Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong sản xuất xi măng:  Cần “bàn tay” Nhà nước

Xây dựng) – Thời gian qua, ngành Xây dựng nói chung và ngành Xi măng nói riêng đang nỗ lực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) xung quanh vấn đề này.

thuc day kinh te tuan hoan trong san xuat xi mang can ban tay nha nuoc
Ông Vũ Ngọc Anh

Xin ông cho biết khái niệm vai trò, ý nghĩa, xu hướng của kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất xi măng? Ngành Xi măng có đóng góp gì trong kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy xu hướng này, thưa ông?

– Khái niệm Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được sử dụng chính thức đầu tiên vào năm 1990; là mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”. Theo nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế mô tả nền KTTH là một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo theo mục tiêu và thiết kế; cho phép chuyển từ sử dụng năng lượng truyền thống sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các chất độc hại, chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống, mô hình kinh doanh. Nói một cách đơn giản, KTTH là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác. Do vậy, không có khái niệm kinh tế tuần hoàn riêng cho ngành Xây dựng, mà các ngành, lĩnh vực, nhóm sản phẩm cụ thể, tùy thuộc vào quy trình sản xuất sản phẩm hàng hóa, yêu cầu của sản phẩm đầu ra, nguyên liệu đầu vào, công nghệ hiện có… để ứng dụng mô hình KTTH.

Ở góc độ tiết kiệm tài nguyên và năng lượng thì ngành sản xuất xi măng đang tiêu thụ một lượng lớn tài nguyên không tái tạo là đá vôi và tiêu thụ rất lớn năng lượng. Tiêu thụ tài nguyên quá mức sẽ khiến cạn kiệt tài nguyên, tiêu thụ năng lượng quá mức dẫn đến phát thải lớn và cạn kiệt tài nguyên là than đá, xăng, dầu, khí tự nhiên (nguyên liệu của các nhà máy nhiệt điện).

Do vậy, mô hình KTTH trong sản xuất xi măng là tận dụng phế thải của các ngành công nghiệp khác để làm nguyên liệu đầu vào của sản xuất xi măng như mô hình mà VICEM đang triển khai, thí điểm. Tận dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất phát thải ra để phối trộn với clinker, tận dụng rác thải trong công nghiệp và trong sinh hoạt để làm nguyên liệu đốt thay thế một phần than. Ví dụ có thể phối trộn đến 40% tro bay với clinker để sản xuất xi măng, hoặc sử dụng tro xỉ của nhà máy để sản xuất bê tông, giúp giảm tỷ lệ sử dụng đá vôi trong sản xuất xi măng; đặc biệt thay thế 20 – 25% than đá bằng rác sinh hoạt để nung clinker, mang lại lợi ích kép, vừa giảm tiêu thụ nhiêu liệu than, vừa xử lý ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra (giảm phát thải khí nhà kính).

Cách làm của VICEM hiện nay là đóng góp rất cụ thể của ngành Xây dựng trong việc ứng dụng mô hình KTTT, không chỉ góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu không thể tái tạo, bảo vệ môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và nhằm mục tiêu phát triển bền vững của Ngành.

thuc day kinh te tuan hoan trong san xuat xi mang can ban tay nha nuoc

Ông đánh giá ra sao về chương trình đổi mới sáng tạo của VICEM, trong đó trọng tâm là sử dụng rác thải làm nhiên liệu và sử dụng tro xỉ làm nguyên liệu trong sản xuất clinker và xi măng? Ưu điểm vượt trội là gì?

– Theo báo cáo của Bộ TN&MT, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại các đô thị năm 2019 ở mức 35.624 tấn/ngày, ở nông thôn là 28.394 tấn/ngày. Tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên toàn quốc năm 2019 đã tăng 46% so với năm 2010. Nhiều bãi rác đã hết công suất chứa, không những thế CTRSH được chôn lấp sẽ phát thải một lượng lớn khí mê tan gây hiệu ứng nhà kính. Do vậy việc ứng dụng khoa học công nghệ để dùng CTRSH làm nguyên liệu đốt thay thế một phần nguyên liệu truyền thống (than đá) là giải pháp có ý nghĩa đột phá. Đốt rác không chỉ góp phần giảm sử dụng nguyên liệu truyền thống, mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính như đã nói ở trên mà còn thu được tiền do đã xử lý được rác thải (hiện nay TP.HCM phải trả cho Công ty TNHH xử lý CTR Việt Nam khoảng 16 USD/tấn tại khu xử lý rác Đa Phước). Còn việc sử dụng tro bay, xỉ phối trộn với clinker trong sản xuất xi măng là điều mà chúng ta đã làm lâu nay.

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sản xuất VLXD, trong đó có xi măng, Bộ Xây dựng đã biên soạn và Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường chất lượng đã ban hành các tiêu chuẩn như: TCVN 6882:2001 Phụ gia khoáng cho xi măng (áp dụng cho tro bay và tro đáy); TCVN6260:2020 Xi măng pooclang hỗn hợp; TCVN 4315:2007 Xỉ hạt lò cao dùng để sản xuất xi măng; TCVN 7570: 2006 Cốt liệu cho bê tông và vữa (áp dụng cho tro đáy). Theo ước tính của chúng tôi, mỗi năm các nhà máy xi măng tiêu thụ khoảng 7 triệu tấn tro bay, các nhà máy sản xuất VLXD như gạch không nung, bê tông, tiêu thụ khoảng 2 đến 2,5 triệu tấn tro và xỉ của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất.

Hiện DN đang gặp khó khăn về cơ chế, chính sách như thiếu nguồn rác đầu vào ổn định cho nhà máy xi măng; chính sách vận chuyển rác từ tỉnh này sang tỉnh khác gặp khó khăn, vốn đầu tư, vướng Luật… Vậy cần tháo gỡ cơ chế, chính sách theo hướng nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xi măng đồng xử lý, phát triển kinh tế tuần hoàn, thưa ông?

– Đúng như câu hỏi mà Báo Xây dựng đã đặt ra, theo báo cáo của Bộ TN&MT, hiện nay cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, gồm 381 lò đốt, 37 dây chuyền chế biến phân compost, 904 bãi chôn lấp, trong đó chưa có quy hoạch về rác sử dụng cho các nhà máy xi măng dẫn đến tình trạng cạnh trang nguồn nguyên liệu (rác) cho các nhà máy đốt rác phát điện, đốt rác trong nhà máy xi măng. Cho nên cần có vai trò quản lý nhà nước trong việc điều tiết nguồn nguyên liêu đốt cho các nhà máy đốt rác phát điện, đốt rác sản xuất xi măng, công cụ quản lý nhà nước có thể là quy hoạch, hoặc chiến lược vùng nguyên liệu cho các nhà máy nói trên.

Theo tôi được biết, quy định của pháp luật không cấm việc vận chuyển chất thải rắn từ tỉnh này sang tỉnh khác. Tuy nhiên, việc xử lý CTRSH theo phương pháp truyền thống gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nên các tỉnh tự bảo vệ mình bằng cách đặt ra nhiều rào cản để không tiếp nhận CTRSH từ nơi khác. Nay nhờ tiến bộ của KHCN ứng dụng đốt rác phát điện, đốt rác ở lò xi măng không phát sinh ô nhiễm cho địa phương nếu như các nhà máy được đánh giá ĐTM đúng theo quy định của pháp luật, ngược lại còn mang thêm nguồn thu cho địa phương từ phí xử lý CTRSH, hoặc thuế thu từ việc sản xuất điện, xi măng do các nhà máy mang lại. Do vậy các cơ quan truyền thông cần thông tin tới người dân, cơ quan quản lý địa phương hiểu và tạo điều kiện để việc vận chuyển CTRSH từ địa phương này sang địa phương khác được thuận lợi và tuân thủ các quy định của pháp luật về việc vận chuyển CTRSH.

Về cơ chế hỗ trợ cho các chủ đầu tư đầu tư công nghệ đốt rác phục vụ sản xuất xi măng, ngày 05/5/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng CTR tại Việt Nam, có các quy định hỗ trợ về giá mua điện nhưng các dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch ngành điện hay quy hoạch. Còn các nhà máy xi măng sử dụng CTR để đốt chưa có cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước, tuy nhiên các nhà máy này được hưởng lợi từ việc giảm sử dụng nguyên liệu truyền thống (than đá) lên đến 20 – 25%, hưởng từ hợp đồng xử lý CTR (CTR công nghiệp, CTRSH) với các địa phương, hoặc từ chủ cơ sở phát thải, giá dao động từ 300.000 – 500.000đ/tấn. Để phát huy hiệu quả KTTH trong lĩnh vực sản xuất xi măng nói riêng, các lĩnh vực của ngành Xây dựng nói chung cần có các văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm kỹ thuật hướng dẫn cụ thể hơn nữa, để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần chuyển đổi mô hình nền kinh tế của nước ta sang giai đoạn mới nhanh và bền vững, ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Ngành Xây dựng có nhiều tiềm năng phát triển KTTH, ngoài hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn quy chuẩn, cần thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng nói chung; sản xuất VLXD và xi măng nói riêng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích