Thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo trong trường đại học

Tại phiên thảo luận của Quốc hội diễn ra sáng nay, đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) đã kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần có các chương trình hành động và giải pháp đột phá theo tinh thần Nghị quyết số 52/NQTW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia.

Chính phủ cần quan tâm, có chính sách đặc thù để khuyến khích đội ngũ trí thức khoa học đông đảo đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu. Đây chính là lực lượng nòng cốt thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia.

Bà Lan cho biết, Việt Nam có 237 trường đại học, 16.500 tiến sỹ, 574 GS và 4.113 PGS. Hàng năm, đào tạo khoảng 1.500 tiến sĩ, hơn 36.000 thạc sĩ, gần 1,5 triệu sinh viên đại học và khoảng vài ngàn đề tài nghiên cứu khoa học các cấp được triển khai từ các trường đại học.

Mỗi năm, rất nhiều đề tài được nghiệm thu và rất nhiều quy trình công nghệ, sản phẩm khoa học có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn, nhưng chỉ một số khiêm tốn được chuyển giao hay thương mại hóa để tạo ra giá trị gia tăng cao, phục vụ quốc kế dân sinh, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Để phát huy tiềm năng lợi thế to lớn về trí tuệ, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo này và tránh lãng phí nguồn lực, trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Lan đã kiến nghị Quốc hội về một số chính sách chung, thúc đẩy sự phát triển đổi mới sáng tạo trong trường đại học, viện nghiên cứu và đề cập đến tầm quan trọng và lợi ích của mô hình Spin off – tạm gọi là mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ.

Tại kỳ họp này, đại biểu đoàn Hà Nội tiếp tục đề xuất với Quốc hội, Chính phủ một số vấn đề cụ thể, để tháo gỡ vướng mắc cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp Spin off, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong trường đại học và viện nghiên cứu.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội). Ảnh: Kinh tế Đô thị

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, Spin off là doanh nghiệp hình thành trong trường đại học để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học, do chính các nhà khoa học nắm giữ công nghệ hay bằng sáng chế. Mô hình Spin off đã rất thành công ở nhiều trường ĐH trên thế giới như: các trường MIT (Hoa kỳ), ĐH KU Leuven (Bỉ), ĐH Wageningen (Hà Lan) và ĐH Qeensland (Úc) hàng năm tạo ra khoảng 100-200 doanh nghiệp Spin off, với doanh thu khá lớn và tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, lan tỏa tinh thần và kỹ năng khởi nghiệp trong sinh viên, thanh niên.

Mặc dù mô hình Spin off có nhiều ưu điểm và đầy hứa hẹn nhưng ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức để phát triển mạnh, vẫn còn vướng mắc một số các quy định trong các luật khác nhau.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, nhiều luật đã cho phép hình thành doanh nghiệp trong trường đại học, nhưng lại không hướng dẫn cụ thể về quy định đối với Spin off, cần bổ sung quy định về góp vốn, góp vốn bằng bản quyền công nghệ, quy định về thẩm quyền quyết định việc chuyển giao, góp vốn là sản phẩm đề tài sử dụng ngân sách Nhà nước vào Spin off; quy định về việc nhà khoa học được tham gia vào bộ máy quản lý của công ty Spin off.

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khu vực trường đại học, viên nghiên cứu, để huy động được đội ngũ trí thức khoa học của các trường, viện nghiên cứu tham gia đổi mới sáng tạo, bằng kinh nghiệm thực tiễn phát triển mô hình spin off tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam và tham khảo các mô hình Spin off của một số nước trên thế giới.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm rà soát bổ sung loại hình doanh nghiệp Spin off vào các quy định của pháp luật. Trong thời gian chờ sửa đổi luật, đề nghị Chính phủ cho thực hiện thí điểm cơ chế chính sách thuận lợi cho mô hình Spin off; trong đó cho phép các nhà khoa học được tham gia vào ban quản lý điều hành doanh nghiệp Spin off để làm chủ công nghệ và đổi mới sáng tạo công nghệ tạo sản phẩm mới, chất lượng, hiệu quả;

Đồng thời, giao quyền cho các cơ sở nghiên cứu/ trường đại học quyết định khai thác, sử dụng các sản phẩm đề tài nghiên cứu khoa học từ nguồn ngân sách Nhà nước và chịu trách nhiệm về nguồn kinh phí thu được cho việc tái đầu tư cho nghiên cứu và phát triển xã hội.

Trường đại học, viện nghiên cứu được phép góp vốn bằng tiền mặt, thương hiệu, bản quyền, quy trình công nghệ vào Spin off một cách dễ dàng. Cho phép các Trường đại học được sử dụng tài sản chưa khai thác hết công suất tham gia vào hoạt động của Spin off để tăng thêm nguồn thu và tăng hiệu quả sử dụng của cơ sở vật chất trong bối cảnh tự chủ đại học.

Để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch Covid và phát triển bền vững, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị cần tập trung một số nhóm nhiệm vụ.

Thứ nhất, cần đánh giá toàn diện và đầy đủ tác động của đại dịch Covid đến các mặt đời sống kinh tế xã hội, từ đó Nhà nước huy động nguồn lực kịp thời hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp khắc phục nhanh các thiệt hại do dịch bệnh gây ra, để phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Thứ hai, cùng với các giải pháp về thể chế, nguồn lực, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số, cần xây dựng chiến lược trung hạn và dài hạn để có cơ chế giám sát hiệu quả. Qua đó phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cần có chiến lược đầu tư xây dựng các mạng lưới các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm khoa học công nghệ quốc gia thực sự đủ mạnh đủ tầm để giả quyết các bài toán phát triển của đất nước.

Như vậy chúng ta cần coi phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia là giải pháp đột phá, là động lực để phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững. Chiến lược phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lành mạnh, có tính kiến tạo cao chắc chắn sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực của đất nước, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nơi chúng ta đang có nhiều dư địa và lợi thế để đổi mới. Đây cũng là chìa khóa để biến Việt Nam khát vọng hùng cường thành quốc gia khởi nghiệp có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế.

Bảo Lâm 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích