Thúc đẩy hoạt động quản lý trong chuyển đổi mục đích sử dụng pin xe điện

Tham dự hội thảo, phía Tổng cục TCĐLCL có ông Triệu Việt Phương – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, cùng đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục.

Phía UL có ông Kolin Low – Giám đốc khu vực – Tổ chức UL Standards & Engagement (ULSE); bà Rebecca Le – Chuyên gia UL về năng lượng và tự động hóa.

Phát biểu tại hội thảo, ông Triệu Việt Phương – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho biết, việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông sử dụng điện là một trong những giải pháp được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện nhằm đáp ứng mục tiêu toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện chất lượng không khí.

Theo ông Phương, số lượng xe điện và pin xe điện ngày càng tăng đang đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với nhà sản xuất và nhà quản lý trong việc quản lý chất thải, cụ thể là giải pháp tái sử dụng, tái chế và chuyển đổi mục đích sử dụng pin xe điện cuối vòng đời. Hệ thống pin xe điện bị suy giảm chất lượng sau các chu kỳ sạc-xả trong quá trình làm việc.

Khi sự suy giảm năng lượng đạt đến 20%-30% thì pin này không còn đủ khả năng sử dụng cho hệ thống truyền động của xe điện nữa. Tuy nhiên, pin này vẫn còn rất hữu ích cho các ứng dụng khác, ví dụ như sử dụng cho hệ thống lưu trữ năng lượng trong hệ thống năng lượng tái tạo.

Ông Triệu Việt Phương – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam.

Do đó, trong nỗ lực hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, bên cạnh các hoạt động tái chế (recycle), tái sản xuất (remanufacturing), hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng (repurposing) của pin xe điện đang rất được chú trọng, góp phần kéo dài vòng đời của pin.

Ông Phương nhận định, để đảm bảo an toàn cho hệ thống lưu trữ năng lượng có sử dụng pin xe điện chuyển đổi mục đích sử dụng, pin xe điện được chuyển đổi mục đích sử dụng này phải được kiểm soát chất lượng và đánh giá một cách nghiêm ngặt.

Tổng cục TCĐLCL phối hợp cùng Tổ chức ULSE (Underwritters Laboratories Standards and Engagement) tổ chức hội thảo này nhằm giới thiệu đến các bên liên quan về hai trong số các tiêu chuẩn về chuyển đổi mục đích sử dụng của pin. Trong đó, tiêu chuẩn UL 1974 Evaluation for Repurposing Batteries dùng để đánh giá quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng pin xe điện và được áp dụng để chứng nhận cho các công ty/tổ chức thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng của pin và tiêu chuẩn UL 1973 Batteries for Use in Stationary and Motive Auxiliary Power Applications dùng để đánh giá khía cạnh an toàn của các pin sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng cho các ứng dụng lưu trữ năng lượng.

“Với sự góp mặt của chuyên gia đến từ tổ chức UL, tôi hy vọng hội thảo sẽ mang đến nhiều thông tin bổ ích về tiêu chuẩn UL cũng như hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng pin hiện nay, góp phần định hướng và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ quan quản lý, đồng thời thúc đẩy phát triển giao thông điện một cách bền vững, chung tay bảo vệ môi trường”, ông Phương nhấn mạnh.

Tại hội thảo, bà Đoàn Thị Thanh Vân – Trưởng phòng Điện, điện tử, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đã có bài tham luận về các vấn đề của ngành công nghiệp pin và giải pháp thông qua áp dụng tiêu chuẩn.

Theo bà Vân, hiện nay hơn 26 triệu xe điện lưu hành tính đến năm 2022, tăng 60% so với năm 2021 và gấp hơn 5 lần năm 2018. Trong đó khoảng 70% là xe thuần điện BEV, việc tăng doanh số xe điện bán ra năm 2020-2021 và năm 2021-2022 là như nhau, khoảng 3,5 triệu chiếc.

Bên cạnh đó, nhu cầu pin lithium-ion dành cho ô tô tăng khoảng 65%, từ 330 GWh năm 2021 lên 550 GWh năm 2022; nhu cầu pin cho xe điện ở Trung Quốc tăng 70%, ứng với doanh số bán xe tăng 80% (tỷ lệ khác nhau đôi chút do có sự tăng nhẹ loại xe PHEV); Nhu cầu pin cho xe điện ở Hoa Kỳ tăng khoảng 80% trong khi doanh số bán xe điện chỉ tăng 55% vào năm 2022.

Để sản xuất pin xe điện, năm 2022 cần khoảng 60% lithium, 30% cobalt và 10% niken, trong khi đó năm 2017 nhu cầu này tương ứng chỉ là 5%, 10% và 2%. Lithium là một trong những thành phần chính của bất kỳ loại pin EV nào, chủ yếu tập trung ở Argentina, Bolivia và Chile. Việc khai thác lithium phần lớn bị giới hạn ở Úc, Chile, Argentina và một số công ty khác, chỉ có bốn doanh nghiệp chiếm gần 60% sản lượng toàn cầu.

Bất chấp những tiến bộ trong công nghệ pin, tỷ lệ lithium trên mỗi kg pin vẫn là 72g/kg và không giảm đáng kể. Trong khi đó, tỷ lệ coban giảm mạnh từ 200g/kg xuống còn 60g/kg.

Cũng theo bà Vân các tiêu chuẩn pin áp dụng hiện nay bao gồm: tiêu chuẩn IEC 63330, Requirements for reuse of secondary batteries (Yêu cầu đối với tái sử dụng pin thứ cấp) – 2024; IEC 63338, General guidance for reuse of secondary cells and batteries (Hướng dẫn chung đối với tái sử dụng cell và pin) – 2025; UL 1973:2022, Batteries for Use in Stationary and Motive Auxiliary Power Applications (Pin sử dụng trong các ứng dụng cấp nguồn tĩnh tại và di động); UL 1974:2023, Evaluation for Repurposing Batteries (Đánh giá các pin chuyển đổi mục đích sử dụng).

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tuyến.

Trong khuôn khổ hội thảo, Giám đốc Tiêu chuẩn UL Châu Á – ông Kolin Low đã chia sẻ tổng quan về ULSE (UL Tiêu chuẩn và Cam kết), chương trình hỗ trợ của UL cho lĩnh vực pin và nền kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, bà Rebecca Le, chuyên gia UL về năng lượng và tự động hóa cũng có bài tham luận liên quan đế tiêu chuẩn UL 1974 về tái sử dụng pin, xu hướng tương lai, các tiêu chuẩn quốc tế liên quan khác và tiêu chuẩn UL 1973 về pin trong các ứng dụng cấp nguồn. Chương trình cũng có phần thảo luận giải đáp những khó khăn, vướng mắc của hai bên trong quá trình xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn về pin.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích