Thúc đẩy hoạt động sáng tạo, hiện thực hóa tầm nhìn Hà Nội
Hà Nội đang tạo ra các cơ hội trao đổi, thúc đẩy, hình thành các cộng đồng sáng tạo, tìm kiếm các ý tưởng thiết kế để phát huy tốt hơn tiềm năng của Thủ đô trong xây dựng thành phố sáng tạo.
Khách thưởng lãm các tác phẩm tại Con đường nghệ thuật Phúc Tân – một không gian sáng tạo cộng đồng tại Hà Nội. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN) |
Hội tụ kho tàng di sản văn hóa phong phú và một cộng đồng sáng tạo năng động, Hà Nội có nhiều tiềm năng và lợi thế trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ, thúc đẩy sự sáng tạo về văn hoá, tạo ra những sản phẩm văn hóa có chất lượng, sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.
Thành phố đang tạo ra các cơ hội trao đổi, thúc đẩy, hình thành các cộng đồng sáng tạo, tìm kiếm các ý tưởng thiết kế để phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội trong xây dựng thành phố sáng tạo.
Những biến hóa độc đáo
Hà Nội là nơi có thể tạo điều kiện cho các cộng đồng sáng tạo từ các lĩnh vực kiến trúc và nghệ thuật, văn hóa, tạo ra những tác phẩm sáng tạo đầy tâm huyết. Những không gian sáng tạo, sản phẩm thủ công truyền thống sáng tạo, hoạt động văn hóa nghệ thuật nhiều màu sắc… ra đời trong thời gian qua đã khẳng định sức sáng tạo dồi dào của người Hà Nội.
Những ai quan tâm đến di sản phố cổ Hà Nội thời gian gần đây đều ngỡ ngàng và phấn khởi khi công trình nhà 22 Hàng Buồm vừa được cải tạo thành Trung tâm văn hóa nghệ thuật, thực tế là một không gian sáng tạo dành cho giới sáng tạo Hà Nội.
Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm vốn là một di sản văn hóa kiến trúc cổ, sau đó có thời gian dài được biến đổi công năng thành trường mầm non.
Với chủ trương của quận Hoàn Kiếm hoàn trả lại không gian cho các công trình văn hóa, trường mầm non được di chuyển đến một điểm khác, nơi này được trùng tu, tôn tạo và đưa vào phát huy giá trị bằng cách tạo không gian sáng tạo mới.
Tất cả những dấu tích cũ đều được gìn giữ và phục hồi đúng với giá trị gốc. Một biểu hiện của quá khứ vẫn được giữ lại và người ta tiếp tục thổi cho nó luồng sinh khí mới, để vừa hài hòa với lịch sử, vừa phù hợp với nhịp sống hiện tại. Có thể hiểu, đó là sự cộng sinh văn hóa giữa cộng đồng văn hóa cũ và mới thông qua hoạt động sáng tạo. Đó cũng là cách ứng xử phù hợp với Phố cổ Hà Nội của quận Hoàn Kiếm, vừa bảo tồn được di sản, vừa làm sống động nó để phục vụ cuộc sống ngày nay.
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm bày tỏ mong muốn nơi đây trở thành không gian sáng tạo, là sân chơi của các nghệ sỹ ở mọi lĩnh vực, phục vụ mục đích nghiên cứu, giới thiệu nghệ thuật, tạo ra những giá trị mới, những sản phẩm sáng tạo mới.
Cải tạo các công trình cũ thành không gian sáng tạo không phải là chuyện hiếm ở Hà Nội. Trong số rất nhiều không gian sáng tạo ra đời những năm qua, có một số lượng nhất định được hoán đổi, cải tạo từ các nhà máy cũ, các tòa nhà hiệu quả sử dụng thấp. Vẫn từ vỏ cũ, những người hoạt động sáng tạo đã hồi sinh lại, thổi hồn vào đó để các công trình này phát huy được hiệu quả trong một diện mạo mới, công năng mới, rất riêng biệt.
Bên cạnh đó, từ một nền tảng văn hóa truyền thống, người ta có thể hình thành những công trình mới, vừa chứa đựng hồn cốt tại địa danh đó, vừa bắt nhịp với xu thế thời đại. Trong đó, công trình Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, là một điển hình.
Được thiết kế với 7 khối kiến trúc xây theo kiểu xoáy trôn ốc với những đường cong mềm mại tựa như một bàn xoay gốm và những bình gốm đang được vuốt nặn. Công trình là tác phẩm kiến trúc độc đáo, tinh tế, chuyển tải được văn hóa đặc trưng của làng gốm Bát Tràng.
Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt được thiết kế với chức năng chính là nơi trưng bày gia phả, hình ảnh, hiện vật về sự phát triển của 19 dòng họ ở Bát Tràng và là nơi trưng bày các sản phẩm tinh hoa của làng gốm Bát Tràng, cùng sản phẩm tiêu biểu của các làng nghề khác trong cả nước.
Nơi này cũng tổ chức không gian nghệ thuật dân gian truyền thống, khu trải nghiệm cho du khách tham gia các công đoạn làm gốm. Ngoài ra, Trung tâm còn có khu vực đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ của làng Bát Tràng; tổ chức các khóa đào tạo về chuyển đổi phương thức kinh doanh nhằm bắt kịp xu thế công nghệ 4.0; giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm nghề…
Kiến trúc sư Nguyễn Duy Thanh, giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, người tham gia thiết kế Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt chia sẻ công trình này là tâm huyết của người dân làng Bát Tràng, của chủ đầu tư và đội ngũ kiến trúc sư; là kết tinh của sự sáng tạo và là nơi khơi nguồn cho những sáng tạo.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều không gian sáng tạo tại Hà Nội. Mỗi không gian sáng tạo đều bộc lộ cái riêng, bộc lộ cá tính khác nhau trên nền tảng, vị trí đó, nhưng đều hướng đến lợi ích chung của cộng đồng, tạo ra sắc thái mới cho Thủ đô.
Mở lối cho hoạt động sáng tạo
Trên thế giới có hơn 180 thành phố tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, mỗi thành phố có một câu chuyện về tạo lập môi trường thuận lợi cho văn hóa và phát triển.
L’Espace là một không gian văn hóa được cải tạo từ nhà in của báo Nhân Dân ngày xưa. (Ảnh: Viện Pháp tại Hà Nội) |
Việc Hà Nội tham gia Mạng lưới cũng là bước đi đầu tiên trong tạo dựng hình ảnh mới, trong đó động lực sáng tạo, sức sáng tạo của người dân đủ tiềm năng thúc đẩy thành phố phát triển bền vững.
Nguồn lực di sản, con người là nguồn vốn phong phú để Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo không chỉ ở Việt Nam, mà còn của Đông Nam Á. Bởi lẽ, Hà Nội là Thủ đô duy nhất có bề dày trên 1000 năm với nguồn tài sản văn hóa và xã hội ít nơi nào có được.
Hà Nội đi đầu xây dựng thành phố sáng tạo sẽ truyền cảm hứng cho các thành phố khác trong cả nước, trở thành đô thị thực sự đáng sống, tạo tầm nhìn bền vững.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa – Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết ba trụ cột chính UNESCO khuyến nghị với Hà Nội là không tách rời phát triển và tái thiết đô thị khỏi văn hóa; tạo ra nguồn nhân lực sáng tạo cho Thủ đô từ phim ảnh, nghe nhìn, ẩm thực, truyền thông thông qua kết nối các trường đại học; xây dựng tầm nhìn, lộ trình tổng quan cho sự năng động về văn hóa hay chuỗi hoạt động văn hóa. Nếu làm được sẽ góp phần để Hà Nội xứng đáng là thành phố sáng tạo.
Hơn 2 năm tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa các sáng kiến cấp địa phương và quốc tế đã cam kết với UNESCO. Trong số đó, cuộc thi thiết kế các không gian sáng tạo Hà Nội là bước đi rõ ràng và mạch lạc nhất, tiếp đến là các công trình sáng tạo, hoạt động văn hóa nghệ thuật hướng đến sáng tạo, các tọa đàm và hội thảo về hoạt động sáng tạo…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng bước đầu Hà Nội đã thành công với những cam kết với UNESCO khi tích cực triển khai các hoạt động một cách đồng bộ từ văn bản chính sách cho tới các kế hoạch thực hiện.
Trước đây, Hà Nội có khoảng 70 không gian sáng tạo, nay đã có 115 không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố. Bà cũng mong muốn người trẻ sẽ tham gia tích cực vào các hoạt động để đưa Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế.
Tâm nguyện của những người hoạt động sáng tạo cũng mong muốn mang sáng tạo phục vụ nhiều hơn cho xã hội, nhưng muốn làm được điều đó cần một chất dung môi tốt hơn. Ngoài tình yêu nghề để vượt lên tất cả thì cần sự kết nối giữa các kiến trúc sư với nhau, giữa kiến trúc sư với xã hội và giữa kiến trúc sư với chủ đầu tư để tạo ra một công trình sáng tạo tốt. Điều không thể thiếu, thành phố cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy hoạt động sáng tạo tốt hơn.
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản – Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết thành phố chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố sáng tạo, thể hiện qua việc Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025.”
Thành phố xác định rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trở thành giá trị tinh thần to lớn, sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Mới đây là Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa Thăng Long-Hà Nội, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước.
Cũng theo bà Phạm Thị Lan Anh, trong định hướng xây dựng Thành phố sáng tạo, bên cạnh triển khai các sáng kiến cam kết với UNESCO, thành phố phát triển sản phẩm về sáng tạo; công nghiệp văn hóa ở 12 nhóm ngành nghề lĩnh vực; không gian sáng tạo, hình thành môi trường thúc đẩy sáng tạo; hạ tầng cơ sở, đặc biệt hạ tầng về khoa học công nghệ.
Thành phố cũng kêu gọi cộng đồng, các kiến trúc sư và giới trẻ cùng chung tay thiết kế sáng tạo, hiện thực hóa tầm nhìn trở thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế./.
Nguồn: Báo xây dựng