được thông qua. Lãnh đạo cấp cao Nhà nước Việt Nam tham dự Hội nghị đã khẳng định Việt Nam ủng hộ và cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực cần thiết, huy động tất cả các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình này.

12/15 mục tiêu còn gặp nhiều khó khăn

Vẫn theo Báo cáo tiến độ 5 năm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, dự kiến đến năm 2030, có tới 10/17 mục tiêu phát triển bền vững sẽ còn gặp khó khăn, thách thức để hoàn thành. 

Đó là mục tiêu 3 về sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc; mục tiêu 5 về bình đẳng giới; mục tiêu 6 về nước sạch và vệ sinh; mục tiêu 7 về năng lượng sạch và giá cả hợp lý; mục tiêu 8 về tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; mục tiêu 9 về công nghiệp, sáng tạo và hạ tầng; mục tiêu 10 về giảm bất bình đẳng trong xã hội; mục tiêu 11 về thành phố và cộng đồng bền vững; mục tiêu 15 về bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học; mục tiêu 16 về hòa bình, công lý và thể chế vững mạnh.

Riêng mục tiêu 12 về sản xuất và tiêu dùng bền vững; mục tiêu 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển còn gặp vô cùng nhiều khó khăn và rất khó để hoàn thành vào năm 2030.

Huy động mọi nguồn lực cho phát triển bền vững

Thách thức hiện nay là ở hệ thống cơ chế chính sách đã dần hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững song còn thiếu đồng bộ; hạn chế trong phối hợp liên ngành, liên vùng.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, đặc biệt là dịch Covid-19 tác động toàn cầu, việc huy động nguồn lực sẽ gặp nhiều khó khăn. Đó là hiện Việt Nam phải thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do quốc tế; Nguồn ODA thực tế đang có xu hướng giảm rõ rệt do Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp và sẽ phải chuyển sang vay theo lãi suất thương mại; Huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân còn thấp; Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam giảm sâu…

Khó khăn trong thực hiện các mục tiêu này rõ rệt từ năm 2020, năm chứng kiến đại dịch Covid-19 và tác động toàn diện của nó trên phạm vi toàn cầu. Đại dịch Covid-19 có nguy cơ gây ra khủng hoảng kinh tế – xã hội ở nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển và các nước chậm phát triển, làm tăng rủi ro không hoàn thành 17 Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam đã thông qua Kế hoạch hành động 2030. Kế hoạch cụ thể hóa 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể của Chương trình Nghị sự 2030 thành 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam, phù hợp với điều kiện và bối cảnh phát triển của Việt Nam.

Làm gì trong 5 năm tới?

Hàng loạt những thách thức đang gặp phải khiến Việt Nam cần nỗ lực, quyết tâm vượt bậc để biến thách thức thành cơ hội, huy động sức mạnh của toàn dân tộc để tiếp tục gặt hái thành công và tiến tới đạt được những Mục tiêu phát triển bền vững đã đặt ra.

Trong 5 năm tới, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách theo hướng đảm bảo sự đóng góp và hưởng lợi công bằng cho tất cả mọi người, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương; đồng thời tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên vùng để nâng hiệu quả thực thi chính sách.

Để huy động được nguồn lực cho phát triển bền vững, cần tạo ra sân chơi bình đẳng và khuyến khích áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiệu quả ở cả 2 khu vực tư nhân và Nhà nước trong một nền kinh tế thị trường lành mạnh. Kế hoạch đầu tư công cần có sự lồng ghép với các Mục tiêu phát triển bền vững để bảo đảm nguồn vốn được phân bổ có trọng tâm và tập trung hơn.

Bên cạnh nguồn lực tài chính, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Đa dạng hóa phương thức đào tạo gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng có thể đẩy lùi các nỗ lực phát triển bền vững, chúng ta cần chú trọng nâng cao năng lực quốc gia trong phòng chống, ứng phó với các rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh; nâng cấp cơ sở dữ liệu, bản đồ rủi ro về thiên tai, khí hậu và dịch bệnh, từ đó xây dựng các kịch bản ứng phó và chống chịu tương ứng; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo sớm; triển khai các giải pháp thích ứng kịp thời và hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn liên quan đến các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai; phát triển và nhân rộng các mô hình tốt trong chống chịu và ứng phó với các rủi ro về thiên tai, khí hậu và dịch bệnh dựa vào cộng đồng.

Trên phạm vi toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện SDGs liên tục tăng lên trong giai đoạn 2016 – 2020 . Theo đó, Việt Nam lần lượt được xếp hạng như sau: Năm 2016, xếp thứ 88/149 nước; Năm 2017 xếp thứ 68/157 nước; Năm 2018 xếp thứ 57/156 nước; Năm 2019 xếp thứ 54/162 nước và năm 2020 xếp thứ 49/166 nước. Riêng năm 2020, trong số các nước ASEAN, Việt Nam chỉ xếp sau Thái Lan (thứ 41/166 nước) .

Bạn cũng có thể thích