Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Trước thềm năm mới 2023, TS. Hà Minh Hiệp – Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã trao đổi về những thành công cũng như khó khăn trong công tác chuyển đổi số của ngành, từ đó đề xuất giải pháp để thúc đẩy quá trình này.

 TS. Hà Minh Hiệp – Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TCĐLCL

Thưa ông, hiện có những cơ sở, căn cứ nào để triển khai hoạt động chuyển đổi số ngành TCĐLCL?

Cơ sở triển khai hoạt động chuyển đối số ngành TCĐLCL được thể hiện tại một số văn bản như sau:

Thứ nhất, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã xác định đây là nhiệm vụ lớn, cấp thiết trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là một thành tố không thể tách rời trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, trong đó, cơ sở hạ tầng số, dữ liệu số, công nghệ số được xây dựng khá đồng bộ.

Thứ hai, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hai quyết định này đã khẳng định, Chính phủ số là chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội. Chính phủ số chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Thứ ba, Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 cũng nêu rõ “Xây dựng chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ”. Bộ KH&CN đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị xây dựng các Chiến lược, Đề án, nhiệm vụ khoa học công nghệ để sớm trình Thủ tướng phê duyệt và áp dụng, trong đó có Đề án Chuyển đổi số ngành TCĐLCL. 

Thứ tư, Thông báo số 253/TB-VPCP ngày 20/8/2022 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận Phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số ngày 08/8/2022 về việc xây dựng Đề án Chuyển đổi số ngành TCĐLCL, Bộ KH&CN đã khẩn trương, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện xây dựng Đề án Chuyển đổi số ngành TCĐLCL đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.

Với những cơ chế, chính sách như vậy thì chuyển đổi số của ngành TCĐLCL đã được triển khai như thế nào và có khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

Với những quy định hiện hành đã đảm bảo cơ sở để chúng tôi bắt tay ngay vào nghiên cứu, khảo sát, xây dựng dự thảo Đề án này. Về tiến độ, chúng tôi đã lấy ý kiến các đơn vị trực thuộc Tổng cục, các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN và đang hoàn thiện để lấy ý kiến các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án này, theo tôi, đó chính là thay đổi tư duy, thói quen sử dụng và tâm thế sẵn sàng đổi mới của các cấp lãnh đạo trong hệ thống ngành. Chuyển đổi số là vấn đề nhận thức chứ không chỉ là vấn đề công nghệ, là chuyện dám làm hay không dám làm của người lãnh đạo.

Được biết, Bộ KH&CN hiện đang xây dựng Đề án Chuyển đổi số ngành TCĐLCL, xin ông cho biết, quan điểm xây dựng và mục tiêu của Đề án như thế nào?

Quan điểm của Đề án này được xác định “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong hoạt động Chuyển đổi số ngành TCĐLCL, đảm bảo thống nhất, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả. Phát triển các nền tảng số, dữ liệu số, hạ tầng số để kết nối giữa Trung ương và địa phương; trong nước và quốc tế; tạo sự thay đổi lớn của công chức, viên chức, người lao động với người dân và doanh nghiệp về cách thức tổ chức, cách thức phục vụ và thay đổi phương thức làm việc phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển kinh tế, xã hội đất nước”.

Theo ông, Đề án được ban hành sẽ tác động thế nào đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành và đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân?

Theo tôi, Đề án này sẽ tác động rất lớn đối với hai nhóm:

Đối với công chức, viên chức và người lao động sẽ được tổ chức, làm việc dựa trên dữ liệu số và công nghệ số, kết nối, hợp tác dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn. Nói cách khác là đội ngũ công chức, viên chức và người lao động ngành TCĐLCL là những công dân số trong hệ sinh thái chuyển đổi số ngành TCĐLCL.

Đối với người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ.

Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm trong hoạt động Chuyển đổi số ngành TCĐLCL. Vậy có những nền tảng dịch vụ nào sẽ được triển khai trên môi trường số, thưa ông?

Đề án sẽ tập trung triển khai một số nền tảng dịch vụ như: Nền tảng thông tin đám mây số ngành TCĐLCL (Icloud – Standads, Metrology And Quality (iSTAMEQ). Nền tảng này cho phép cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước trên môi trường số, tăng cường chia sẻ, kết nối, tiếp nhận thông tin, thúc đẩy sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, bảo đảm an toàn thông tin của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Nền tảng tác nghiệp số chuyên ngành về TCĐLCL để cung cấp dịch vụ số, kết nối với hệ thống Chính phủ số và các hệ thống quy mô quốc gia cần thiết khác; ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa giao diện, nâng cao trải nghiệm người dùng dịch vụ công, tiếp thu ý kiến người dân và doanh nghiệp khi xây dựng, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Các ứng dụng công nghệ số trên thiết bị công nghệ thông minh (nền tảng dịch vụ số: nhận mẫu, thử nghiệm, đo lường, chứng nhận, quản lý chất lượng, kho mẫu, thiết bị, chứng nhận phù hợp, kiểm định, quản lý hệ thống, chứng chỉ số, hồ sơ thử nghiệm, giám định, văn phòng số…), cho phép công chức, viên chức và người lao động có môi trường làm việc hiện đại. Đồng thời, người dân và doanh nghiệp có thể định danh trên không gian số và sử dụng dịch vụ số ngành TCĐLCL mọi lúc, mọi nơi.

Đặc biệt, để tạo thuận lợi, minh bạch hai chiều đảm bảo các quyền của người tiêu dùng, nhà sản xuất, người dân và doanh nghiệp khi sử dụng thiết bị công nghệ hoặc điện thoại thông minh có thể đối chiếu/tìm kiếm thông tin (tích hợp các giấy phép) trên một sản phẩm hợp pháp do các cơ quan ngành TCĐLCL cấp phép.

Hoạt động TCĐLCL ngày càng đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH đất nước. 

Nền tảng tích hợp dữ liệu số toàn ngành TCĐLCL theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền đảm bảo khai thác phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Nền tảng số về phân tích, thống kê, báo cáo chuyên ngành; từng bước tự động hóa công tác báo cáo, thống kê phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các Bộ, ngành và địa phương nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ việc ra quyết định dựa trên dữ liệu số ngành TCĐLCL. 

Phát triển và ứng dụng hệ thống làm việc từ xa theo hướng thuê dịch vụ nhằm đa dạng hóa hình thức làm việc phù hợp với các đối tượng, hoàn cảnh khác nhau, bảo đảm kế thừa, kết nối hệ thống thông tin của quốc gia, Bộ, ngành, địa phương. 

Nghiên cứu, xây dựng, phát triển công nghệ số như điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), di động (Mobility), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), mạng xã hội,… trong chuyển đổi số ngành TCĐLCL, có khả năng khai thác các giá trị dữ liệu chuyên ngành cũng như tự động thay thế con người thực hiện nhiều nhiệm vụ nhanh hơn, thông minh hơn trong hoạt động ngành TCĐLCL trong tương lai.

Hoạt động của ngành TCĐLCL liên quan đến sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm hàng hóa trong cả nước. Như vậy khối lượng công việc và nguồn lực thông tin là rất lớn. Vậy, việc xây dựng hạ tầng số và dữ liệu số sẽ được thực hiện theo lộ trình thế nào, thưa ông?

Đề án này sẽ được thực hiện theo lộ trình từ nay đến năm 2025 và giai đoạn 2025-2030.

Giai đoạn từ nay đến năm 2025 tập trung vào xây dựng các nền tảng số và dữ liệu số có phạm vi quy mô quốc gia, nhất là cải thiện môi trường làm việc, phương thức làm việc và khắc phục dữ liệu không được kết nối, không được chia sẻ;

Giai đoạn 2025-2030, tập trung nghiên cứu phát triển ứng dụng di động (Mobility), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), mạng xã hội,…

Nếu Đề án được ban hành, theo ông, cần phải bổ sung hay sửa đổi chính sách gì?

Nếu Đề án được ban hành thì một trong những nhiệm vụ chính sẽ được triển khai là: Rà soát hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số ngành TCĐLCL phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế; Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chuyển đổi số trong chuyển đổi số quốc gia; Xây dựng văn bản quy định về cơ sở dữ liệu, cơ chế vận hành, cung cấp và khai thác sử dụng trong Chuyển đổi số ngành TCĐLCL phù hợp quy định của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông; Có cơ chế, chính sách thu hút tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư phát triển, xây dựng hệ sinh thái số ngành TCĐLCL.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Song Hiền – Quang Anh (thực hiện)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích