Thừa Thiên Huế: Định vị trở thành đô thị di sản đặc trưng
Thừa Thiên Huế: Định vị trở thành đô thị di sản đặc trưng
Thừa Thiên Huế đang nỗ lực để đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với định hướng là đô thị di sản đặc trưng, là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030, là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; là trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước…
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, định hướng phát triển đô thị Thừa Thiên Huế dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
“Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế căn cứ trên tiềm năng, lợi thế so sánh, vị trí chiến lược cửa ngõ Hành lang kinh tế Đông – Tây với văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú, trọng tâm là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận, cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng với sông Hương, núi Ngự, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai”, ông Phương cho biết.
Cũng theo ông Phương, đến năm 2050, Thừa Thiên Huế sẽ mang đậm nét đặc trưng văn hóa, di sản, phát triển xanh, lưu giữ bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững.
“Thừa Thiên Huế sẽ là đô thị lớn, thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước. Là thành phố festival, trung tâm văn hóa – du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của Việt Nam và châu Á”, ông Phương nói.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, hạ tầng số đảm bảo hài hòa giữa kiến trúc với thiên nhiên và đặc thù của Huế.
Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế gồm Hành lang kinh tế Bắc – Nam, Hành lang kinh tế Đông – Tây, Hành lang kinh tế đô thị hướng biển; các trung tâm động lực gồm TP. Huế, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và Khu công nghiệp Phong Điền.
Thừa Thiên Huế xác định 5 nhóm đột phá, xem đây là nền tảng để đạt được mục tiêu Quy hoạch đề ra. Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Quy hoạch xác định, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh, trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tỉnh cũng sẽ phát huy lợi thế đô thị ven biển gắn với vị thế 4 trung tâm của vùng và cả nước với quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao về kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng giao thông chiến lược, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị”, ông Vui nói.
Quy hoạch cũng xác định rõ, địa phương sẽ phát triển kinh tế biển, đầm phá. Qua đó, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cực tăng trưởng, động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại, gắn với phát triển chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển – đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.
Theo ông Vui, cần phát huy vai trò động lực quan trọng của Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, của vùng. Đẩy nhanh tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh, ưu tiên thu hút các dự án lớn sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm.
Thừa Thiên Huế cần đổi mới, nâng cao hiệu quả trong bảo tồn di sản Cố đô Huế, chuyển hóa hữu hiệu tài nguyên văn hóa, lịch sử, thiên nhiên thành động lực tăng trưởng; phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng hệ sinh thái dân sinh, văn hóa, lịch sử và tự nhiên hấp dẫn; bồi đắp, phát huy giá trị con người xứ Huế làm nền tảng và nguồn lực phát triển bền vững.
Lợi thế nổi bật của Thừa Thiên Huế là di sản, nơi hội tụ những nét văn hóa đặc trưng của đất Cố đô. Chính yếu tố này đã định hướng tầm nhìn chung của quy hoạch địa phương, đồng thời cũng định hướng du lịch và dịch vụ là lĩnh vực mũi nhọn, tạo đột phá phát triển.
Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, Quy hoạch xác định, địa phương cần tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những trung tâm du lịch đặc sắc của khu vực Đông Nam Á; là trung tâm du lịch chất lượng cao, thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.
“Du lịch Thừa Thiên Huế cần phát triển các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp, như văn hóa – di sản; sinh thái, nghỉ dưỡng, biển – đầm phá; vui chơi giải trí, thể thao; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh; tâm linh; hội nghị – hội thảo. Trong đó, lấy du lịch văn hóa – di sản là chủ đạo, chú trọng phát triển du lịch chuyên đề với thương hiệu di sản Cố đô Huế, định vị phân khúc cao cấp với tính chất cung đình, mang đặc trưng. Phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số, du lịch xanh, bền vững”, ông Phúc nói.
Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ rõ, địa phương cần tập trung phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, gắn với công nghệ số, kinh tế số.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Đại Vui cho biết, Thừa Thiên Huế sẽ ưu tiên phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ vận tải, dịch vụ đô thị thông minh, dịch vụ văn hóa, triển lãm và hội nghị quốc tế…
“Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với thành phố festival, kinh đô ẩm thực, kinh đô áo dài. Phát triển dịch vụ logistics gắn với hệ thống Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cảng biển nước sâu Chân Mây, trở thành trung tâm logistics xanh của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung”, ông Vui cho hay.
Nói về việc tận dụng lợi thế về di sản để phát triển du lịch, ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, quy hoạch đã định hướng phát triển di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa, bao gồm các hoạt động nhằm bảo tồn, quảng bá, đa dạng hóa sản phẩm và tạo nguồn thu từ di sản văn hóa.
“Hoạt động này bao gồm các bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, trưng bày các hiện vật và địa danh lịch sử; các lễ hội, festival, sự kiện văn hóa và biểu diễn nghệ thuật; ngành công nghiệp hỗ trợ các nghệ nhân và thủ công truyền thống; các ngành công nghiệp sáng tạo như thiết kế, kiến trúc, thời trang, phim ảnh, văn học và truyền thông kỹ thuật số”, ông Phúc giải thích.
Nhấn mạnh vai trò của du lịch, đặc biệt là di sản, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Phương cho rằng, Quy hoạch định hướng việc chuyển hóa không gian di sản trở thành nguồn lực, động lực tăng trưởng mới. TP. Huế trong tương lai sẽ dựa trên 3 trụ cột là kinh tế du lịch, kinh tế di sản, kinh tế tuần hoàn để phát triển. Tỉnh sẽ phát huy giá trị di sản bằng du lịch văn hóa, cảnh quan, đô thị và sinh thái. Quy hoạch không gian để mỗi di sản trở thành hạt nhân, tạo động lực phát triển.
“Thừa Thiên Huế định hướng, kinh tế di sản tương tác với kinh tế du lịch, kinh tế phi truyền thống trong từng khu vực chức năng; tổ chức không gian di sản trở thành trọng tâm của cảnh quan đô thị và thu hút các hoạt động, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn; tạo tiền đề cho các di tích, di sản thu hút được nguồn vốn xã hội, trở thành động lực phát triển của vùng”, ông Phương nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị