Thuận An – Bình Dương: Ô nhiễm môi trường từ bãi tập kết phế liệu trong khu dân cư
Thuận An – Bình Dương: Ô nhiễm môi trường từ bãi tập kết phế liệu trong khu dân cư
Theo dõi MTĐT trên
Mặc dù chưa được chính quyền cấp cơ sở phê duyệt hay chấp thuận hoạt động kinh doanh bãi tập kết phế liệu và không hề có giấy tờ nào về công tác bảo vệ môi trường. Nhưng cơ sở kinh doanh phế liệu Thuận Phát lại tồn tại rất nhiều năm mà không bị xử lý.
Nhiều người tham gia giao thông qua khu phố 1A đường Bùi Thị Xuân, phường An Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương không khỏi ngạc nhiên khi tuyến đường chỉ trọng tải 10T (mười tấn) nhưng không hiểu sao các trạm cân, củng như các bãi tập kết phê liệu tại đây lại có những đoàn xe contener, sơmi rơmooc với trọng tải lớn lại ra vào các bãi tập kết phế liệu tại đây để bốc xếp phế liệu được?
Bãi phế liệu nhếch nhác, lộn xộn, chất đống thành các bãi lớn nằm trong khu dân cư ngay đường Bùi THị Xuân là thực trạng đang diễn ra tại cơ sở thu mua phế liệu Thuận Phát tại 118B/1 khu phố 1A, phường An Phú, thanh phố Thuận An. Không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ quy hoạch đô thị, không đảm bảo an toàn PCCC theo quy định của pháp luật.
Rất nhiều hộ dân sinh sống cũng như tham gia giao thông trên tuyến đường Bùi Thị Xuân gần khu phố 1A, thuộc địa bàn phường An Phú, TP. Thuận An phản ánh, từ nhiều năm nay, trên địa bàn tồn tại một cơ sở tập kết, kinh doanh phế liệu “siêu khủng”. Mỗi ngày, phế liệu khắp nơi tập kết về liên tục bằng xe thô sơ, ôtô tải.
Sau khi được loại tập kết thành đống lớn, chờ giá cao mới vận chuyển bằng các xe tải sơmi Romooc được hoán cải để vận chuyển đến lò đúc tiêu thụ. Điều này đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông, hư hỏng đường sá, nguy cơ cháy nổ rất cao khi không đảm bảo công tác PCCC.
Có mặt tại khu phố 1A, đường Bùi Thị Xuân tại cơ sở tập kết, thu gom phế liệu Thuận Phát, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là đầy ắp các “ mặt hàng” phế liệu từ sắt vụn, chai thùng các loại… chất thành đống lộn xộn, để tràn lan.
Điều đáng nói là cơ sở thu mua phế liệu này lại nằm ngay cạnh đường, trong khu dân cư đông đúc. Xe tải lớn ra vào ngổn ngang đã ảnh hưởng không nhỏ đến người tham gia giao thông. Hơn thế nữa, cơ sở này không có trang bị thiết bị an toàn phòng cháy, chữa cháy nào.
Theo ghi nhận điểm thu mua phế liệu này bốc mùi gỉ sắt khó chịu, gây ô nhiễm môi trường. Tại đây chủ bãi đã tự ý xây dựng, lặp đặt trạm cân trái phép để phục vụ cân trọng tải mua bán phế liệu, và còn có cả máy kẹp cở lớn hoạt động phục vụ kẹp bốc dỡ phế liệu lên các xe tải lớn. Sự việc này được người tham gia giao thông phản ánh nhiều lần về hotline của chúng tôi để kiến nghị phản ánh lên chính quyền địa phương để xử lý.
Cơ sở này hầu hết lúc nào cũng đắp đầy các mặt hàng phế liệu, hàng hóa tập kết tạm bợ, lối đi nhỏ, hẹp, hệ thống dây điện chằng chịt, sơ sài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Mặt khác, do phế liệu nhiều và được tập kết ngoài trời nên khi mưa xuống, nước chảy tràn lên phế liệu có lẫn các loại chất thải khác nhau, kể cả chất thải nguy hại.
Trong khi đó, đa số các cơ sở kinh doanh phế liệu chưa đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải đúng quy định, vì thế nước thải chảy ra môi trường hoặc tự thấm vào lòng đất, gây mùi xú uế, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống trong khu vực.
Khi PV có mặt, cơ sở hoạt động rất nhộn nhịp với một số công nhân đang phân loại phế liệu, máy kẹp đang bốc dỡ hàng lên xuống rất nhộn nhíp, nhiều xe tải và container chở hàng đến và đi liên tục.
Từ những ghi nhận trên PV cũng đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND phường An Phú, để phản ánh những tình trạng trên. Qua trao đổi làm việc với ông Lê Văn Hùng người được giao cung cấp thông tin và làm việc ông Hùng thông tin: “Hiện tại bên chính quyền chưa có hồ sơ gì liên quan tới bãi tập kết phế liệu này, chúng tôi đã yêu cầu nhưng họ chưa cung cấp”.
Sau gần hai tháng chờ đợi thì PV được phản hồi là đơn vị này không có các giấy phép phê duyệt chấp thuận hoạt động, cũng như các giấy xác nhận phê duyệt công tác bảo vệ môi trường và đặc biệt giấy phép hoạt động có điều kiện. Tại đây, chỉ cung cấp cho PV giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng kí kinh doanh. Ngoài ra thì phía ông Hùng cũng thông tin tại đây không có các giấy phép nào khác.
Việc các cơ sở kinh doanh phế liệu hoạt động không có giấy phép, không đảm bảo các điều kiện về luật môi trường, về vệ sinh, an toàn cháy nổ nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Để quản lý tốt hoạt động này, thiết nghĩ, UBND TP. Thuận An; Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cần phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh thu mua, tái chế phế liệu cũng như gắn trách nhiệm cơ sở; yêu cầu tháo dỡ di chuyển đúng phù hợp quy hoạch, phải đầu tư đầy đủ các trang thiết bị xử lý chất thải, rác thải trước khi tiến hành cấp phép kinh doanh.
Bên cạnh đó, đề nghị UBND các phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các chủ cơ sở kinh doanh, nhằm giúp cho họ hiểu hơn việc thu mua phế liệu phải bảo đảm cảnh quan môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
Ngoài ra, các cơ sở thu mua phế liệu cần bảo đảm an toàn khu vực kinh doanh, có phương tiện phòng cháy, chữa cháy hữu hiệu, vì nhiều phế liệu có nguy cơ cháy nổ cao. Đồng thời có biện pháp che chắn bảo đảm mỹ quan, giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực kinh doanh và các hộ xung quanh.
Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông cũng cần có trách nhiệm xử lý dứt điểm tình trạng xe trọng tải lớn ra vào mua bán phê liệu trong khu dân cư đường có giới hạn trọng tải cho phép 10T. Trách nhiệm này trên ai hết là công tác an toàn giao thông cho người dân.
Cần xử lý tình trạng các bãi tập kết phế liệu nằm trong khu dân cư, cũng như không phép mọc tràn lan.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị