Thực hành quản lý tốt – GRP là gì và tại sao phải thực hiện GRP?

GRP là việc áp dụng các hệ thống, quá trình, công cụ, thể chế và thủ tục mà một quốc gia có thể huy động nhằm đảm bảo rằng kết quả của các chính sách/quy định được ban hành hiệu quả, minh bạch, toàn diện và bền vững. GRP đề cập đến việc sử dụng các công cụ như đánh giá tác động của quy định, sự tham gia của các bên liên quan và đánh giá hậu kỳ để cải thiện chất lượng của môi trường pháp lý cho doanh nghiệp, người dân và xã hội. Các công cụ GRP rất hữu ích để xác định và xem xét chính sách/quy định nào là cần thiết để đạt được các kết quả nhất định, cuối cùng là làm cho việc tuân thủ quy định trở nên đơn giản và có ý nghĩa nhất có thể.

Đã có rất nhiều nỗ lực đa phương được thực hiện liên quan tới GRP như hoạt động của APEC (Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á), Chương trình Cải cách quy định của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) và Chương trình quy định tốt hơn cho tăng trưởng của Worl Bank (Ngân hàng Thế giới).

Tại sao phải thực hiện GRP?

Như đã được thừa nhận bởi các tổ chức quốc tế và quốc gia, GRP có vai trò quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện và tăng năng suất vì những lý do sau: Các quy định sẽ ảnh hưởng tới kết quả của hoạt động kinh doanh (đặc biệt là năng suất). Khi một chính sách hoặc quy định quản lý được ban hành, các doanh nghiệp là đối tượng trực tiếp bị điều chỉnh có thể phải đối mặt với một số rào cản pháp lý trong quá trình tuân thủ (ví dụ như các quy định kỹ thuật, quá trình đánh giá sự phù hợp, giấy phép, thủ tục hành chính bắt buộc…).

Các chính sách hoặc quy định quản lý nếu tạo gánh nặng không cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân sẽ làm ảnh hưởng tới năng suất vì chi phí tuân thủ phát sinh trong quá trình thực thi các quy định này. Việc áp dụng nguyên tắc của GRP giúp tạo ra môi trường quản lý minh bạch, có thể dự đoán được thông qua hoạt động tham vấn quy định, minh bạch hóa trong quá trình xây dựng, ban hành và áp dụng quy định quản lý, nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý giúp thúc đẩy thu hút đầu tư của khu vực tư nhân.

Hơn thế nữa, việc thực hiện và áp dụng các nguyên tắc GRP còn giúp chuẩn hóa quá trình xây dựng quy định và quản lý, đặc biệt việc áp dụng GRP còn thể hiện sự nhất quán về quản lý của mỗi quốc gia với các quy tắc, quy định của quốc tế.

GRP được sử dụng như một công cụ năng suất dựa trên chính sách ở một số quốc gia trên thế giới. Ngày nay, GRP càng thể hiện rõ ảnh hưởng đối với năng suất, chất lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà hoạch định chính sách có thể giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển mạnh trong cộng đồng địa phương cũng như tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách áp dụng GRP giúp quy định trở nên dễ hiểu hơn đồng thời giảm thời gian và chi phí liên quan đến việc tuân thủ.

An Hạ (Nguồn: OECD & ASEAN Guidelines on Good Regulatory Pratices)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích