Thúc đẩy sự thay đổi trong khai thác, sử dụng, quản lý nguồn nước
Tọa đàm có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Vẻ – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam; GS.TS Trần Đức Hạ – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường – Hội Cấp thoát nước Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng phòng Quản lý vận hành và tưới tiêu, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Cao Văn Quý – Phó Tổng giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng.
“Tình trạng thiếu nước sẽ còn diễn ra nghiêm trọng nếu không được kiểm soát”
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Khánh Toàn – Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chia sẻ: việc đáp ứng nhu cầu về nước đảm bảo cả về chất lượng và số lượng là một điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Nhu cầu nước ngày càng tăng, chủ yếu do sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế bên cạnh đó nguồn nước còn chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Sự phân bố nước trên trái đất là không đồng đều trong đó có khoảng 98% lượng nước trên hành tinh của chúng ta là nước mặn, chỉ có 2% là nước ngọt. Trong 2% ít ỏi này thì có đến gần 70% lượng nước là tuyết và băng, còn lại là nước ngầm nước ngầm. Hiện nay, nguồn nước ngọt hiện có trên trái đất bị đe dọa nặng nề không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn do việc sử dụng quá mức và ô nhiễm. Những nguyên nhân này gây nên tác động khủng khiếp đến con người và hệ sinh thái. Trong đó có hàng tỷ người trên thế giới không có đủ nước ngọt để dùng. Dự báo con số này có thể lên đến 5 tỷ người, chiếm 1/3 dân số thế giới.
Ở Việt Nam dự báo đến năm 2030 nhu cầu nước khoảng 122 tỷ m3/năm, tăng 1,5 lần so với hiện nay, an ninh nguồn nước đứng trước nhiều thách thức dẫn đến tình trạng thiếu nước diễn ra nghiêm trọng nếu không được kiểm soát. Vì vậy, trên thực tế việc đảm bảo cấp nước đáp ứng về chất lượng cho toàn bộ dân số và bảo tồn các hệ sinh thái vẫn còn là 1 khoảng cách và ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững đất nước.
Bài học trên thế giới đã chỉ ra, sự tham gia có ý nghĩa từ công chúng, cộng đồng, doanh nghiệp, nhà khoa học và các bên liên quan khác là điều kiện quyết định trong việc giảm thiểu, kiểm soát ô nhiễm nước. Chính vì vậy, năm 2023, Ngày Nước Thế giới đã lấy chủ đề thúc đẩy sự thay đổi với mục đích kêu gọi tất cả mọi người cùng hành động để thay đổi cách sử dụng, khai thác, tiêu thụ, và quản lý nguồn nước trong cuộc sống của mình.
Những thách thức trong đảm bảo an ninh nguồn nước ở Việt Nam
Trên cơ sở tổng kết các dự án, các hoạt động về ngành Nước, GS.TS Trần Đức Hạ cho biết, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức cả về chủ quan và khách quan liên quan đến vấn đề suy thoái nguồn nước hiện nay trong đó có 4 thách thức mang tính vĩ mô:
– Thứ nhất, tỉ lệ đô thị hóa cao (tỉ lệ dân số vùng nông thôn di dời sang đô thị).
– Thứ hai, vấn đề sử dụng đất không hợp lý, vấn đề suy thoái tài nguyên rừng.
– Thứ ba, đất nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, có 3260 km đường bờ biển kéo dài, vấn đề nước biển dâng, địa hình đồi núi dốc và chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.
– Thứ tư, vấn đề suy giảm chất lượng nguồn nước: ô nhiễm nguồn nước, nước biển dâng gây nhiễm mặn…
Giải pháp khai thác, sử dụng, quản lý hiệu quả nguồn nước
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng phòng Quản lý vận hành và tưới tiêu, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: để đảm bảo nước cho sản xuất nói chung và các ngành khác thì hiện tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thực hiện theo quy định của pháp luật trước mắt là Luật Thủy lợi và mới đây nhất là theo định hướng của kết luận 36 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập.
Trước những thực trạng và thách thức về an ninh nguồn nước ở Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất: tăng cường, nâng cao hiệu quả và áp dụng các công nghệ hiện đại, thông minh trên nền tảng kỹ thuật số trong khai thác nước và hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giám sát thiết bị phân phối và điều tiết nước và ngăn mặn, giữ ngọt. Đặc biệt, cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực để xây dựng mới các hồ chứa nước phục vụ đa mục tiêu những công trình kiểm soát mặn, ngọt ở các vùng cửa sông lớn, cống, đập dâng trên các dòng chính và các hệ thống đổi nước, kết nối, liên kết nguồn nước giữa các lưu vực sông. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hệ thống tưới hiện đại, thông minh và tái sử dụng lại nước gắn với vùng sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Vẻ: nước là tài nguyên hãn hữu, cần nâng cao nhận thức của toàn thể mọi người về vấn đề an ninh nguồn nước cũng như trách nhiệm của cộng đồng trong việc sử dụng tài nguyên. Do đó, một trong các giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao ý thức của người dân trong việc nâng cao ý thức của công đồng về thực hành, sử dụng nước tiết kiệm là đưa chính sách pháp luật lĩnh vực nước là công tác truyền thông cần đi trước một bước để thay đổi nhận thức.
Cũng tại tọa đàm, ông Cao Văn Quý, Phó Tổng giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng khẳng định, việc duy trì đảm bảo cung cấp nước an toàn cho Nhân dân và hoạt động kinh tế vẫn là hoạt động xuyên suốt của công ty trong suốt thời gian qua. Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng luôn không ngừng nỗ lực, phát triển qua đó phục vụ và cung cấp nước cho khoảng 1,5 triệu/2 triệu người dân tại thành phố, trong đó có các huyện đảo Cát Bà, Bạch Long Vĩ – nơi có nguồn nước khan hiếm.
Ông Quý chia sẻ thêm: Hải Phòng là thành phố ở cuối nguồn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi nước thải đô thị và vấn đề nhiễm mặn, vì vậy chúng tôi đang tập trung vào vấn đề bảo vệ nguồn nước trong đó đầu tư rất nhiều kỹ thuật công nghệ tiên tiến để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước và giải quyết vấn đề cấp nước tại huyện đảo Cát Bà và Bạch Long Vĩ.
Nước ta có 63% sông suối chịu ảnh hưởng lượng dòng chảy từ nước ngoài, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để đảm bảo chủ động được nguồn nước và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, giữa các bộ phải rõ ràng, trách nhiệm.
Ngoài ra, nước là tài nguyên hãn hữu, cần nâng cao nhận thức của toàn thể mọi người về vấn đề an ninh nguồn nước cũng như trách nhiệm của cộng đồng trong việc sử dụng tài nguyên nước. Từ thực tế đó, Việt Nam đang ngày càng chú trọng và có các biện pháp mạnh tay để đảm bảo an ninh nguồn nước nhằm hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu