Thừa Thiên – Huế phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô năng động, bền vững đến năm 2045
(Xây dựng) – Ngày 23/11, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Bộ Xây dựng Trần Thu Hằng chủ trì Hội nghị thẩm định đồ án Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên – Huế đến năm 2045.
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Trần Thu Hằng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị thẩm định. |
Trọng điểm thu hút đầu tư phát triển của tỉnh
Tại Hội nghị, đơn vị tư vấn đã trình bày những nội dung chính trong thuyết minh Đồ án. Theo đó, Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên – Huế đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1771/QĐ-TTg ngày 05/12/2008 và phê duyệt điều chỉnh cục bộ tại Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 08/08/2019.
Sau hơn 13 năm triển khai, công tác quản lý và triển khai đầu tư xây dựng tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Khu kinh tế dần trở thành nơi trọng điểm thu hút đầu tư phát triển của tỉnh với tổng số vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, việc triển khai Quy hoạch chung đến năm 2025 đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, cần phải điều chỉnh và cập nhật quy hoạch phù hợp với xu hướng và tình hình phát triển chung của cả nước. Để giải quyết vấn đề trên, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức lập Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đến năm 2045.
Phạm vi, ranh giới nghiên cứu quy hoạch bao gồm thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiên, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Quy mô diện tích là 27.108ha, dân số là 41.800 người theo số liệu thống kê năm 2021.
Mục tiêu quy hoạch là phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thành khu vực phát triển kinh tế năng động, bền vững; là trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị công nghiệp, cảng và trung tâm logistics; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh, quốc phòng, chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; trở thành khu vực kinh tế động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và tỉnh Thừa Thiên – Huế; có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật – xã hội đồng bộ, hiện đại; không gian kiến trúc cảnh quan, đô thị văn minh, tiên tiến, môi trường bền vững và sử dụng đất đai hiệu quả.
Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực
Về tính chất, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô sẽ là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, trung tâm logistics gắn liền với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển nước sâu Chân Mây.
Bên cạnh đó, Khu kinh tế cũng là một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại; là đầu mối về giao thông vận tải, cửa ngõ giao lưu trao đổi hàng hóa; trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí; khu vực phát triển đô thị thông minh bền vững; khu vực phát triển hài hòa các mục tiêu kinh tế, văn hóa, môi trường và an ninh quốc phòng…
Theo nội dung điều chỉnh, dự báo dân số Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đến năm 2035 là khoảng 120.000 – 150.000 người; đến năm 2045 là khoảng 180.000 – 200.000 người. Quy mô đất xây dựng khoảng 6.500 – 8.000ha vào năm 2035 và tăng lên khoảng 10.000 – 12.500ha vào năm 2045.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Hoàng Hải Minh tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định. |
Về định hướng phát triển không gian, Khu kinh tế sẽ có các khu chức năng như khu vực cho phát triển công nghiệp; khu vực dành cho phát triển cảng biển; khu vực phát triển dịch vụ cảng biển và các khu nhà ở. Ngoài ra, Khu kinh tế cũng sẽ bố trí các khu vực công cộng cấp đô thị, trung tâm đào tạo nghề; hoàn thiện và bổ sung các không gian du lịch mang tính đặc trưng của Chân Mây và Lăng Cô…
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá và nhất trí cao với nội dung Nhiệm vụ Quy hoạch chung Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên – Huế đến năm 2045. Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà khoa học cũng đóng góp thêm một số ý kiến để giúp đơn vị tư vấn và địa phương bổ sung, hoàn thiện đồ án.
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế cần xác định rõ tính chất, vai trò của Khu kinh tế, động lực phát triển cho khu vực và nguồn lực thu hút đầu tư khu công nghệ, khu công nghệ cao; chú trọng các yếu tố liên quan đến an ninh, quốc phòng; cần thiết đối chiếu, rà soát với các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng đã có; đánh giá hạ tầng kỹ thuật, xã hội có liên quan; làm rõ yêu cầu về nguồn lực cho các dư án; lồng ghép các định hướng mới về du lịch trong Khu kinh tế; chỉ rõ các nội dung về không gian xanh, không gian công cộng, các vấn đề về sử dụng đất, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên…
Thay mặt UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đã tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định và chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu để nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện nội dung đồ án, trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. |
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Bộ Xây dựng Trần Thu Hằng đề nghị tỉnh Thừa Thiên – Huế phải tập trung hoàn thiện một số nội dung trọng tâm của đồ án.
Đó là rà soát và cập nhật, bổ sung đầy đủ căn cứ pháp lý; đồ án phải có nội dung so sánh với các Khu kinh tế khác để làm nổi bật điểm đặc biệt của Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.
Về dân số, đồ án cần làm rõ và khẳng định các số liệu thống kê về dân số, đảm bảo dự báo dân số có tính khả thi; đồng thời cũng phải phân tích nội dung điều chỉnh quy hoạch trong mối quan hệ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị.
Mặt khác, Vụ trưởng Trần Thu Hằng còn nhấn mạnh, trong các nội dung kế thừa quy hoach tại Quyết định số 1771/QĐ-TTg năm 2008, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch cần phải làm rõ tồn tại, bất cập và có yêu cầu điều chỉnh nội dung phù hợp. Đồ án cần phải xem xét lại đánh giá thực trạng, hệ thống sinh thái biển, đầm phá và đặc trưng của hệ thống cảnh quan tự nhiên; phân tích rõ đặc thù của hệ sinh thái đầm phá, ven biển; làm rõ các yêu cầu về đô thị, tạo sự gắn kết với hệ thống đô thị tỉnh và đô thị vùng.
Nguồn: Báo xây dựng