Thúc đẩy phát triển ngành xây dựng từ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Chiến lược xác định rõ quan điểm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; gắn chặt với thực tiễn sản xuất và quản lý của ngành xây dựng theo hướng nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các công nghệ tiên tiến trên thế giới; góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành xây dựng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mặt khác, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trọng tâm, trọng điểm sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ngành Xây dựng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, Chiến lược xác định nguồn lực Nhà nước sẽ có vai trò dẫn dắt, nguồn lực xã hội đóng vai trò quyết định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Xây dựng.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đã xác định 9 mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Xây dựng đến năm 2030.
Một là làm chủ việc thiết kế, thi công các công trình có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp (không gian ngầm, công trình ngầm, dạng điểm, dạng tuyến có chiều sâu lớn hơn 30m, nhà cao trên 150m…). Hai là ứng dụng và chuyển giao các công nghệ xây dựng tiên tiến, đảm bảo tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm mức phát thải ròng theo lộ trình của Chính phủ.
Ba là nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, tính năng cao, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, thân thiện và bảo vệ môi trường; nghiên cứu ứng dụng vật liệu tái chế trong công trình xây dựng. Bốn là đổi mới, hoàn thiện phương pháp luận công tác quy hoạch xây dựng; hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý đô thị, kiến trúc đô thị và nông thôn, theo hướng bền vững, hiện đại, có bản sắc và phù hợp với điều kiện phát triển từng địa phương.
Năm là ứng dụng các công nghệ thông minh, tiên tiến hiện đại trong quản lý đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống kỹ thuật trong và ngoài nhà. Sáu là nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển ngành Xây dựng.
Bảy là nghiên cứu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để hoàn thành việc biên soạn bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng theo lộ trình đã được phê duyệt. Tám là nghiên cứu cơ sở thực tiễn để hoàn thiện hệ thống quản lý, chứng nhận phòng thí nghiệm; đổi mới, tăng cường công tác quản lý đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành Xây dựng. Chín là đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Xây dựng.
Ảnh minh hoạ
Định hướng nhiệm vụ trọng tâm theo 10 nhóm lĩnh vực
Để hoàn thành các mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Xây dựng đến năm 2030, Bộ Xây dựng có đưa ra định hướng nhiệm vụ trọng tâm cho từng nhóm lĩnh vực.
Theo đó, trong lĩnh vực Thiết kế, Xây dựng công trình và Công nghệ xây dựng có 10 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Nghiên cứu, cập nhật các cơ sở dữ liệu các tác động tự nhiên của Việt Nam phục vụ xây dựng, phục vụ phát triển bền vững (lũ lụt, mưa úng, dông sét, động đất…); nghiên cứu làm chủ thiết kế, xây dựng các công trình quy mô lớn, quan trọng và các công trình có công nghệ và kỹ thuật phức tạp phục vụ xây dựng đất nước; Nghiên cứu các công nghệ mới về xử lý nền móng, công nghệ xây dựng công trình ngầm đô thị, công nghệ thí nghiệm cọc thích hợp cho các công trình cao tầng trong đô thị; Nghiên cứu các loại kết cấu tiên tiến, hiệu quả trong xây dựng sử dụng các vật liệu mới, có tính năng cao; Nghiên cứu việc áp dụng kỹ thuật số, BIM, thành quả của cuộc các mạng công nghệ 4.0 và thiết kế theo công năng trong lĩnh vực kết cấu và công nghệ xây dựng…
Lĩnh vực Vật liệu và Cơ khí xây dựng có một số nhiệm vụ trọng tâm như Nghiên cứu nâng cao chất lượng, hình thức, mẫu mã các sản phẩm vật liệu xây dựng; Nghiên cứu sản xuất xi măng mác cao, xi măng đặc biệt; Nghiên cứu chế tạo, ứng dụng các loại bê tông có tính năng đặc biệt, thích ứng với điều kiện khí hậu của Việt Nam; Nghiên cứu chế tạo, ứng dụng các loại vật liệu xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng…
Trong lĩnh vực Quy hoạch, Kiến trúc đô thị và nông thôn có một số nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển đô thị và nông thôn phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội; Nghiên cứu đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng quy hoạch, năng lực quản lý phát triển đô thị theo hướng hiệu quả, thực chất, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước trong kiểm soát phát triển đô thị; Nghiên cứu áp dụng công nghệ số, GIS và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong lập và quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn; Dự báo xu thế phát triển, kịch bản phát triển và biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia đến năm 2030…
Đối với lĩnh vực Kỹ thuật công trình, Môi trường, Tiết kiệm năng lượng và Công trình xanh, nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu các giải pháp tối ưu hóa, công nghệ số và công nghệ thông minh cho cấp thoát nước; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý, vận hành tòa nhà đảm bảo sức khỏe, môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ xây dựng xanh và triển khai dán nhãn công trình xanh cho các tòa nhà với các tiêu chí đánh giá phù hợp với điều kiện Việt Nam…
Lĩnh vực Hạ tầng kỹ thuật đô thị có một số nhiệm vụ trọng tâm như nghiên cứu khai thác và cấp bổ sung nguồn nước ngầm hợp lý tại các đô thị lớn; Nghiên cứu xây dựng bản đồ công trình ngầm, xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý không gian ngầm đô thị hiệu quả; Nghiên cứu giải pháp phát triển, tích hợp không gian ngầm nhiều tầng, kết nối liên thông, chống ùn tắc ở các đô thị lớn…
Đối với lĩnh vực phát triển đô thị, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu, các nhiệm vụ trọng tâm có xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng phục vụ phát triển đô thị thông minh; Nghiên cứu giải pháp điển hình nhà ở quy mô nhỏ phòng chống tác động thiên tai; Phát triển hệ thống quản lý thông tin phát triển đô thị, giám sát phát triển đô thị theo quy hoạch; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý phát triển đô thị…
Ngoài ra, Chiến lược cũng đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm trong các lĩnh vực Kinh tế xây dựng, Mô hình thông tin xây dựng (BIM), chuyển đổi số và áp dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 trong xây dựng; Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; Đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu ngành Xây dựng; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ngành Xây dựng.
Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Chiến lược, báo cáo tình hình thực hiện định kỳ hàng năm với Bộ trưởng và tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chiến lược vào năm 2031.
Bảo Lâm