Thừa Thiên Huế: Triển khai Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2023 tới các doanh nghiệp
Cụ thể, Sở Khoa học và Công nghệ có Công văn số 276/SKHCN-TĐC thông báo đến quý tổ chức, doanh nghiệp các nội dung để đăng ký tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) năm 2023.
Theo đó, GTCLQG là giải thưởng cấp Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trao tặng cho các tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh. Giải thưởng vừa là mục tiêu, vừa là công cụ để các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa của mình.
Tổ chức, doanh nghiệp tham dự GTCLQG phải đáp ứng điều kiện: là các tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân đã hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ liên tục tại Việt Nam và không vi phạm các quy định của pháp luật trong thời gian ít nhất 36 tháng, tính đến thời điểm đăng ký tham dự; Tổ chức, doanh nghiệp đã đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia thì sau 02 năm kể từ ngày nhận Giải Vàng Chất lượng Quốc gia mới được tiếp tục tham dự lại GTCLQG.
Thừa Thiên Huế triển khai chương trình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2023 tới các doanh nghiệp
Thời gian đăng ký tham dự GTCLQG: Kể từ ngày thông báo đến hết ngày 15/4/2023. Thời gian nhận đầy đủ hồ sơ tham dự GTCLQG: Trước ngày 31/5/2023.
Tổ chức, doanh nghiệp tìm hiểu thêm thông tin về GTCLQG tại địa chỉ: www.giaithuong.org.vn. 5. Địa chỉ nhận hồ sơ: Sở Khoa học và Công nghệ, địa chỉ: Tầng 3 (tòa nhà 6 tầng), Khu hành chính tập trung tỉnh, đường Võ Nguyên Giáp, phường Xuân Phú, thành phố Huế.
GTCLQG (trước đây là Giải thưởng Chất lượng Việt Nam – GTCLVN) được thiết lập từ năm 1995 và triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và 7 tiêu chí của GTCLQG Hoa Kỳ (Giải thưởng Malcolm Baldrige). Các tiêu chí của Giải thưởng đã góp phần giúp các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiếp cận vấn đề chất lượng một cách toàn diện, nâng cao khả năng cạnh tranh, trình độ quản lý, uy tín và lòng tin đối với khách hàng.
Chương trình GTCLQG được thiết lập vào năm 1995 nhân dịp lễ khởi xướng Phong trào Năng suất – Chất lượng trong Thập niên Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất (1995-2005) theo sáng kiến của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Mục tiêu của GTCLQG được xác định là khuyến khích các doanh nghiệp (DN) và tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế nâng cao chất lượng hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hoá có chất lượng cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
GTCLQG nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương (APQO). Giải thưởng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để các DN bước vào giai đoạn hội nhập tích cực với thị trường quốc tế và khu vực.
GTCLQG có 7 chỉ tiêu đánh giá bao trùm toàn bộ giá trị của doanh nghiệp, từ sức mạnh của lãnh đạo doanh nghiệp (người chèo lái con thuyền doanh nghiệp) đến sức mạnh của cả nguồn nhân lực (chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề); Các chiến lược trong ngắn hạn và trong dài hạn để giúp doanh nghiệp có thể thích ứng một cách tốt nhất với thị trường, giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động của doanh nghiệp; Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và năng suất lao động với các mô hình quản lý chất lượng tiên tiến, phù hợp; Phân khúc thị trường, chính sách định hướng vào khách hàng, tạo ra những sản phẩm thỏa mãn nhu cầu cho thị hiếu của tất cả khách hàng; Đo lường phân tích, lưu trữ thông tin đầy đủ, chính xác, phục vụ đưa ra những quyết sách sát thực tế, chính xác và hiệu quả… các hoạt động trên đều được phản ánh, đánh giá trên kết quả thực tế mà doanh nghiệp đạt được.
Qua việc tham dự GTCLQG, doanh nghiệp có cơ hội đánh giá một cách toàn diện phương pháp quản lý, điều hành. Qua đó không ngừng cải tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, vị thế doanh nghiệp và uy tín thương hiệu trên thương trường là thước đo để đánh giá năng lực và chất lượng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp.
Bảo Linh