Thúc đẩy sự phát triển của thị trường than sinh học tại Việt Nam

(Xây dựng) – Ở Việt Nam, một số thành viên từ cộng đồng nghiên cứu, khu vực tư nhân, các tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước đã tiên phong và phát triển các dự án than sinh học trong hơn 20 năm qua. Đến nay, phần lớn các hoạt động đã triển khai ở quy mô thí điểm trong lĩnh vực nông nghiệp với sự hỗ trợ của quốc tế.

thuc day su phat trien cua thi truong than sinh hoc tai viet nam
Bà Nguyễn Lê Hằng – Phó Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNPCP), đơn vị đầu mối thực hiện Dự án “Thúc đẩy mô hình nhiệt phân hệ thống quy mô nhỏ tại Việt Nam” phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo “Thúc đẩy sự phát triển của thị trường than sinh học tại Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội ngày 16/9/2022. Sự kiện nhằm kết nối các bên hữu quan hoạt động trong lĩnh vực than sinh học và trao đổi về các khoảng trống và nhu cầu chính của ngành. Đây là bước đệm cho việc định hình và phát triển một diễn đàn cấp quốc gia về than sinh học, qua đó cho phép tất cả các bên liên quan cùng chia sẻ và trao đổi thông tin; tương tác, hợp tác, hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu; sản xuất, kinh doanh và ứng dụng công nghệ nhiệt phân và than sinh học tại Việt Nam.

Đây là hoạt động thuộc Dự án “Thúc đẩy mô hình kinh doanh hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình Khu công nghiệp Sinh thái Toàn cầu (GEIPP) – Việt Nam do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO). Dự án nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam với 3 mục tiêu chính: Nhận diện “công nghệ xanh” và nâng cao nhận thức về công nghệ nhiệt phân; Nghiên cứu khả thi và xây dựng các mô hình kinh doanh; Thúc đẩy thị trường than sinh học.

thuc day su phat trien cua thi truong than sinh hoc tai viet nam
Ông Hannes Zellweger – Trưởng nhóm thực hiện Dự án “Thúc đẩy mô hình kinh doanh hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam” phát biểu khai mạc Hội thảo.

Than sinh học được coi là một giải pháp sạch, hiệu quả và bền vững để khử carbon trong ngành Nông nghiệp, qua đó hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn thế giới. Than sinh học có nguồn gốc từ sinh khối chất thải nông nghiệp được biết đến là một công nghệ phát thải âm thông qua việc cô lập carbon dài hạn và hiệu quả với những lợi ích tiềm năng to lớn trong thực hành nông nghiệp tái tạo.

Ở Việt Nam, một số thành viên từ cộng đồng nghiên cứu, khu vực tư nhân, các tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước đã tiên phong và phát triển các dự án than sinh học trong hơn 20 năm qua. Đến nay, phần lớn các hoạt động đã triển khai ở quy mô thí điểm trong lĩnh vực nông nghiệp với sự hỗ trợ của quốc tế. Cơ hội thương mại hấp dẫn nhất đối với than sinh học ở Việt Nam nằm trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là ứng dụng than sinh học dùng làm chất cải tạo đất giúp nâng cao chất lượng đất và tăng năng suất cây trồng. Các hoạt động nghiên cứu về ứng dụng lọc nước và than hoạt tính đang xuất hiện, trong khi đó hiện có rất ít nghiên cứu về quá trình cô lập carbon. Có thể thấy rằng, giữa các nghiên cứu về than sinh học và thực tế sản xuất, tiếp thị và sử dụng than sinh học trên phạm vi toàn quốc vẫn còn tồn tại một khoảng cách lớn.

Từ năm 2017, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) với sự tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO) đã giới thiệu và quảng bá công nghệ nhiệt phân sản xuất than sinh học như một giải pháp thông minh về khí hậu cho ngành Nông nghiệp của Việt Nam.

Lợi ích rõ nét nhất của than sinh học đang được sử dụng ở Việt Nam là dùng để cải tạo chất lượng đất và tăng năng suất cây trồng. Theo đánh giá của UNIDO, công nghệ nhiệt phân sản xuất than sinh học chính là giải pháp thông minh giúp ứng phó với biến đổi khí hậu cho ngành Nông nghiệp của Việt Nam…

thuc day su phat trien cua thi truong than sinh hoc tai viet nam
Ông Dominic Hafner trình bày về Dự án nhiệt phân quy mô nhỏ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 5 bài trình bày về: Dự án nhiệt phân quy mô nhỏ của ông Dominic Hafner; ứng dụng than sinh học sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp trong trồng trọt của ông Lương Hữu Thành (Viện Môi trường nông nghiệp); mô hình sản xuất và sử dụng than sinh học (Biochar) trong canh tác cây trồng tại tỉnh Thừa Thiên – Huế từ ông Võ Văn Quốc Bảo (Trường Đại học Nông Lâm Huế); ảnh hưởng của than sinh học đến chất lượng đất, lưu trữ carbon và năng suất cây trồng – giải pháp cho nông nghiệp carbon từ ông Nguyễn Văn Hiền (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa) và định hướng thúc đẩy thị trường than sinh học ở Việt Nam từ bà Đỗ Thị Dịu (VNCPC).

Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp, hội, hiệp hội, hợp tác xã, cơ quan quản lý… Hàng chục câu hỏi đã được đặt ra trao đổi và thảo luận về các vấn đề có liên quan đến phát triển than sinh học và các công nghệ có thể ứng dụng để biến các phụ phẩm nông nghiệp thành “vàng đen”.

Hội thảo đã góp phần nâng cao nhận thức về lợi ích và tiềm năng ứng dụng của than sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó giúp nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, giảm phát thải khí nhà kính, kết nối hợp tác để thúc đẩy việc chuyển đổi các phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học có giá trị, đồng thời thúc đẩy thị trường than sinh học.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích