Thúc đẩy quyền tự do kinh doanh để Việt Nam có thể ‘hóa rồng’

Xu hướng cải thiện môi trường kinh doanh đang bị chững lại, thậm chí mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường có dấu hiệu tăng lên. Điều này cho thấy, quyền tự do kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để cải cách.

Quyền tự do kinh doanh vẫn hạn chế

Tiến sỹ Nguyễn Minh Thảo, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, nếu như Luật Đầu tư phiên bản năm 2014 quy định 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì đến Luật Đầu tư phiên bản 2020 đã giảm xuống còn 227 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Nhìn về số lượng có giảm, tuy nhiên, qua rà soát thực tế vẫn cao hơn nhiều. Việc cắt giảm Danh mục, chủ yếu dưới hình thức gộp tên ngành nghề hoặc sử dụng tên ngành nghề có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, để rút gọn về số lượng. Điển hình là trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ví dụ như quy định về “Kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi”, đây vốn là hai lĩnh vực quản lý Nhà nước khác nhau gồm “thức ăn thủy sản” và “thức ăn chăn nuôi”, nhưng đã được lắp ghép cơ học với nhau thành một, để giảm số lượng. Cũng tương tự như vậy là ngành nghề “Kinh doanh giống cây trồng, giống vật nuôi”; ngành nghề “ Kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi”…

Thúc đẩy quyền tự do kinh doanh để Việt Nam có thể 'hóa rồng'

Chỉ tính riêng 2 lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng, trên thực tế số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhiều gấp 3 lần so với danh mục nêu ra tại Luật Đầu tư 2020. Điều này cho thấy cải cách về môi trường kinh doanh vẫn mang nặng tính hình thức hơn là thực chất, bà Thảo nhận xét.

Cùng với đó, còn nhiều vấn đề tồn tại khác như: tình trạng “cài cắm” điều kiện kinh doanh trong các thông tư do cấp bộ ban hành vẫn tràn ngập, thủ tục về đất đai còn rất khó khăn, sự mâu thuẫn, chồng chéo về luật pháp trong các lĩnh vực…. Khiến cho môi trường kinh doanh vẫn đầy rào cản và hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân.

Ông Fred Mcmahon, đến từ Viện Fraser (Canada) cho rằng, tự do kinh doanh đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tự do kinh doanh gắn liền với xã hội lành mạnh hơn, môi trường trong sạch hơn, GDP bình quân đầu người cao hơn, phát triển con người, dân chủ và xóa đói giảm nghèo.

Thay đổi để “hóa rồng”

Ít tự do về kinh doanh, nên tự do về kinh tế luôn bị xếp ở thứ hạng thấp. Theo đánh giá của Viện Fraser, tính từ năm 2000 đến nay, xếp hạng tự do kinh tế của Việt Nam luôn nằm ở vị trí dưới 100. Cụ thể, năm 2000 Việt Nam đạt 5,58 điểm (thang điểm 10), xếp thứ hạng 105; năm 2010 đạt 5,9 điểm, xếp thứ hạng 128; năm 2015 đạt 6,04 điểm, xếp thứ hạng 126 và năm 2022 đạt 6,42 điểm, xếp thứ hạng 113, trên tổng số 165 nền kinh tế.

Xếp hạng tự do kinh tế, của Quỹ Di sản (Heritage Foundation) cũng tương tự, năm 2022 Việt Nam đứng thứ 84 trên 160 nền kinh tế. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ xếp trên Lào (thứ 151) và Campuchia (thứ 106), còn lại đều kém các nước khác.

Số liệu của Viện Fraser cũng cho thấy, các quốc gia tự do nhất về kinh tế, chỉ có 2% dân số sống trong nghèo đói cùng cực (1,9 USD/ngày), so với 31% của các quốc gia tự do ít nhất. GDP bình quân đầu người/năm ở các quốc gia tự do nhất là 48.251 USD, trong khi ở các quốc gia tự do thấp nhất là 6.542 USD.

Thúc đẩy quyền tự do kinh doanh để Việt Nam có thể 'hóa rồng'
Ít tự do về kinh doanh, nên tự do về kinh tế luôn bị xếp ở thứ hạng thấp. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Theo ông Fred Mcmahon, muốn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn, bền vững hơn, không còn cách nào khác, Việt Nam cần phải tập trung cải cách kinh tế, cải cách thị trường. Muốn làm được như vậy, thúc đẩy tự do kinh doanh đóng vai trò quan trọng, từ đó sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Để thúc đẩy tự do kinh doanh, Chính phủ cần chú trọng đến cải cách thực chất ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Đơn giản hoá, tạo sự minh bạch về thủ tục hành chính, duy trì sự ổn định của chính sách. Khắc phục bất cập do mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định pháp luật. Thực hiện hiệu quả các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp. Bám sát các chỉ số quốc tế có uy tín để nhận diện khoảng cách, vấn đề và tạo áp lực, động lực cải thiện. Huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào xây dựng chính sách và thường xuyên thực hiện các đánh giá độc lập.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích