Thừa Thiên Huế: Sẽ đấu giá thêm 4 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Thừa Thiên Huế: Sẽ đấu giá thêm 4 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Ông Phan Quý Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ký phê duyệt Phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đợt 1 năm 2023.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh đợt 1 năm 2023 sẽ có thêm 4 khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh được tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong đợt này.

Trong đó, có 2 mỏ đất làm vật liệu san lấp và 2 mỏ đất sét làm gạch ngói. Cả 2 mỏ này đều chưa có kết quả thăm dò khoáng sản nhưng đã có tài nguyên dự báo.

Mỏ đất tại khu vực thôn Hiền Sỹ, xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) có diện tích 19,18ha, tài nguyên dự báo khoảng 2.000.000m3, giá khởi điểm 1.786.779.000 đồng. Mỏ đất tại khu vực xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc) có diện tích 7,34ha, tài nguyên dự báo khoảng 1.000.000m3, giá khởi điểm 893.389.000 đồng.

Mỏ đất sét làm gạch ngói tại khu vực 1 mỏ đất sét 2, xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy) với diện tích 15,3ha, tài nguyên dự báo khoảng 500.000m3, giá khởi điểm 3.453.975.000 đồng. Mỏ đất sét làm gạch ngói tại khu vực 2 mỏ đất sét 2, xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy) với diện tích 14,7ha, tài nguyên dự báo khoảng 400.000m3, giá khởi điểm là 3.763.180.000 đồng.

Khu vực hiện trạng đất mỏ đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 4 khu vực mỏ này chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Sau khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản và được UBND tỉnh cấp phép hoạt động khoáng sản thì tổ chức, cá nhân trúng đấu giá có trách nhiệm thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định của pháp luật.

Nếu trong quá trình thăm dò phát hiện có loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh nằm trong phạm vi diện tích, độ sâu của khu vực mỏ khoáng sản được UBND tỉnh công nhận trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì UBND tỉnh sẽ xem xét, cấp phép khai thác khoáng sản đó trong phạm vi diện tích, độ sâu thăm dò của khu vực đấu giá để tạo địa hình bằng phẳng phù hợp với quy hoạch tại khu vực đó. Đối với loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tổ chức trúng đấu giá phải thông báo cho UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường để có văn bản báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Những năm qua, thông qua hoạt động thanh, kiểm tra, các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện 1.353 vụ vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản, với tổng số tiền xử phạt là 14,5 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như khai thác vượt độ sâu, không thực hiện đúng nội dung phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có công trình bảo vệ môi trường, khai thác cát, sỏi lòng sông.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích