Thừa Thiên – Huế: Tạm dừng đón khách để thi công đường lên đỉnh Bạch Mã
(Xây dựng) – Ngày 7/5, ông Nguyễn Vũ Linh – Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã cho biết, đơn vị đã có thông báo tạm dừng đón khách để sửa chữa tuyến đường quản lý bảo vệ rừng tại Km12 + 900 do bị sạt lở cuối năm 2021.
Nhà thầu thi công đang xử lý phần nền đường taluy âm tại Km12+900 đường lên đỉnh Bạch Mã. |
Cuối năm 2021, do mưa lớn khiến tuyến đường lên đỉnh Bạch Mã đoạn Km12 + 900, xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) bị sạt lở nghiêm trọng gây chia cắt toàn bộ tuyến đường. Từ khi tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng Vườn Quốc gia Bạch Mã đã tạm dừng đón khách tham quan để chờ phê duyệt chủ trương đầu tư sửa chữa.
Ông Nguyễn Vũ Linh – Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã cho biết: Ngay khi được Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phê duyệt chủ trương đầu tư sửa chữa tuyến đường quản lý bảo vệ rừng sạt lở do thiên tai tại Km12 + 900 Quốc lộ 1 lên đỉnh Bạch Mã giao Vườn Quốc gia Bạch Mã làm chủ đầu tư. Ngay sau đó, chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện các thủ tục liên quan và tổ chức khởi công vào đầu tháng 5/2022. Dự kiến 01/6/2022 sẽ thông tuyến và bắt đầu đón khách tham quan Vườn Quốc gia Bạch Mã trở lại. Tuy nhiên, để hoàn thành các hạng mục của tuyến đường dự kiến phải đến tháng 9/2022.
Đơn vị thi công tổ chức san gạt lớp phong hóa để triển khai xây dựng kè chống sạt lở tuyến đường lên đỉnh Bạch Mã. |
Theo Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư sửa chữa tuyến đường quản lý bảo vệ rừng sạt lở do thiên tai tại Km12 + 900 Quốc lộ 1 lên đỉnh Bạch Mã với quy mô dịch hướng tuyến về phía taluy dương khoảng 2-3m, mặt đường rộng 5,5m đảm bảo kỹ thuật, thiết bị cho các phương tiện tham gia giao thông. Xử lý nền đường taluy âm, bố trí tường chắn xây đá hộc tại vị trí chân taluy chiều cao 6m. Mái taluy âm gia cố bằng tấm lát bê tông, dưới lót vải địa kỹ thuật. Chiều cao mái taluy âm từ 3,5-4m tạo cơ có bề rộng 2-3m. Mặt cơ gia cố bằng bê tông, tại vị trí đỉnh và chân cơ giằng bê tông cốt thép.
Bố trí hệ thống rãnh thu nước dọc theo chân cơ và đỉnh kè để thu về các vị trí bậc tiêu năng đổ về hạ lưu. Nền đường đắp lớp bao tải đất kết hợp lèn cát từ chân lên tạo mặt bằng ổn định nền đất, đắp đất cấp phối đầm chặt K=0,95. Bổ sung mặt đường bị hỏng bằng bê tông, bố trí thanh truyền lực, móng cấp phối đá dăm theo tiêu chuyển kỹ thuật. Kinh phí đầu tư công trình khoảng 9 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước khắc phục thiên tai, thời gian thực hiện 2 năm.
Như Báo điện tử Xây dựng đưa tin: Tuyến đường từ Quốc lộ 1A lên đỉnh Bạch Mã, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc (thuộc Vườn quốc gia Bạch Mã) có chiều dài 13km. Do mưa lớn từ ngày 15-18/10, đã làm sạt lở nghiêm trọng mái taluy âm tại Km12+900 tuyến đường lên đỉnh Bạch Mã với chiều dài 55m, ăn sâu vào tuyến đường gần 3m và mặt nghiêng sạt trượt sâu hơn 50m phá hủy hoàn toàn kết cấu kè, mặt đường và làm đứt toàn bộ tuyến đường nối từ chân núi lên đỉnh Bạch Mã, các phương tiện không thể lưu thông.
Ngay khi sạt lở xảy ra, Vườn quốc gia Bạch Mã đã lắp các biển cảnh báo điểm sạt lở và dựng trụ tiêu, sử dụng dây cảnh báo khoanh vùng khu vực nguy hiểm… Thông báo tạm dừng việc lưu thông trên tuyến đường từ Quốc lộ 1 lên đỉnh Bạch Mã để chờ khắc phục, sửa chữa.
Nguồn: Báo xây dựng