Thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển tại Việt Nam
Thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển tại Việt Nam
Ngày 5/7 đã diễn ra Hội thảo khoa học thuộc Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam nhằm phục vụ mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước”
Ngày 5/7, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học thuộc Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam nhằm phục vụ mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước” giúp cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách đối với biển và đại dương Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
PGS.TS Trần Thị Lan Hương – Chủ nhiệm Chương trình, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, Chương trình đã được triển khai thực hiện trong 3 năm gần đây, tập trung chủ yếu vào các nội dung như: Kinh tế biển phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở Việt Nam; Bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới; Quan hệ quốc tế trên biển Đông và sự lựa chọn chiến lược của Việt Nam; Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở các vùng ven biển và hải đảo Việt Nam và Phát triển bền vững biển Việt Nam trong thế kỷ XXI từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Trong đó, có nhiều công trình nghiên cứu của Chương trình biển đã làm rõ mức độ tổn thương sinh kế của người dân sống ở các vùng ven biển đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và quy hoạch biển cùng việc phát triển kinh tế biển ồ ạt,… Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, có khoảng 12 triệu người Việt Nam ở các tỉnh ven biển đang phải chịu ảnh hưởng nguy cơ từ các trận bão lũ nặng nề và tác động lớn đến sinh kế của người dân ven biển trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản, đánh bắt xa bờ.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện những nghiên cứu, trao đổi thảo luận về các vấn đề đã và đang nghiên cứu trong Chương trình biển, Hội thảo khoa học được tổ chức mong muốn nhận được những đóng góp, kiến nghị từ các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, học giả,… để Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.
TS. Lê Văn Hùng – Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng đã trình bày về Kết quả đánh giá những mặt hạn chế trong phát triển các khu kinh tế (KKT) ven biển Việt Nam, trong đó, vấn đề về kinh tế do các sản phẩm đầu tư tại đây chưa có tính cạnh tranh và chưa thu hút được doanh nghiệp, chưa tạo ra những mô hình đột phá vì không khác biệt nhiều so với các Khu công nghiệp (KCN) mở rộng, các KKT biển chưa tạo ra sự lan tỏa lớn ở cấp vùng (từ khu vực FDI tới khu vực nội địa: Lan tỏa từ các DN trong khu với khu vực bên ngoài). Các dự án đầu tư tập trung nhiều vào những ngành tiêu tốn tài nguyên và năng lượng như hoá dầu, thép, xi măng gây ra tình trạng phát thải cao,… công nghệ chế tạo chưa tiên tiến; Các dự án đầu tư tại Việt Nam chưa có tính cộng sinh, chưa tạo ra một hình thái riêng cho những mô hình du lịch biển, đô thị biển.
Vì vậy, để thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế biển, cần chú ý tập trung xây dựng các mô hình chuyên sâu và có 2 – 3 KKT điển hình xứng tầm, đủ khả năng cạnh tranh quốc tế (về các mô hình du lịch, công nghiệp hay dịch vụ biển) như vùng Nam Trung Bộ cần phát triển nhiều hơn về du lịch, Đồng Bằng sông Cửu Long cần phải thu hút đầu tư về thủy sản, vùng Đông Nam Bộ cần có nhiều hơn sự phân công, kết nối về phát triển hạ tầng và các địa phương phải bám vào quy hoạch vùng để có thể xây dựng các phương án phát triển bền vững.
ThS. Phạm Thị Kim Huế – Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông cho rằng, để Việt Nam phát triển được kinh tế biển trên khu vực biển Đông cần dựa vào sự hợp tác, quan hệ với các nước ASEAN. Đồng thời, cần củng cố vai trò của Việt Nam trong ASEAN trong việc xây dựng và duy trì môi trường hợp tác quốc tế thuận lợi trên biển, điều này có thể củng cố sức mạnh quốc gia, bồi đắp niềm tin chiến lược giữa các nước trong và ngoài khu vực đối với giải quyết các vấn đề trên biển Đông; Tranh thủ sự ủng hộ của tổ chức quốc tế để đảm bảo quyền lợi quốc gia của mình trên biển, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền Quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; Tuân thủ vào luật pháp Quốc tế, đặc biệt là nền tảng pháp lý UNCLOS.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý vững chắc cho các hoạt động khai thác, quản lý và bảo tồn các tài nguyên biển, phục vụ phát triển kinh tế biển và thúc đẩy hợp tác kinh tế với các quốc gia trong và ngoài khu vực biển Đông; Nâng cao năng lực quản lý, hoạch định chính sách biển đảo; Trong quan hệ với các nước ASEAN cần thực hiện tốt các biện pháp hoà bình, xây dựng lòng tin, gia tăng gắn kết và phát huy vai trò của ASEAN về nâng cao vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, cố kết nội khối để có phương hướng và biện pháp đúng đắn, phù hợp, thực sự hiệu quả.
Trong bối cảnh BĐKH đang tác động mạnh tới đời sống kinh tế – xã hội của đất nước và nhân dân, không chỉ cần sự hợp tác từ các nước ASEAN hay thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế biển trong tình hình mới, mà còn cần phải quan tâm đến việc phát triển đồng bộ sinh kế của của cư dân ven biển. TS. Hà Thị Hồng Vân – Trung tâm Phân tích và Dự báo đã đưa ra một số đề xuất, cần phải có chiến lược bảo đảm sinh kế cho cư dân biển đi cùng với việc khai thác, quản lý, phát triển kinh tế biển ngay từ cấp cộng đồng; Tăng cường năng lực ứng phó và thích ứng với BĐKH, tăng khả năng chống chịu, giảm thiểu tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan và hạn chế tính tổn thương từ tác động thời tiết đến người dân.
Hơn hết, các nguồn vốn cần tập trung đầu tư, khai thác là vốn con người, cần phải khuyến khích, tuyên truyền từ các cấp chính quyền đến người dân trong việc nhận thức về việc áp dụng kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sinh kế chủ động để thúch ứng với BĐKH, giảm thiểu nguy cơ tác động đến môi trường. Về vốn tự nhiên, một số giải pháp cải thiện trước tác động của BĐKH bao gồm: tại các khu vực ven biển, rừng ngập mặn, bảo tồn rừng ngập mặn có thể được thúc đẩy để tạo ra các rào cản tự nhiên chống lại nước biển dâng và các hiện tượng cực đoan, quy hoạch và quản lý bảo vệ rừng ngập mặn chống xói lở bờ biển, hạn chế tác động của triều cường và xâm nhập mặn.
Bên cạnh đó, Nhà nước và các cấp chính quyền cần tăng cường hỗ trợ vốn tín dụng quy mô vừa và nhỏ đối với các hộ gia đình, tăng cường khuyến khích cho vay vốn với các hộ gia đình, hoạt động trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và những hộ có phương án sản xuất các sản phẩm địa phương chuyên sâu, tăng giá trị và có thương hiệu.
Đối với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của người dân ven biển hiện nay, TS. Bùi Thị Vân Anh – Viện Địa lý Nhân văn nhấn mạnh, việc khai thác và sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong những năm qua đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, chú trọng thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW nêu rõ về định hướng đối với lĩnh vực nuôi trồng và khai thác hải sản. Mặc dù có nhiều nỗ lực của các cấp chính quyền, tuy nhiên tình trạng khai thác, phá huỷ môi trường biển vẫn còn tồn tại do hành vi khai thác tài nguyên thiên nhiên ven biển không bền vững của người dân hiện nay, thể hiện qua nhiều khía cạnh.
Do đó, để thúc đẩy người dân ven biển khai thác tài nguyên biển một cách bền vững, TS. Vân Anh đã đưa ra đề xuất đối với các nhà quản lý nông nghiệp các cấp nói chung, cần tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức các nhà quản lý nông nghiệp các cấp về hiện trạng thái độ sẵn sàng của người dân đối với nuôi trồng thủy sản; Xây dựng các chương trình truyền thông, tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ về nuôi trồng thủy sản cho nông dân và cộng đồng doanh nghiệp tham gia nuôi trồng và phân phối, sản xuất sản phẩm thủy sản an toàn hiệu quả.
Ngoài ra, Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, thoả đáng để huy động, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nuôi trồng thuỷ sản; Tiếp tục đầu tư vốn hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ nuôi trồng thuỷ sản; Hỗ trợ chính sách vay vốn đối với người dân nuôi trồng thuỷ sản.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị