Thừa Thiên – Huế: Khoảng 2.000 tỷ đồng thực hiện đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn

(Xây dựng) – Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh phê duyệt, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 2.000 tỷ đồng.

Thừa Thiên - Huế: Khoảng 2.000 tỷ đồng thực hiện đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn
Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Hương Bình (thị xã Hương Trà) sắp hoàn thành.

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, các trung tâm huyện lỵ của tỉnh Thừa Thiên – Huế và trên 90% khu dân cư tập trung ở nông thôn được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo môi trường. Các chất thải nguy hại phát sinh trong sinh hoạt của các hộ gia đình được phân loại riêng với chất thải rắn sinh hoạt, được thu gom riêng để vận chuyển và xử lý từ 70% lên 100%.

Tăng cường đầu tư các phương tiện, thiết bị để thu gom, vận chuyển chất thải rắn đến khu vực xử lý, phấn đấu trang bị xe chở chất thải rắn chuyên dụng cho tất cả các huyện đảm bảo nhu cầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn. Tỉnh cũng cải tạo, khắc phục tình trạng ô nhiễm và giảm tải cho các khu xử lý chất thải rắn hiện hữu, tiến đến đóng cửa các bãi chôn lấp theo quy định.

Hoàn thành đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Phú Sơn (thị xã Hương Thủy), Nhà máy xử lý ở khu xử lý Hương Bình (thị xã Hương Trà), đầu tư cải tạo, nâng cấp Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy (huyện Phú Lộc) theo quy hoạch để phục vụ cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và vùng phụ cận. Hoàn thành, nâng cấp các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Nam Đông, A Lưới và Phong Điền.

Mục tiêu 100% lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường. Đối với chất thải rắn công nghiệp, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các cơ sở sản xuất – kinh doanh, dịch vụ được quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý; 90% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.

Chất thải rắn nông nghiệp, 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định; 85% phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái chế, tái sử dụng. Đối với chất thải rắn xây dựng, 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý, trong đó 60% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế.

Theo Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế được chia ra 2 giai đoạn, gồm giai đoạn đến 2025, với kinh phí thực hiện khoảng 706 tỷ đồng, giai đoạn 2026 – 2030, với tổng kinh phí khoảng 1.209 tỷ đồng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích