Thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện, bền vững

(Xây dựng) – Trong bối cảnh các sản phẩm xuất khẩu ngày càng đặt ra yêu cầu cao, cũng như sự cam kết của các quốc gia sẽ không còn phát thải nhà kính vào năm 2050, hoạt động logistics xanh được coi là một trong những xu hướng của tương lai.

Thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện, bền vững
Logistics xanh được coi là một trong những xu hướng và yêu cầu tất yếu (Ảnh minh họa).

Xu hướng và yêu cầu tất yếu

Để phát triển bền vững, cắt giảm chi phí vận hành, các doanh nghiệp logistics nói chung và doanh nghiệp logistics Việt Nam nói riêng cần phải giải bài toán giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; trong dài hạn là cắt giảm phí thải carbon xả ra ngoài môi trường.

Tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ngày càng được đầu tư xây dựng và mở rộng, đặc biệt là một loạt hệ thống đường cao tốc trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển. Hệ thống cảng biển cũng ngày càng được cải thiện, được chú trọng đầu tư, cải tiến liên tục, tiếp cận những dịch vụ vận tải tiên tiến, hiện đại và thân thiện môi trường hơn.

Các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp sử dụng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics đã quan tâm tới phát triển logisics xanh và bền vững. Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được về vai trò logistics xanh trong phát triển bền vững để có định hướng phát triển đối với hoạt động này. Với hiện trạng phát triển công nghệ thông tin như hiện tại, Việt Nam cũng có rất nhiều lợi thế trong việc phát triển logistics xanh nhờ tiếp cận với những phương án quản lý hiện đại, nhanh chóng, tiện lợi.

Thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện, bền vững
Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được vai trò logistics xanh trong phát triển bền vững (Ảnh minh họa).

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh ngày càng đặt ra yêu cầu cao từ sản phẩm xuất khẩu, cũng như sự cam kết của các quốc gia sẽ không còn phát thải nhà kính vào năm 2050, hoạt động logistics xanh được coi là một trong những xu hướng và yêu cầu tất yếu.

PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát Triển logistics Việt Nam nhận định, để cải thiện hiệu suất xuất khẩu, ngoài việc tăng cường kiểm soát, đảm bảo chất lượng sản phẩm và thúc đẩy chuyển đổi số sản xuất, doanh nghiệp quan tâm các xu hướng công nghệ thông tin được đề xuất bao gồm logistics thông minh, theo dõi, truy vết và logistics xanh.

Cùng quan điểm này, bà Phùng Thị Lan Phương, chuyên gia Thương mại quốc tế, nguyên Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) thông tin, 90% người tiêu dùng Việt Nam ủng hộ các doanh nghiệp đạo đức và có trách nhiệm xã hội, đồng thời 43% họ đánh giá cao nhãn hàng và doanh nghiệp thân thiện với môi trường.

Theo bà Phương, nhờ thực hiện những thay đổi chính sách quan trọng, Việt Nam nằm trong Top 3 nước đang phát triển (sau Ấn Độ và Philippines) có xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho công nghệ tiên phong (công nghệ xanh) cao hơn nhiều so với kỳ vọng tính theo GDP bình quân đầu người (cao hơn 44 bậc so với kỳ vọng).

Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức

Ông Ngô Khắc Lê, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho hay, logistics xanh vẫn đang là một khái niệm tương đối mới. Khái niệm và các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động logistics xanh chưa được hiểu đầy đủ và chính xác.

Vì vậy, việc thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững tại Việt Nam, điều quan trọng là phải hiểu bản chất và vai trò của logistics xanh. Cũng cần phải chỉ ra những thách thức trong việc xanh hóa ngành logistics của doanh nghiệp trong nước. Bởi theo ông Ngô Khắc Lê, nhận thức và hiểu biết của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa về yêu cầu xanh hóa ngành logistics đang rất hạn chế.

Thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện, bền vững
Phát triển logistics xanh bao gồm nhiều hoạt động.

Thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững không chỉ là yêu cầu của riêng Việt Nam mà là yêu cầu của cả thế giới về một xu hướng chung, do đó, các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tự tìm hiểu và tự cứu mình, vừa giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa xây dựng hình ảnh, thương hiệu đẹp, uy tín hơn với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, từ đó, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn.

TS. Nguyễn Tiến Minh, chuyên gia nghiên cứu về logistics khuyến nghị, phát triển logistics xanh bao gồm nhiều hoạt động, như cải tiến các phương tiện vận tải sử dụng nhiều nhiên liệu và thải ra môi trường khí thải độc hại, nâng cấp chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông, chuyển đổi từ vận chuyển đường bộ sang đường thủy, đường sắt; sử dụng phương tiện vận tải thân thiện với môi trường hoặc ít phát thải khí carbon và vận hành hệ thống vận tải một cách tối ưu là những giải pháp quan trọng để xanh hoá hoạt động vận tải.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, việc phát triển logistics xanh đang đối diện với một số thách thức. Trước hết là vấn đề nhận thức về logistics chưa rõ ràng, chưa đủ động lực để chuyển đổi. Logistics xanh dường như không chỉ là một xu hướng mà còn là yêu cầu bắt buộc trong tương lai. Khách hàng không sẵn lòng chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ logistics bền vững hơn… Các gánh nặng tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có nhận thức tốt, thấy được sự cần thiết của logistics xanh nhưng do quy mô tài chính nhỏ bé nên chưa thể đầu tư phù hợp cho vấn đề này, cần sự hỗ trợ của nhà nước. Sự đa dạng về quy định môi trường giữa các quốc gia và bên trong mỗi quốc gia cũng là thách thức với doanh nghiệp.

Về kế hoạch hành động xanh đến năm 2030 của Việt Nam, theo ông Trần Thanh Hải, sẽ cần toàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức liên quan nhằm giảm phát thải từ hoạt động giao thông vận tải, phát triển logistics xanh. Thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện vận tải và nhà kho sử dụng năng lượng sạch, năng lượng thân thiện với môi trường…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích