Thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, hiện đại hóa hạ tầng Chính phủ điện tử

(TN&MT) – Để nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả Chính phủ điện tử, trong đó, cần tập trung vào lĩnh vực nhiều tiềm năng như đô thị thông minh, thương mại điện tử với kỳ vọng sẽ góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội giai đoạn hậu COVID-19…

Đây là thông điệp của Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021: “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ công trực tuyến, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 và giải pháp phát triển đô thị thông minh, thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số” vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông, IDG Việt Nam phối hợp với Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức.

Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh hệ thống Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, sau hơn một năm triển khai, Cổng dịch vụ công đã tích hợp hơn 2.900 TTHC của 21 Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố, hơn 57 triệu hồ sơ được xử lý, tiết kiệm ngân sách khoảng 8.000 tỷ đồng mỗi năm.

Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, năm 2020, thứ hạng phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) của Việt Nam đã tăng 2 bậc, lên vị trí thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí thứ 6 trong thứ hạng phát triển CPĐT. Điều này khiến cho lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư, phát triển đất nước chưa thực sự bứt phá.

Theo nhiều chuyên gia, trong giai đoạn tới, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả CPĐT, đồng thời, tập trung vào các lĩnh vực nhiều tiềm năng, như đô thị thông minh, thương mại điện tử – 2 lĩnh vực được kỳ vọng sẽ góp phần thiết thực trong việc ổn định tình hình kinh tế, xã hội giai đoạn hậu dịch COVID-19.

Kết quả triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia từ tháng 12/2019 đến nay

Về lĩnh vực đô thị thông minh, hiện có 38/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai triển khai đề án Đô thị thông minh. Việt Nam đã chủ động tiếp cận và định hướng phát triển đô thị thông minh từ khá sớm, bắt nhịp với các quốc gia trên thế giới; đã tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi số; hạ tầng thông tin đã cơ bản được phủ sóng 4G; khả năng tiếp cận các dịch vụ về công nghệ thông tin và tỷ lệ sử dụng các thiết bị di động ở mức khá cao so với thế giới.

Lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam năm 2020, đã tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%. Không chỉ vậy, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2020-2025 được dự đoán là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử cả nước đạt 52 tỷ USD.

Trong xu thế chung đó, con đường đẩy mạnh chuyển đổi số các lĩnh vực thế mạnh sẽ giúp Việt Nam tạo được lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thôn Nguyễn Huy Dũng cho biết, Việt Nam đã ban hành văn bản chiến lược ở tầm quốc gia về phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số. Chiến lược này đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho tất cả các hành động của Việt Nam trong thập kỷ tới – thập kỷ được Liên Hợp quốc đánh giá là hành động theo mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, năm 2021, Bộ Thông tin Truyền thông lựa chọn mục tiêu đưa toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương đủ điều kiện lên mức độ 4. Hiện nay, tỉ lệ này mới đạt khoảng 45%. Cùng với đó, cần có giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến phục vụ doanh nghiệp, người dân.

Về định hướng phát triển Cổng Dịch vụ công – thúc đẩy hình thành chính phủ số, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, Hệ thống thông tin điện tử giải quyết thủ tục hành chính đã được hình thành theo hướng đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, làm cơ sở hỗ trợ, thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Trong đó, Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh đóng vai trò trung tâm, có sự kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ xác thực định danh và giải quyết thủ tục hành chính.

Để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong giải quyết thủ tục hành chính, ông Ngô Hải Phan cho biết sẽ tập trung vào một số giải pháp cụ thể, với phương châm “Lấy con người là trung tâm; cải cách dẫn dắt; công nghệ sẽ hỗ trợ, thúc đẩy” trong thực hiện chuyển đổi số.

Vì vậy, Việt Nam cũng gắn liền với việc giải quyết các vấn đề lớn để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số.

Vinh danh các lãnh đạo chuyển đổi số năm 2021

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, chương trình Bình chọn và vinh danh lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu được tổ chức nhằm tìm kiếm, bình chọn và tôn vinh các lãnh đạo chuyển đổi số (Chief Digital Officer – CDO) khối Chính phủ tại Việt Nam – những người có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức, chỉ đạo triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT, ANTT và thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, góp phần quan trọng trong việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Bộ ngành, địa phương. Sau khi lựa chọn và biểu quyết, Hội đồng bình chọn quyết định vinh danh 18 lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu năm 2021.

Ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường vinh dự được vinh danh là 1 trong 18 lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu năm 2021

Bạn cũng có thể thích