Thúc đẩy phát triển kinh tế số khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên

(Xây dựng) – Ngày 24/4, tại thành phố Quy Nhơn đã diễn ra Hội thảo “Thúc đẩy kinh tế số khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên” với sự tham dự của 200 đại biểu. Hội thảo do Báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT tổ chức.

Thúc đẩy phát triển kinh tế số khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm tham dự và phát biểu định hướng tại Hội thảo.

Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu hiện nay, năm 2024 được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số lựa chọn chủ đề là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số – Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững”.

Tại Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 “Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP”, đến năm 2030 “Kinh tế số chiếm trên 30% GDP”. Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra mục tiêu đến 2025 “Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%”. Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt trên 50%…

Thúc đẩy phát triển kinh tế số khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên
Ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chào mừng Hội thảo.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Kinh tế số không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp tăng năng suất, giảm chi phí, mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng, mang lại những tiến bộ về chất lượng cuộc sống.

Theo ông Lâm Hải Giang, thúc đẩy kinh tế số khu vực Tây Nguyên – Nam Trung bộ là một hoạt động rất cần thiết và có ý nghĩa giúp các tỉnh trong khu vực có thêm ý kiến tham vấn từ các chuyên gia và nhà khoa học trong quá trình phát triển kinh tế số. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để các tỉnh, địa phương gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi những mô hình đã triển khai thành công, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn, thúc đẩy kinh tế số phát triển với điểm đột phá là đẩy nhanh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp dựa trên các nền tảng số.

Theo số liệu thống kê năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đánh giá quốc tế về chuyển đổi số của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực như Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Chỉ số Bưu chính của Việt Nam năm 2023 đạt cấp độ 6/10, tăng 1 cấp độ so với năm 2021, đứng thứ 38. Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp 2022 và 2023. Thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19%. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết: Tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên có địa bàn rộng lớn, đóng vai trò quan trọng phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước. Thời gian qua, nhiều tỉnh/thành phố trong khu vực đã quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, kinh tế số đã đạt được nhiều bước phát triển.

Nhiều tỉnh/thành phố trong khu vực đã đạt được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh DTI năm 2022 như Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Bình Định. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, chuyển đổi số khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên chưa đồng đều, còn khoảng cách xa giữa Đà Nẵng và các địa phương khác trong vùng.

Thúc đẩy phát triển kinh tế số khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên
Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ông Lê Xuân Sơn kỳ vọng, thông qua Hội thảo sẽ góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của kinh tế số, tạo ra diễn đàn trao đổi, chia sẻ những mô hình hay, kinh nghiệm tốt về phát triển kinh tế số ở khu vực, đồng thời làm cầu nối giữa các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số với chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số nói riêng và chuyển đổi số nói chung tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Phát biểu định hướng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho rằng: Hội thảo là cơ hội tốt để chúng ta sẽ cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp, mô hình để đưa kinh tế số trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của địa phương, của vùng; cùng nhau hợp tác để tạo nên những thay đổi mang tính tích cực, thiết thực và bền vững.

“Đây chính là khởi nguồn cho nhiều hợp tác trong tương lai, là sự kết nối để làm sâu sắc hơn những quan hệ hợp tác đã có, và vì thế mà kinh tế số khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên sẽ được khởi sắc”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm nhấn mạnh.

Thúc đẩy phát triển kinh tế số khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên
Quang cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, nhiều mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong chuyển đổi số đã được đại diện các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ. Đơn cử, đại diện Vụ Kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chia sẻ bức tranh toàn cảnh về kinh tế số tại Việt Nam, cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế số; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ các định hướng về chuyển đổi số nông nghiệp – lĩnh vực kinh tế then chốt của khu vực; Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định chia sẻ một số vấn đề phát triển kinh tế số địa phương từ kinh nghiệm của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tin học Giải pháp tích hợp mở chia sẻ về vai trò của cơ sở dữ liệu với phát triển kinh tế số; Tham luận của Trường Đại học Thủy lợi về một câu chuyện chuyển đổi số thành công là mô hình áp dụng nền tảng IOT trong xây dựng hệ thống quản lý tài nguyên nước, an toàn hồ đập và cảnh báo thiên tai…

Đây là lần thứ 3, Báo Tiền Phong tổ chức các Hội thảo về chuyển đổi số cấp vùng. Trước đó, năm 2022, Báo Tiền Phong đã tổ chức Hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ và năm 2023, tổ chức Hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số khu vực trung du, miền núi phía Bắc tại tỉnh Yên Bái.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích