Thừa Thiên – Huế: Vì sao khách hàng “quay lưng” với đất đấu giá?

(Xây dựng) – Từ đầu năm 2023 đến nay, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức đấu giá hàng loạt khu đất, với hàng nghìn lô. Tuy nhiên, có nhiều khu đất đã đưa ra đấu giá đến lần thứ 2, lần thứ 3 nhưng vẫn không có khách hàng mua hồ sơ.

Thừa Thiên - Huế: Vì sao khách hàng “quay lưng” với đất đấu giá?
Nhiều khu đất được đầu tư hạ tầng đồng bộ, nhưng không có khách mua hồ sơ tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với các địa phương, đơn vị trên địa tỉnh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, với hàng nghìn lô đất. Nhiều cuộc đấu gia vẫn không có người mua hồ sơ, tham gia đấu giá… Do vậy, đơn vị phải tổ chức thông báo rất nhiều đợt, có khu vực phải tổ chức đấu giá đến 6 lần. Cụ thể, tháng 5/2023, huyện Phong Điền tổ chức đấu giá quyền sử đất ở xã Phong Hiền, với 54 lô. Tuy nhiên, qua 3 lần thông báo vẫn không có người đăng ký mua hồ sơ đấu giá. Cùng thời gian này, tại xã Điền Hương (huyện Phong Điền) đơn vị tổ chức đầu giá đã thông báo tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 50 lô. Nhưng qua 3 lần tổ chức đấu giá, chỉ có 8 lô có chủ.

Nhiều người dân cho biết, họ ngỡ ngàng khi chứng kiến các phiên đấu giá đất năm 2023 lại vắng như vậy. Dù các thông tin đấu giá đất được các địa phương thông báo rộng rải trên các mạng, nhưng người dân và giới đầu tư rất thờ ơ. Thậm chí, có những lô đất rất đẹp nhưng khi thông báo đấu giá chỉ nhận được lèo tèo vài hồ sơ. Đến khi đấu giá, nhiều lô đất còn không có người đấu lại phải dừng lại. Đặc biệt, ở khu vực này vào năm 2020, 2021, 2022 từng là điểm “nóng” về đất đấu giá quyền sử dụng đất.

Ông Lê Bá Phúc – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Nhiều khu đất đấu giá quyền sử dụng đất dù đã được Trung tâm Phát triển Quỹ đất của Sở phối hợp với các công ty tổ chức đấu giá, thông báo đấu giá nhiều lần nhưng vẫn không có người tham gia mua hồ sơ, đăng ký tham gia đấu giá.

Khu nhà ở biệt thự trục đường Quốc lộ 1A – Tự Đức (phường An Tây, thành phố Huế), với 48 lô đất. Mặc dù các lô đất này đã được san nền và cắm mốc phân lô, hệ thống hạ tầng kỹ đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước… đã cơ bản hoàn thành. Lô thấp nhất có diện tích 162m2 và lô cao nhất có diện tích là 572m2 (mức giá là gần 21 triệu đồng/m2 do nằm ở vị trí 1 của 2 mặt đường). Ngoài ra, mức giá của 47 lô còn lại có giá dao động từ 12,2-13 triệu đồng/m2. Dù Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh phối hợp với các công ty tổ chức đấu giá đã thông báo đấu giá 2 lần, nhưng vẫn không có người tham gia mua hồ sơ, đăng ký tham gia đấu giá.

Tương tự, giữa tháng 7/2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất – Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Chuỗi Giá Trị tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 5 lô đất ở tại khu định cư Bàu Vá, giai đoạn 2 (phường Thủy Xuân, thành phố Huế). Qua hai lần tổ chức bán hồ sơ đấu giá, nhưng vẫn không có người đăng ký. Theo thông báo đấu giá, 5 lô đất có tổng diện tích là 1.012,4m2 tại. Các lô đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo dự án được phê duyệt. Giá khởi điểm từ 24,73 – 26,73 triệu đồng/m2. Khách hàng trúng đấu giá QSDĐ phải xây dựng nhà theo mẫu thiết kế đã được phê duyệt.

Ông Lê Bá Phúc – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Thu tiền sử dụng đất 6 tháng đầu năm đạt thấp so với kế hoạch. Nguyên nhân do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, một số quỹ đất phân lô trong kế hoạch thu tiền sử dụng đất có vị trí không thuận lợi, diện tích mỗi lô cũng tương đối lớn, mặc dù đã thông báo đấu giá nhiều lần nhưng vẫn không có người đăng ký tham gia đấu giá.

Nhằm để tăng thu tiền sử dụng đất, ông Lê Bá Phúc cho biết: Những tháng cuối năm, Sở sẽ tiếp tục bám sát và thực hiện quyết liệt các biện pháp, giải pháp theo Kế hoạch thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2023 được UBND tỉnh ban hành. Tiếp tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất phân lô tại các khu quy hoạch. Đồng thời, đôn đốc thực hiện các thủ tục để tổ chức đấu giá đối với quỹ đất mới tiếp nhận và quỹ đất đấu giá thực hiện dự án. Nghiên cứu xem xét điều chỉnh phương án giá đối với các khu đất đã thông báo 3 lần nhưng không có người tham gia đấu giá.

Chỉ đạo các đơn vị thi công hạ tầng khẩn trương hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ để bàn giao quỹ đất phân lô bán đấu giá trong năm 2023. Yêu cầu nhà đầu tư đã được giao đất nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ tài chính, trường hợp chây ỳ thì tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định. Rà soát, tháo gỡ các dự án nằm trong kế hoạch dự phòng thu tiền đất mà có khả năng thu được ngay trong năm 2023 để bổ sung nguồn thu.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích