Thúc đẩy quản trị nguồn nước thông minh
Thúc đẩy quản trị nguồn nước thông minh
Trước thực trạng khan hiếm nguồn nước hiện nay, những nghiên cứu đổi mới công nghệ để áp dụng phương thức quản lý bền vững sử, dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước là vấn đề cấp bách, cần thiết.
Sớm nâng cao năng lực để quản trị tốt
Theo thống kê, Việt Nam có 108 lưu vực sông, trong đó, có 9 hệ thống sông lớn: Hồng – Thái Bình, Bằng Giang, Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia – Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và sông Cửu Long. Tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm khoảng 830 – 840 tỷ m3, trong đó chỉ có gần 40% (tương đương 310 – 320 tỷ m3) nước nội địa, còn lại đến từ nước ngoài.
Có khoảng trên 20 đơn vị chứa nước chính phân bố trên toàn quốc, các tầng chứa nước có trữ lượng lớn chủ yếu gặp ở hai đồng bằng lớn là Bắc Bộ và Nam Bộ. Tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất được đánh giá khoảng 63 tỷ m3/năm. Nếu nhìn vào số liệu trên, chúng ta khó thể ước tính Việt Nam nằm trong khu vực giàu hay nghèo nước.
Trên thế giới, tổng nguồn cung cấp nước thường xuyên trung bình trên đầu người là 7.400m3/năm. Ở Việt Nam, nếu tính cả lượng nước từ bên ngoài chảy vào, Việt Nam có bình quân trên 9.000m3/người/năm, tuy nhiên, lượng nước này hiện khó kiểm soát và trên thực tế đối với nguồn nước nội địa, chúng ta chỉ có khoảng 4.000m3/người/năm.
Con số này cho thấy chúng ta phải sớm nâng cao năng lực để quản trị tốt tổng thể tài nguyên nước quốc gia. Vì vậy, hệ thống quản trị tài nguyên nước tiên tiến cần phải sớm được thiết lập nhằm quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước. Việc áp dụng quản trị nước thông minh, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước của khu vực và quốc gia, giúp điều tiết, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh, an toàn và an sinh xã hội.
Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang được Bộ TN&MT xây dựng. Theo đó, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định về quản lý nước trong Luật Tài nguyên nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Ứng dụng công nghệ 4.0 quan trắc chất lượng nguồn nước
Thúc đẩy phát triển mô hình quản trị tiên tiến
Hiện nay, trên thế giới, đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ nhằm quản trị tài nguyên nước hiệu quả. Trong đó, có hai giải pháp là về kỹ thuật và quản lý. Thực chất, việc đưa ra quyết định, phương hướng, chiến lược trong quản trị tài nguyên nước đều được thực hiện trên cơ sở các dữ liệu thu thập được. Những lợi ích do ứng dụng quản trị nước thông minh mang lại không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, giải pháp quản trị nước thông minh tại Việt Nam cần được nghiên cứu, lựa chọn. Mô hình này đang được triển khai nghiên cứu áp dụng ngày càng rộng rãi tại nhiều quốc gia. Theo đó, mô hình cho phép mô phỏng toàn hệ thống, quản lý tích hợp và hiệu quả, giảm chi phí nhân công, giảm điện năng tiêu thụ, tăng tuổi thọ thiết bị và công trình, giúp sớm phát hiện sự cố, ngăn chặn rò rỉ, thất thoát nước và chủ động có giải pháp sửa chữa, khắc phục, lên lịch bảo trì đường ống và chuẩn bị nguồn lực phù hợp.
Việc ứng dụng quản lý nước thông minh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn, từ góc độ đơn vị sản xuất, cấp nước, quản lý vận hành, chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh đến người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là công cụ hiệu quả để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, giám sát, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống cấp nước, triển khai giải pháp điều tiết nước phù hợp, tạo hành lang pháp lý phát triển quản trị nước thông minh.
Áp dụng quản trị nước thông minh góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước của khu vực và quốc gia, giúp điều tiết, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an toàn và an sinh xã hội. Những lợi ích do ứng dụng quản trị nước thông minh mang lại không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng. Do vậy, Nhà nước cần xây dựng và ban hành các chính sách phù hợp, hướng dẫn thực hiện; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng quản trị nước thông minh, như có thể điều tiết trong khung giá nước, khuyến khích hỗ trợ giá khi nâng cao chất lượng dịch vụ…
Cơ chế này sẽ khuyến khích các đơn vị cấp nước chủ động, sáng tạo, ứng dụng các mô hình quản trị thông minh phù hợp trong thời gian tới, các giải pháp cấp thoát nước thông minh, ứng dụng thành quả của Cách mạng Công nghiệp 4.0 cho phép nâng cao chất lượng dịch vụ cấp thoát nước với chi phí hợp lý và giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị