Thúc đẩy năng suất dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong giai đoạn tới

 Khoa học và công nghệ là một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế – xã hội. Ảnh minh họa.

Thúc đẩy năng suất lao động trong tình hình mới tại Việt Nam

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách, chương trình, hoạt động nâng cao năng suất đã được thực thi ở các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thông qua đó, các kết quả cải tiến năng suất đã được ghi nhận, trong đó, năng suất lao động giai đoạn 2016- 2020 đạt tốc độ tăng bình quân 5,88%/năm, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) không ngừng được cải thiện (giai đoạn 2011-2015, TFP đóng góp khoảng 32,8% vào tăng trưởng kinh tế cả nước, đến giai đoạn 2016-2020, con số này đã vượt lên trên 45%).

Mặc dù cả nước đã đạt được một số kết quả khả quan trong nâng cao năng suất, song Việt Nam vẫn là nước có mức năng suất lao động thấp so với các quốc gia khác trong khu vực. Với mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức 7% và yếu tố tiên quyết vẫn là duy trì và tăng trưởng về năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo. Do vậy, để tăng năng suất lao động của quốc gia, Việt Nam cần khắc phục được hai vấn đề sau:

Thứ nhất, sự dịch chuyển lao động từ ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao. Trong các giai đoạn phát triển trước, đóng góp chủ yếu của tăng năng suất lao động của Việt Nam là do dịch chuyển cơ cấu. Lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp có năng suất lao động thấp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Tuy nhiên, đây sẽ không thể là động lực phát triển bền vững của năng suất lao động và thực tế cho thấy vai trò của chuyển dịch cơ cấu trong tăng trưởng năng suất lao động đã giảm dần trong những năm gần đây.

Thứ hai, tăng trưởng TFP còn thấp dẫn đến hạn chế tốc độ tăng năng suất lao động. Có rất nhiều yếu tố làm TFP tăng trưởng chậm, trong đó quan trọng nhất và đầu tiên vẫn là liên quan tới nguồn nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và ý thức lao động chưa cao, chính vì thế không thể hấp thụ tối đa được chuyển giao công nghệ, tạo tiền đề cho tăng trưởng năng suất.

Trong giai đoạn vừa qua, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung vào việc phục hồi phát triển kinh tế sau khi chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Một số lĩnh vực có những điều kiện thuận lợi để phát triển như công nghệ thông tin, còn hầu hết lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều gặp khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn sản xuất, chi phí đầu vào gia tăng. Đến hết nửa đầu năm 2022, các hoạt động thương mại mới dần trở lại ổn định, lao động quay trở lại làm việc trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng hạn chế hơn trong việc tiếp nhận những phương thức cải tiến năng suất mới. Chính vì vậy, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội còn ở mức thấp.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với bối cảnh hiện nay

Trước những khó khăn, thách thức trong tình hình mới, Việt Nam cần có sự chuyển đổi mạnh về chiến lược để tăng trưởng năng suất, dựa trên đổi mới sáng tạo và tăng TFP. Điều này chỉ có thể đạt được khi Việt Nam phát triển đồng bộ một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lấy khoa học và công nghệ làm trọng tâm. Cụ thể:

Con người là yếu tố quan trọng nhất để tăng năng suất và đổi mới sáng tạo. 

Một là, phát triển hơn nữa nguồn nhân lực có chất lượng cao: Con người là yếu tố quan trọng nhất để tăng năng suất và đổi mới sáng tạo. Hiện nay ở Việt Nam, lao động thủ công chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu việc làm trên cả nước. Do vậy, Việt Nam chỉ xếp hạng ba từ dưới lên trong số 140 quốc gia được đánh giá trong chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2018 về sự phù hợp về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp.

Đồng thời, theo Ngân hàng Thế giới, mức lương theo giờ của người lao động có trình độ sau phổ thông so với các nhóm có trình độ dưới tiểu học của nước ta đã giảm từ 70% trong năm 2010 xuống 50% trong năm 2020. Điều này chủ yếu là do sự không phù hợp của chương trình đào tạo với nhu cầu thị trường.

Các doanh nghiệp cho biết, họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có kỹ năng lãnh đạo và quản lý; huy động lao động có kỹ năng kỹ thuật, ngoại ngữ. Bên cạnh đó, hạn chế trong nhận thức của người lao động về năng suất và đổi mới sáng tạo cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng chậm về năng suất lao động.

Chính vì vậy, cần khuyến khích sự gắn kết đào tạo với việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc liên kết hiệu quả giữa cơ sở đào tạo, trường dạy nghề với các doanh nghiệp là hết sức cần thiết để trình làng đội ngũ lao động chất lượng cao, đúng chuyên ngành. Cần đổi mới phương thức dạy và học, đồng thời đầu tư cho hạ tầng giáo dục, đặc biệt là giáo dục dạy nghề và đại học cũng như công nghệ thông tin và truyền thông. Trong bối cảnh mới, để doanh nghiệp có thể đổi mới sáng tạo, rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ giỏi về kỹ năng nghề mà cần có các kỹ năng mềm và hiểu biết về các công cụ năng suất, góp phần tạo ra nhiều ý tưởng, công nghệ và thương mại hóa công nghệ.

Hai là, tăng khả năng hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân: Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu. Tỷ lệ đầu tư cho khoa học và công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,44% GDP năm 2021. Trong suốt 20 năm qua, Việt Nam đã thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng phần nhiều trong số đó là các doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, tận dụng lao động giá rẻ, chứ chưa tập trung nhiều vào các ngành hay các sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao. Bên cạnh đó, sự thiếu liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước làm hạn chế khả năng lan tỏa công nghệ và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trong nước.

Giải pháp cho vấn đề này chính là cần đưa ra các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để từ đó tăng cường chuyển giao công nghệ và tăng hiệu ứng lan tỏa công nghệ.

Các chính sách khuyến khích đầu tư không nên chỉ tập trung vào việc thu hút đầu tư mới và tạo việc làm, mà còn cần khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng quy mô hoạt động, chú trọng hơn hoạt động tạo giá trị gia tăng cao. Việc này giúp các doanh nghiệp địa phương, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn tư nhân được hưởng lợi nhiều hơn từ hiệu ứng cải thiện năng suất và chuyển giao công nghệ qua FDI.

Ngoài ra, cần tăng cường khả năng hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Hạn chế trong năng lực hấp thụ công nghệ không chỉ hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến việc thu lợi từ các kênh chuyển giao công nghệ chính thống như FDI, hoặc nhượng quyền sáng chế, trong khi các kênh chuyển giao này chỉ phát huy hiệu quả khi các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực hấp thụ.

Một điểm nữa là việc tăng cường đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp dịch vụ. Từ trước tới nay, chúng ta mới quan tâm nhiều tới các doanh nghiệp sản xuất; trong khi khu vực dịch vụ phát triển ngày càng mạnh. Dịch vụ cũng góp phần tăng tính cạnh tranh của khu vực sản xuất và là nguồn xuất khẩu quan trọng. Chính vì thế, cần quan tâm hơn nữa để tăng cường hoạt động đổi mới sáng tạo của khu vực doanh nghiệp này.

Ba là, phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Mặc dù có nhu cầu lớn trong thị trường khoa học và công nghệ, song các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung cấp các giải pháp chất lượng cao. Thị trường khoa học và công nghệ còn yếu và thiếu, dẫn tới tình trạng doanh nghiệp không tiếp cận được với công nghệ tiên tiến, hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ còn hạn chế.

Thị trường khoa học và công nghệ đặc biệt là công nghệ số còn nhiều vướng mắc, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Đây là vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế. Chính vì thế, cần có các cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho thị trường này phát triển hơn nữa ở Việt Nam.

Bốn là, đồng bộ hóa, nâng cao năng lực thực thi chính sách về năng suất và đổi mới sáng tạo. Việc tăng năng suất lao động và đổi mới sáng tạo không phải là vấn đề của một ngành, một lĩnh vực mà là vấn đề mang tính hệ thống, đòi hỏi phải có chính sách đồng bộ, thống nhất giữa các ngành, các cấp.

Việt Nam cũng đã thành lập Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh với một trong các nhiệm vụ chính là xây dựng, thực hiện các chiến lược, chính sách, kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường đổi mới sáng tạo và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần rà soát các văn bản pháp quy liên quan tới năng suất và đổi mới sáng tạo để có sự thống nhất về mặt chính sách, loại bỏ các chính sách trùng lắp, không phù hợp, thiếu hiệu quả, từ đó có lộ trình sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ các khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy đổi mới sáng tạo. Việc nâng cao năng lực thực thi chính sách cần được thực hiện đồng bộ cả ở cấp trung ương và địa phương. Đặc biệt cần nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ thực thi chính sách tại các cơ quan ở địa phương. Đồng thời, các quy định, chính sách cần có sự hài hòa với các thông lệ quốc tế nhằm giảm thiểu những yếu tố rủi ro, thiếu hiệu quả và các rào cản thị trường.

Đổi mới sáng tạo không chỉ là tiền đề cho phát triển kinh tế mà còn là chìa khóa cho tăng trưởng năng suất, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề quốc gia và toàn cầu như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, dịch bệnh và rất nhiều vấn đề khác. Một quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tốt sẽ không chỉ phát triển nhanh, mạnh mà còn phát triển bền vững và toàn diện. Đây là điều mà Việt Nam muốn hướng tới trong giai đoạn phát triển mới.

TS Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TCĐLCL

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích