Thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh vì mục tiêu phát triển bền vững

Đó là nhận định của GS. TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tại Hội thảo Tiêu dùng xanh – Phát triển bền vững hướng đến NetZero do Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp cùng Công ty Cổ phần Đại Việt Hương tổ chức diễn ra vào sáng nay tại TP.HCM.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Trương Mạnh Tiến – Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường cho biết, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vấn đề này rất phổ biến tại các nước phát triển và lan tỏa mạnh mẽ sang các nước đang phát triển có thu nhập ở mức trung bình trở lên trong nhiều năm gần đây.

PGS. TS. Trương Mạnh Tiến – Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tại Việt Nam, tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 
Tiêu dùng xanh, bền vững là việc mua, sử dụng, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường và không gây nguy cơ cho sức khỏe con người để đáp ứng những nhu cầu cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống trong khi sử dụng ít hơn tài nguyên thiên nhiên và các chất độc hại, đồng thời giảm phát thải và chất gây ô nhiễm trong chu trình sống, không đe dọa các chức năng hay sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên và không làm tổn hại tới việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau.
 

Đặc biệt, thời điểm hiện nay, tiêu dùng xanh đang được nhắc đến rất nhiều khi mà việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn sức khỏe được người dân hết sức chú trọng. Do đó, tiêu dùng xanh ngày càng được quan tâm, cùng với các hoạt động liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với môi trường.

GS. TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đánh giá: Tiêu dùng xanh đang là chủ đề nóng trong dư luận xã hội. Nhất là gần đây Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng với rất nhiều điều khoản quan trọng, chưa thể làm sáng rõ một sớm một chiều và chắc rằng phải đợi những văn bản dưới Luật hướng dẫn thì Luật này mới đi vào đời sống. Do đó, các tổ chức, cơ quan Nhà nước; các nhà khoa học, người sản xuất và người tiêu dùng đóng góp rất quan trọng trong khuyến khích và đảm bảo tiêu thụ xanh.

GS. TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, cần nhiều hơn bài viết tuyên truyền, các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn để mọi người dân đều biết, đều hiểu và tích cực tham gia tiêu dùng xanh.

“Trên thị trường và trong xã hội xuất hiện một số thông tin về nhiều sản phẩm xanh, thân thiện môi trường khác nên người tiêu dùng lúng túng trong việc chọn lựa. Chẳng hạn, tiêu chí an toàn cho sức khỏe thì người tiêu dùng chỉ cần thông tin như không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không có kim loại nặng, chất độc hại khác vượt quy chuẩn cho phép nhưng thật khó tìm trên các tài liệu đi kèm sản phẩm.

Nhiều người tiêu dùng ước gì có một loại thiết bị nhỏ gọn (kít thử- kit test) có thể nhanh chóng phát hiện chất độc hại trong thực phẩm, thuốc uống chữa bệnh. Các nhà khoa học cũng cố gắng chế tạo các loại kit này nhưng vẫn chưa có kết quả mong muốn. Xem các phim cổ Trung Hoa chúng ta thường thấy các vị lang trung (thầy thuốc) có cây kim thử độc, không rõ thực hư nhưng có lẽ với khoa học công nghệ hiện đại tôi hy vọng chúng ta sớm có “cây kim” loại này, cấu tạo như một cây bút nhiều đầu thử để tiện sử dụng” – GS. TS Hoàng Xuân Cơ kỳ vọng.

GS. TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Luật sư Trương Anh Tú, Phó trưởng Văn phòng đại diện – TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam khu vực phía Nam cho biết, tiêu dùng xanh là vấn đề rất mới, các quy định hiện hành có liên quan hiện đang tồn tại rải rác tại một số văn bản Luật, Nghị định, Thông tư, Kế hoạch… có liên quan đến quy định về bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; quản lý, sử dụng năng lượng; quản lý rác thải… 

Luật sư Trương Anh Tú đánh giá: So với việc sản xuất, tiêu dùng hàng hoá thông thường thì tiêu dùng xanh là một chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích đối với nhà cung cấp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ và người tiêu dùng, đặc biệt mang lại lợi ích về lâu dài, có tính bền vững đối với môi trường tự nhiên. Mặc dù chủ trương, chính sách và chiến lược về tiêu dùng xanh đã khá toàn diện và đầy đủ, tuy nhiên hiện thực hóa những chủ trương, chính sách đúng đắn này thành những quy định pháp luật và có thể áp dụng vào thực tiễn đời sống, để tiến đến mục tiêu hạn chế, loại bỏ việc tiêu dùng các hàng hoá không thân thiện với môi trường còn đối diện với nhiều thách thức.

Theo đó, hai thách thức lớn nhất đối với tiêu dùng xanh là vấn đề giá sản phẩm hàng hoá, dịch vụ và thói quen tiêu dùng. Luật sư Tú phân tích, theo thống kê, các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường thường có giá cao hơn các loại hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng thông thường cùng loại từ 20 – 40%. Với giá thành sản phẩm cao hơn như vậy, trong bối cảnh mức thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam còn thấp, việc cân nhắc để chọn lựa sản phẩm hàng hoá, dịch vụ xanh, thân thiện môi trường là sự lựa chọn khó đối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng không thể một cách máy móc buộc các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng hoá xanh phải giảm giá bán để cạnh tranh với hàng hoá thông thường. Bởi lẽ, chi phí để sản xuất ra hàng hoá, dịch vụ xanh tốn kém hơn do đòi hỏi tiêu chí cao về mặt quy trình sản xuất, cung ứng, hệ thống dây chuyền, thiết bị máy móc được sử dụng cũng có giá thành cao và gần như phải được đầu tư mới hoàn toàn. 

Bên cạnh đó, yếu tố về trình độ nhân sự tham gia vào quy trình này cũng đòi hỏi phải được đào tạo khoa học, bài bản… tất cả yếu tố này góp phần làm tăng chi phí đầu vào của khâu sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ và cấu thành vào giá thành sản phẩm, dẫn đến giá cả các mặt hàng, dịch vụ này cao hơn so với hàng hoá, dịch vụ thông thường.

Luật sư Trương Anh Tú, Phó trưởng Văn phòng đại diện TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tại khu vực phía Nam.

“Tiêu dùng xanh là khái niệm khá mới và tương đối xa lạ với số đông người tiêu dùng và các đơn vị sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ tại Việt Nam. Do đó, từ nhận thức đến ý thức về việc bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường đang còn hạn chế. Đây là trở ngại rất lớn khi triển khai các giải pháp, áp dụng quy định vào thực tiễn” – Luật sư Trương Anh Tú nhận định.

Người tiêu dùng đã quen với những sản phẩm, hàng hoá mang tính nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm và có thể sử dụng được lâu dài, sử dụng nhiều lần như túi nilon để chứa đựng thức ăn, chai nhựa (plastic) để đựng đồ uống thay vì các sản phẩm có công dụng tương tự như lá, giấy, tre nứa, các sản phẩm từ gỗ… Do đó, để thay đổi thói quen tiêu dùng cần thời gian chứ không thể một sớm, một chiều.

Nêu giải pháp, theo Luật sư Trương Anh Tú, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật nhằm đẩy mạnh áp dụng công cụ kinh tế xanh đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng; đồng thời, huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, chú trọng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công và chi thường xuyên cho các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về tăng trưởng xanh…

Cùng với đó, Việt Nam cũng cần xây dựng, hoàn thiện và áp dụng nghiêm túc, triệt để các công cụ chính sách tài chính ưu đãi, các chương trình, giải pháp thúc đẩy thị trường vốn, bảo hiểm xanh; sử dụng công cụ thuế phí để điều chỉnh hành vi tiêu dùng không hợp lý, có hại cho sức khỏe, văn hóa và môi trường.

Kim Thoa

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích