Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng: Doanh nghiệp là “hạt nhân” chính

(Xây dựng) – Thời gian tới, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) cần chủ động đổi mới linh hoạt, áp dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm VLXD.

Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng: Doanh nghiệp là “hạt nhân” chính
Doanh nghiệp sản xuất vật liệu gạch ốp, lát chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu ra nước ngoài (ảnh minh họa).

Nhận diện khó khăn

Trước bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới có nhiều biến động, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ cùng sự vào cuộc, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị đã đưa các nhà máy sản xuất VLXD tại Việt Nam ngày càng được đầu tư bài bản, hệ thống đáp ứng tốt nhu cầu xây dựng trong nước và một phần xuất khẩu, khắc phục triệt để tình trạng thiếu VLXD trong xây dựng thời kỳ trước năm 2010.

Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành VLXD nước ta gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng sản xuất, tiêu thụ và doanh thu đều giảm sút, dẫn đến nguy cơ tác động đến nền kinh tế và sự nghiệp xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), quá trình tổng kết đã thống kê, chỉ rõ và phân loại những nhóm khó khăn để từ có các giải pháp tháo gỡ. Đầu tiên đó là cơ chế chính sách để phát triển bền vững ngành VLXD còn có khoảng cách so với thực tiễn. Phản ứng chính sách còn chưa kịp thời với các vấn đề phát sinh, cam kết quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên và các diễn biến nhanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm VLXD. Có thể thấy rõ những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất VLXD ứng dụng khoa học công nghệ chưa được ban hành chi tiết, cụ thể.

Bên cạnh đó, theo thống kê gần nhất cho thấy chi phí nhiên liệu than, dầu FO, khí tự nhiên hóa lỏng (CNG) hoặc khí gas hóa lỏng (LPG) và điện tăng cao, đã làm tăng khoảng 12% chi phí sản xuất clanhke xi măng, 6% chi phí sản xuất gạch ốp lát, 20% chi phí sản xuất vôi công nghiệp. Các nguyên liệu sản xuất VLXD như đá vôi, đá sét, phụ gia làm xi măng; cát trắng silic, đá vôi, đolomit làm kính; cao lanh, felspat (tràng thạch) làm gạch ốp lát, sứ vệ sinh; cát để sản xuất VLXKN, nguyên liệu đầu vào làm thép… cũng gặp khó khăn, bất cập. Các doanh nghiệp sản xuất VLXD, đặc biệt là xi măng phải đầu tư các hạng mục liên quan đến xử lý phát thải, giảm thiểu CO2 làm tăng chi phí sản xuất.

Đáng chú ý cũng phải kể đến là thị trường tiêu thụ VLXD trong nước và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, thị trường bất động sản trong nước tăng trưởng chậm, nhiều công trình xây dựng, dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng chậm triển khai, phải hoãn hoặc giãn tiến độ; chi phí vận tải tăng cao; xuất khẩu clanhke, các sản phẩm VLXD sụt giảm do cạnh tranh gay gắt về giá bán sản phẩm từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới, cộng với các quy định về hàng rào kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu.

Theo TS. Hoàng Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), tình hình tài chính của ngành VLXD cũng đang gặp khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất VLXD, đặc biệt các doanh nghiệp xi măng có tỷ lệ vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng lớn. Giai đoạn đầu khi mới vận hành nhà máy, các doanh nghiệp phải trả nợ vốn vay, cộng với lãi vay cao, dẫn đến áp lực trả nợ cả gốc và lãi lớn. Do sản lượng tiêu thụ sản phẩm rất chậm trong thời gian gần đây dẫn đến nhiều doanh nghiệp đã phải dừng một số dây chuyền sản xuất, dẫn đến dòng tiền dùng trả nợ cho ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất lâm vào thế khó. Nhiều nhà máy VLXD, đặc biệt là nhóm xi măng, thép xây dựng sản xuất không hiệu quả, thua lỗ, tồn đọng nợ xấu.

Mặt khác, cũng phải kể đến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái liên quan đến VLXD vẫn chưa được giải quyết triệt để, dứt điểm cũng là nguyên nhân làm ngành sản xuất, tiêu thụ VLXD trong nước “điêu đứng”.

Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng: Doanh nghiệp là “hạt nhân” chính
Đầu tư nâng cấp, đổi mới công nghệ, thiết bị của các nhà máy sản xuất VLXD hiện có để tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường (ảnh minh họa).

Doanh nghiệp VLXD phải là “hạt nhân”

Trước những khó khăn đó, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất rõ ràng, yêu cầu và định hướng ngành VLXD phải bám sát thực tiễn, xây dựng chính sách phản ứng kịp thời với những vấn đề vướng mắc nổi lên, tổ chức thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động sản xuất, tiêu thụ xi măng, thép xây dựng và các loại VLXD khác.

Đồng thời, phát triển ngành VLXD đảm bảo hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm VLXD có giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, ngành VLXD cũng phải tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng.

Trong xu thế xanh hóa toàn cầu, ngành VLXD cũng theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất; khai thác sử dụng tiết kiệm khoáng sản; sử dụng tối đa các chất thải, phế thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và chất thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia cho quá trình sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và sản xuất VLXD theo hướng sản xuất xanh.

Trong giai đoạn hiện nay, ngành VLXD cũng nên khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển VLXD và phân bổ mạng lưới cơ sở sản xuất trên toàn quốc phù hợp với điều kiện về tự nhiên, xã hội của từng vùng, miền.

Tại nhiều diễn đàn, hội thảo về hướng đi cho ngành VLXD thời gian tới, nhiều chuyên gia chung nhận định cần có các giải pháp cụ thể đối với doanh nghiệp VLXD, bởi đây phải là hạt nhân chính, chủ đạo. Nhiều giải pháp liên quan đến tái cấu trúc quản trị, tái cấu trúc về tài chính, tái cấu trúc đầu tư, nâng cao thương hiệu căn cứ vào tình hình thực tiễn đã được bàn đến.

Một đại diện của Hội VLXD Việt Nam trong hội thảo gần đây đã đánh giá rằng: Các doanh nghiệp cần đầu tư nâng cấp, cải tạo chiều sâu đổi mới công nghệ, thiết bị của các nhà máy sản xuất VLXD hiện có để tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Đầu tư các hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư trong sản xuất các sản phẩm VLXD, đặc biệt là trong các nhà máy sản xuất clanhke và xi măng, để sử dụng cho sản xuất, tiết giảm chi phí điện năng.

Ngoài ra, cũng tính đến phương án đầu tư sử dụng rác thải để thay thế nhiên liệu đốt, sử dụng phế thải công nghiệp để thay thế nguyên liệu tài nguyên thiên nhiên để giảm chi phí nguyên, nhiên liệu trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các trạm nghiền xi măng tại các vùng thuận tiện về giao thông, cảng biển, có nguồn khoáng sản phụ gia làm xi măng, có nguồn phát thải tro, xỉ, thạch cao…

Về phương diện sản xuất, thời gian tới Chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Đa dạng hoá sản phẩm VLXD, phù hợp các loại hình công trình xây dựng, điều kiện khí hậu, vùng miền khác nhau, đáp ứng như cầu thị trường. Đặc biệt, tăng cường sản xuất các sản phẩm VLXD thay thế nhâp khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các doanh nghiệp cũng nên chú trọng đến việc rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất đối với nguyên liệu, nhiên liệu than, dầu, khí đốt và điện. Đồng thời, áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất, tận dụng các nguồn nhiên liệu giá rẻ từ phế thải để giảm chi phí sản xuất. Sản xuất clanhke, xi măng, kết hợp trở thành giải pháp đồng xử lý rác thải công nghiệp, sinh hoạt để bảo vệ môi trường.

Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng: Doanh nghiệp là “hạt nhân” chính
Đầu tư các trạm nghiền xi măng tại các vùng thuận tiện về giao thông, cảng biển, có nguồn khoáng sản phụ gia làm xi măng, có nguồn phát thải tro, xỉ, thạch cao… (ảnh minh họa).

Thời gian tới đây, Chính phủ sẽ điều chỉnh chính sách thuế về xuất khẩu sản phẩm clanhke xi măng, đá ốp lát để đảm bảo tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu các mặt hàng này, đồng thời phù hợp với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về việc không đánh thuế xuất khẩu hàng hoá với các nước ký Hiệp định.

Việc tăng cường các biện pháp chống bán phá giá, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm nhập khẩu bao gồm sắt thép, ván sợi gỗ (LDF/MDF/HDF), VLXD đặc biệt là gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng cũng sẽ được chú trọng nhằm loại bỏ các hành vi cạnh tranh không công bằng và bảo đảm phù hợp với những quy định của Việt Nam và WTO.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích