Thừa Thiên Huế: Hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững

Thừa Thiên Huế: Hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững

Hội Nông dân (HND) tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các ngành liên quan tích cực tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình nuôi lợn hữu cơ ở xã Thủy Bằng

Mô hình hữu cơ, tuần hoàn

Mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn của gia đình ông Nguyễn Văn Lịch ở thôn Trạch Hữu, xã Phong Thu (Phong Điền) góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Ông Lịch cho biết, trước đây gia đình ông chăn nuôi theo tập quán truyền thống, tạo ra sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Đầu ra sản phẩm khó khăn, không ổn định nên hiệu quả, thu nhập từ chăn nuôi bấp bênh.

Sau nhiều lần được đi tập huấn, tham quan mô hình chăn nuôi từ các trang trại, gia trại an toàn trong và ngoài tỉnh, ông Lịch nhận thấy nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn vừa góp phần cải tạo môi trường, vừa gia tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Mô hình này hoàn toàn chỉ sử dụng thức ăn và phân hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, nên sức khỏe của người chăn nuôi, canh tác lẫn chất lượng sản phẩm đều an toàn.

Từ năm 2010, gia đình ông Lịch liên kết để làm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn theo quy trình của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm. Từ lợi thế diện tích vườn lớn, nắm bắt và học hỏi kỹ thuật “chắc tay” cùng niềm đam mê, ông Lịch ngày càng quyết tâm theo con đường nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn.

Nắm bắt được quy trình kỹ thuật, ông Lịch tận dụng tất cả lợi thế từ đất vườn và chuồng trại của mình để phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Hiện tại, mỗi lứa ông nuôi từ 50-70 lợn thịt hữu cơ, trung bình mỗi năm xoay vòng 2,5 lứa. Thu nhập từ chăn nuôi lợn hữu cơ đạt 320 triệu đồng/năm.

Chi hội Nông dân thôn Trạch Hữu mới đây xây dựng mô hình tập thể với cây ăn quả thanh trà 5ha được công nhận chương trình VietGAP. Ông Lịch là một trong những người đi đầu tham gia mô hình, chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn quả thanh trà hữu cơ. Ông sử dụng nguồn phân chuồng từ chăn nuôi lợn hữu cơ để bón cho cây thanh trà. Hiện nay, gia đình ông có 200 cây thanh trà, hàng năm thu nhập 100 – 200 triệu đồng.

Ông Lịch luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và những kiến thức tích góp được cho nhiều người. Với phương pháp làm nông nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường, ông Lịch hiện là thành viên câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững
Mô hình trồng dưa lê ở An Hòa

Hướng đi đúng

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn là hướng đi phù hợp của tỉnh trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, hiện đại, góp phần đưa Thừa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian qua, tỉnh đã phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm xây dựng, mở rộng và phát triển nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh. Hội Nông dân (HND) tỉnh cũng phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2024-2025.

Mục tiêu của tỉnh, HND tỉnh trong phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan là nhằm xây dựng, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn vì sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở thế mạnh từng vùng của mỗi địa phương, HND tỉnh vận động nông dân thay đổi tư duy, chuyển đổi phương thức chăn nuôi, trồng trọt truyền thống sang sản xuất theo hướng organic tuần hoàn Quế Lâm.

Theo ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, tại Thừa Thiên Huế đã xây dựng, hình thành bước đầu hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Trong đó, có chuỗi giá trị nông sản hữu cơ thu hút hằng trăm hộ nông dân tham gia.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 500ha lúa, ngô, đậu tương… sản xuất hữu cơ theo chuỗi giá trị; 42 hộ dân và 2 hợp tác xã đang hợp tác phát triển chăn nuôi lợn hữu cơ, an toàn sinh học, liên kết theo chuỗi giá trị với hơn 300 lợn nái, 6.000 con lợn thịt, 1.000 con gia cầm/năm và 21 nhà lưới với tổng diện tích hơn 60.000m2.

Thời gian tới, HND tỉnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả. Trong đó, tập trung phổ biến cơ chế, chính sách đối với phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

HND các cấp phối hợp hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón, các chế phẩm sinh học cho cán bộ chủ chốt, HVND; vận động HVND thay đổi nhận thức, tập tục canh tác từ sử dụng nhiều sản phẩm phân bón vô cơ, chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng sang sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh theo hướng bền vững. Đồng thời, phối hợp cung ứng dịch vụ phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học cho HVND phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng các gian hàng trưng bày, quảng bá và kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho HVND.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích