Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo nghiệp vụ tiêu chuẩn đo lường chất lượng
Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế – xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Dẫn chứng số liệu cho thấy chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, ông Phạm Ðức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được đưa lên mức độ 4 ước thực hiện năm 2022 là 100%, tăng 4% so với năm 2021. Tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến/tổng số hồ sơ thủ tục hành chính ước thực hiện năm 2022 đạt 52,8%, vượt 2% so với kế hoạch năm 2022 và tăng 17,5% so với năm 2021.
“Số lượng giao dịch trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia năm 2022 tăng trưởng đột biến, ước đạt 860 triệu giao dịch, trung bình 1 ngày khoảng 2,1 triệu lượt giao dịch, tăng gấp 4,8 lần so với năm 2021”, ông Long nhấn mạnh.
Nói về tác động của chuyển đổi số đối với lĩnh vực đào tạo nghiệp vụ tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL), ông Lê Minh Tâm, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ TCĐLCL (Tổng cục TCĐLCL) cho biết, cũng như các ngành, lĩnh vực khác, lĩnh vực đào tạo nghiệp vụ TCĐLCL cũng không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số. Tuy nhiên, khác với khối doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước diễn theo quy trình dài hơn, cần nhiều thời gian hơn.
Ông Lê Minh Tâm, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ TCĐLCL (Tổng cục TCĐLCL).
Theo ông Lê Minh Tâm, kể từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát, phương thức làm việc thay đổi một cách nhanh chóng, xu hướng chuyển đổi số vì thế ngày càng thể hiện rõ hơn. Có thể lấy ví dụ điển hình là chuyển từ làm việc trực tiếp sang trực tuyến, với sự hỗ trợ của công nghệ, công nghệ số.
“Ở Mỹ, kiểu làm việc “work from home” (làm việc tại nhà) đã được áp dụng rất nhiều cho đến thời điểm hiện tại. Có nhiều công việc người ta có thể làm và xử lý tại nhà thay vì đến văn phòng làm việc và dần thành một thói quen. Vì vậy, khi chuyển đổi số thành một xu thế thì mình cần tìm cách hòa nhập theo. Đối với công tác đào tạo tư vấn, đã có sự thay đổi nhanh chóng và thích ứng linh hoạt, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Với hoạt động đào tạo về TCĐLCL, phương thức tư vấn trực tuyến đã không còn xa lạ. Các doanh nghiệp cũng dần được bắt kịp được phương thức này và nhận thấy nhiều lợi ích thiết thực”, ông Tâm cho biết.
Cũng theo Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ TCĐLCL, tỷ lệ đào đạo trực tiếp và trực tuyến của đơn vị hiện đã là 50-50. Đối với những lớp học trực tiếp thường liên quan đến thực hành, cần có công cụ hỗ trợ thì sẽ bắt buộc phải đến.
Hiện tại, đơn vị cũng đang trình Tổng cục cho phép đào tạo từ xa trong trường hợp doanh nghiệp đó có thể đáp ứng mọi công cụ, thiết bị cần thiết và kết quả vẫn được công nhận. Đối với đánh giá sự phù hợp, hợp chuẩn, hợp quy, công tác đào tạo trực tuyến đã được thực hiện từ lâu.
“Trung tâm cũng đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, nhất là quá trình làm bài kiểm tra. Trung tâm đã làm việc với bên Vender để quản lý thi trực tuyến. Ngoài ra cũng dùng hệ thống Learning management system, hệ thống có thể kiểm soát chặt chẽ về người thi, bài thi chống gian lận mức tối đa. Phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng như vậy thì chứng nhận đánh giá mới có giá trị”, ông Tâm nhấn mạnh.
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực đào tạo nói chung và hoạt động đào tạo nghiệp vụ TCĐLCL nói riêng, ông Tâm cho rằng cần có cơ chế, chính sách thuận lợi cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số. Đó là các chính sách liên quan đến chất lượng việc dạy học trên môi trường mạng, an toàn thông tin mạng, các quy định liên quan đến điều kiện tổ chức dạy học trên mạng, kiểm định chất lượng, tính pháp lý và công nhận kết quả khi dạy học trực tuyến.
Phong Lâm