Thúc đẩy năng lượng xanh, phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững
(TN&MT) – Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 14/10/2022 mang thông điệp “Tiêu chuẩn phục vụ cho phát triển bền vững (SDG) – Tầm nhìn chung cho một Thế giới tốt đẹp hơn”, trong đó, nêu rõ các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), nhằm giải quyết sự mất cân bằng xã hội, phát triển nền kinh tế bền vững và làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu.
Để đạt được các mục tiêu này, sẽ đòi hỏi sự hợp tác của nhiều đối tác nhà nước và tư nhân, đồng thời cần sử dụng tất cả các công cụ sẵn có, bao gồm cả các tiêu chuẩn quốc tế và đánh giá sự phù hợp.
Cuộc chiến căng thẳng chống lại đại dịch COVID-19 toàn cầu dai dẳng cho thấy, sự cần thiết phải giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững một cách bao trùm, nhằm củng cố các cộng đồng xã hội, làm cho mọi người trên Thế giới trở nên kiên cường hơn và công bằng hơn. Thông điệp Ngày Tiêu chuẩn Thế giới năm 2022 hàm chứa nhiều ý nghĩa đề nghị tất cả người dân trên thế giới trong một sứ mệnh khẳng định tầm quan trọng của các mục tiêu phát triển bền vững để có thể gây dựng trở lại tốt đẹp hơn trước. Trong quá trình theo đuổi mục tiêu này, tiêu chuẩn càng trở nên thích hợp và cần thiết hơn bao giờ hết.
Cụ thể hóa thông điệp Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 2022, Việt Nam hướng đến hành động với mục tiêu “Tiêu chuẩn thúc đẩy năng lượng xanh, phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững”. Nhân dịp này, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nhiều hoạt động như: Lễ kỷ niệm 52 năm Ngày Tiêu chuẩn thế giới 14/10/2022; Hội thảo “Tiêu chuẩn thúc đẩy năng lượng xanh, phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững”; Tôn vinh các Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia, các doanh nghiệp, tổ chức tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp tiêu chuẩn hóa…
Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) thống nhất lấy ngày 14/10 hằng năm là Ngày Tiêu chuẩn thế giới.
Mục tiêu của Ngày Tiêu chuẩn Thế giới là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêu chuẩn hóa toàn cầu đối với nền kinh tế thế giới cũng như thúc đẩy vai trò của nó trong việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, ngành công nghiệp, Chính phủ và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Đồng thời, tri ân những nỗ lực hợp tác của các chuyên gia trên toàn thế giới, những người đã phát triển các thỏa thuận kỹ thuật tự nguyện được công bố dưới dạng Tiêu chuẩn Quốc tế cũng như những tình nguyện viên trên khắp thế giới tham gia vào các hoạt động tiêu chuẩn hóa.